Siêu máy bay của Vietnam Airlines giảm áp suất, nguy hiểm đến mức nào?

06/02/2016 07:21
Mai Anh
(GDVN) - Được coi siêu máy bay nhưng Airbus A350 của Vietnam Airlines đang liên tục gặp sự cố...

Ngày 5/2, chuyến bay VN227 của Vietnam Airlines khởi hành từ Hà Nội đi TP.Hồ Chí Minh lúc 7 giờ 5 phút sáng, khai thác bằng tàu Airbus A350 (số đăng ký VN-A887), chở 137 hành khách đã phải quay về Nội Bài hạ cánh khẩn cấp do gặp sự cố nguy hiểm.

Cụ thể, sau khoảng 40 phút cất cánh, khoang máy bay bị giảm áp suất, mặt nạ dưỡng khí tự động bung ra.

Máy bay Vietnam Airlines phải hạ cánh gấp do sự cố giảm áp suất không khí (ảnh minh họa - ảnh: H.Lực).
Máy bay Vietnam Airlines phải hạ cánh gấp do sự cố giảm áp suất không khí (ảnh minh họa - ảnh: H.Lực).

Đánh giá tình huống lúc đó, cơ trưởng chuyến bay đã triển khai xin phép quay lại và hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài. Rất may không có hành khách bị thương, chỉ có 1 tiếp viên bị thương nhẹ và được sơ cứu ngay tại phòng y tế Nội Bài. 

Đây không phải lần đầu tiên máy bay Vietnam Airlines gặp sự cố giảm áp suất đột ngột dẫn đến phải hạ cánh khẩn cấp. Trước đó ngày 16/12/2014, chuyến bay 1266 trên hành trình từ TP.Hồ Chí Minh đi Vinh, phải hạ cánh xuống Nội Bài vì gặp sự cố tương tự.


Siêu máy bay của Vietnam Airlines giảm áp suất, nguy hiểm đến mức nào? ảnh 2

Siêu máy bay A350 của Vietnam Airlines giảm áp suất, hạ cánh khẩn cấp

Siêu máy bay của Vietnam Airlines giảm áp suất, nguy hiểm đến mức nào? ảnh 3

"Siêu máy bay" của Vietnam Airlines bắt hành khách chờ 2 ngày liên tiếp

Theo lý giải của ông Mai Trọng Tuấn - một cựu phi công quân sự: Trước đây, các máy bay thường là buồng hở, tức là lên cao bao nhiêu thì áp suất bên trong và bên ngoài tương đương nhau vì vậy loại máy bay này không bay được cao hoặc có thể bay được cao cũng không dám bay vì sẽ khiến người ngồi trong máy bay không thể chịu được do không khí loãng, hành khách ngạt thở. Vì vậy máy bay chỉ có thể bay được ở độ cao từ 4,5km trở xuống.

Sau này máy bay đã có cải tiến kỹ thuật khi có buồng nén từ động cơ, nén không khí lại giúp tăng áp suất trong máy bay cao gấp nhiều lần so áp suất bên ngoài máy bay, trong khoang máy bay, khoang người lái và hành khách là buồng kín giữ mật độ và áp suất bình thường như dưới mặt đất. Vì vậy máy bay có thể bay rất cao mà người ngồi trên máy bay vẫn có cảm giác bình thường.

Ông Tuấn cho biết: Khi áp suất trong khoang máy bay giảm đột ngột, áp suất bên trong khoang sụt xuống bằng áp suất ngoài trời, người ngồi trên máy bay sẽ có nguy cơ bị ngạt. Vì vậy hệ thống mặt nạ dưỡng khi trên máy bay sẽ tự động được thả xuống trước mặt hành khách và phi công, tiếp viên. 

“Đây là hệ thống tự động không cần ai điều khiển. Khi mặt nạ dưỡng khí thả xuống trước mặt hành khách, đồng thời hệ thống ô xy dự phòng trên máy bay tự động mở ra dẫn ô xy đến mặt nạ dưỡng khí để giúp tất cả mọi người trong máy bay có thể thở.

Việc áp suất trong khoang máy bay đột ngột giảm là sự cố nguy hiểm, uy hiếp an toàn chuyến bay. Nếu không có dưỡng khí, hành khách có nguy cơ bị ngạt thở, ảnh hưởng tính mạng. Tuy nhiên dù có mặt nạ dưỡng khí nhưng đây chỉ giúp duy trì sự sống, lúc này máy bay cũng phải nhanh chóng giảm độ cao”, ông Tuấn cho biết.

Nêu giả thiết máy bay bị giảm áp suất đột ngột, theo cựu phi công Mai Trọng Tuấn có thể do đường ống dẫn khí vào bị bục hoặc bị hở ở một vị trí nào đó làm áp suất trong khoang máy bay giảm xuống.

Ông Tuấn cho rằng, cần thực thi lại quá trình như máy bay đang bay để kiểm tra hệ thống ống dẫn khí có bị bục hay không, khoang máy bay có bị hở không…

Sự cố xảy ra với máy bay Airbus A350 của Vietnam Airlines được xem khá bất ngờ bởi theo như giới thiệu của hãng đây dòng máy bay hiện đại nhất của Airbus thời điểm này. Trong đó A350 được đánh giá là loại máy bay của các công nghệ mới, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng như: tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái vì giảm sự chênh lệch áp suất và tăng độ ẩm trong khoang, có độ bền cao.

Trước đó hành khách đi trên máy bay Airbus A350 cũng phải chờ đợi hai ngày tại Paris (Pháp) do sự cố máy bay hỏng động cơ cánh.

Mai Anh