SCIC trả lương lãnh đạo tiền tỷ mỗi năm quá cao so với hiệu quả công việc

08/07/2016 07:56
Mai Anh
(GDVN) - Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch VAFI, mức chi trả lương thưởng cho lãnh đạo SCIC là quá cao so với hiệu quả công việc họ làm được.

Hiệu quả không tương xứng với mức lương

Theo báo cáo tài chính, năm 2015 Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chi tới 121 tỷ đồng để trả chi phí cho nhân viên, trong đó chi phí cho các cấp quản lý là 71,7 tỷ đồng, nhân viên là 49,3 tỷ đồng.

Với số nhân viên khoảng 273 người, ước tính chi phí cho một nhân viên của SCIC lên tới 37 triệu đồng/tháng (con số này năm 2014 là 30,4 triệu đồng/tháng). Chi phí nhân viên bao gồm lương và các khoản trợ cấp khác.trong khoảng từ 37 triệu đồng/tháng đến 119 triệu đồng/tháng (mức thu nhập cao nhất 1,4 tỷ đồng/năm).

Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chi tới 121 tỷ đồng để trả chi phí cho nhân viên - ảnh nguồn Dân Việt.
Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chi tới 121 tỷ đồng để trả chi phí cho nhân viên - ảnh nguồn Dân Việt.

6 lãnh đạo chủ chốt của SCIC có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Trong đó, ông Lai Văn Đạo - Tổng giám đốc SCIC - nhận về hơn 1,4 tỷ đồng; bình quân mỗi tháng, ông Đạo có hơn 119 triệu đồng.

Bốn Phó Tổng giám đốc, gồm: Ông Lê Song Lai, ông Hoàng Nguyên Học, ông Nguyễn Quốc Huy, bà Nhữ Thị Hồng Liên, cũng nhận về mỗi người gần 1,3 tỷ đồng năm 2015. Ngoài ra, Kiểm soát viên Nguyễn Quốc Trị cũng nhận về gần 1,1 tỷ đồng.

Việc SCIC là doanh nghiệp nhà nước, có nghĩa cán bộ lãnh đạo và nhân viên công ty là những viên chức nhưng được hưởng mức lương cao ngất ngưởng khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Căn cứ vào đâu SCIC lại đưa ra mức lương thưởng lớn như trên?

Trước câu hỏi của dư luận, trong thông cáo báo chí gần đây SCIC khẳng định việc chi trả tiền lương, thưởng cho viên chức quản lý và người lao động SCIC tuân thủ đúng quy định của pháp luật và phù hợp kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thu nhập của lãnh đạo SCIC trích từ báo cáo thực trạng quản trị doanh nghiệp SCIC. Ảnh: Báo Lao Động
Thu nhập của lãnh đạo SCIC trích từ báo cáo thực trạng quản trị doanh nghiệp SCIC. Ảnh: Báo Lao Động

SCIC viện dẫn việc trả lương, thưởng cho viên chức quản lý và thù lao; Trong đó, tiền lương được chi trả theo đúng Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2013 của Chính phủ và Thông tư số 19/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và xã hội. 

Còn tiền thưởng, thù lao chi trả theo đúng Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013 của Chính phủ, Nghị định số 57/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Quy chế tài chính SCIC ban hành kèm theo Quyết định 3369/QĐ-BTC ngày 31/12/2014 của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Tuy lý giải của SCIC viện dẫn khá đầy đủ các nghị định, thông tư, song đứng trên khía cạnh quản lý tài chính, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) cho rằng, mức thu nhập lên đến 1,4 tỷ đồng của lãnh đạo SCIC là không xứng đáng.

Ông Hải phân tích, có thể SCIC viện dẫn ra các quy định của pháp luật cho thấy doanh nghiệp không sai nhưng đánh giá về hiệu quả công việc thì mức thu nhập như vậy quá đắt. 

SCIC trả lương lãnh đạo tiền tỷ mỗi năm quá cao so với hiệu quả công việc ảnh 3

SCIC trả lương lãnh đạo hơn 100 triệu đồng/tháng

SCIC trả lương lãnh đạo tiền tỷ mỗi năm quá cao so với hiệu quả công việc ảnh 4

Rút vốn tại hàng loạt tập đoàn, tổng công ty, nhà nước thu về hơn 4.000 tỷ đồng

“Nếu làm hiệu quả, lương của Tổng giám đốc, Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp vài tỉ là chuyện bình thường. Nhưng hoạt động èo uột như hiện nay thì mức lương tiền tỉ là quá đắt, 500 triệu đồng cũng là quá cao... Đó là chưa kể đến việc lãnh đạo của SCIC còn được hưởng thù lao tại các doanh nghiệp quản trị. 

Trở lại vấn đề thu nhập của lãnh đạo SCIC, theo tôi nhà nước phải cử những nhân sự giỏi xứng đáng với thu nhập hiện nay mới tránh khỏi nghi ngờ của dư luận”, ông Hải nhận định.

Nguyên nhân yếu kém trong bộ máy lãnh đạo SCIC theo Phó Chủ tịch VAFI đến từ việc nhiều vị trí lãnh đạo hiện tại của SCIC là những công chức, viên chức được đưa từ Bộ Tài chính sang.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, trong bộ máy lãnh đạo SCIC người đứng đầu là ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên, trước đó giữ vị trí Chánh văn phòng Bộ Tài chính. Chức vụ tại Bộ của ông Chi mang đậm quản lý hành chính nhà nước, không phải cách điều hành quản lý doanh nghiệp.

Ngoài trường hợp ông Chi, theo ông Hải còn nhiều lãnh đạo SCIC từng là công chức quen với quản lý nhà nước. Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, ở nhiệm vụ quản lý nhà nước có thể họ làm tốt, nhưng quản lý điều hành doanh nghiệp khác với quản lý hành chính.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI).
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI).

“Họ không phải những nhà quản trị doanh nghiệp vì vậy chất lượng hoạt động doanh nghiệp kém thể hiện rõ nhất là quá trình chậm thoái vốn”, ông Hải nhận định.

Nhiệm vụ thoái vốn là trọng tâm

Bên cạnh điều hành kém, theo ông Nguyễn Hoàng Hải những năm qua SCIC đã không hoàn thành nhiệm vụ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được Chính phủ giao cho SCIC. 

“Vấn đề thoái vốn chậm không phải vì thiếu nhà đầu tư hay không có người mua mà do SCIC làm nửa vời. Thay vì thoái hết vốn, SCIC lại bán nhỏ giọt dẫn đến không hấp dẫn nhà đầu tư. Mặt khác, do tiến trình thoái vốn chậm này dẫn đến giá bán không đạt được giá trị cao nhất, nhà nước chịu thiệt.

Đáng nhẽ đã bán SCIC phải bán hết vừa được giá, đồng thời thu hút được nhà đầu tư chiến lược”, ông Hải nói.

Về đường lối hoạt động, SCIC thành lập một công ty đầu tư là không nên. Chủ trương hiện nay của nhà nước yêu cầu SCIC thoái vốn nhưng thoái vốn doanh nghiệp này SCIC lại dùng tiền đó để đầu tư trong đó có đầu tư cổ phiếu. Như vậy đường hướng hoạt động của SCIC đi ngược lại với nhiệm vụ Chính phủ giao.

Ông Hải chỉ rõ nhiều khoản đầu tư của SCIC không hợp lý như việc rót 1.000 tỷ đồng cho Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) thực hiện Dự án mở rộng nhà máy giang thép giai đoạn 2. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.104 tỷ đồng đang “chết lâm sàng” từ năm 2012 và đến giờ vẫn chưa hoạt động trở lại.

Hay như trường hợp nắm hơn 2.500 tỷ đồng tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) trước đây cũng gây nhiều tranh cãi.

Sau nhiều năm nắm giữ, giá cổ phiếu VCG của Vinaconex cũng loanh quanh mệnh giá, có thời điểm giảm sâu. Công ty cũng trải qua nhiều lần khó khăn phải nợ lương Theo tôi toàn bộ phần vốn thu được từ việc thoái vốn cần chuyển về ngân sách nhà nước không nên để SCIC dùng đầu tư.

“Để hoạt động hiệu quả, SCIC nên xác định nhiệm vụ trọng tâm và duy nhất của SCIC hiện nay là thoái vốn doanh nghiệp thông qua đấu giá công khai. Nhà nước nên quy định cấm SCIC đầu tư theo kiểu tăng vốn hay duy trì vốn tại các doanh nghiệp nhà nước để tránh những khoản đầu tư không hiệu quả như tại Công ty Gang thép Thái Nguyên vừa qua”, ông Hải kết luận.

Mai Anh