So sánh lương sếp và nhân viên ngân hàng là... khập khễnh

30/04/2014 07:36
TS Nguyễn Trí Hiếu
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Trí Hiếu bộ máy lãnh đạo các ngân hàng như con chíp điện tử tuy nhỏ nhưng giá trị lớn vì thế nếu so sánh lương sếp và nhân viên khập khiễng.

LTS: Thời gian qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng nêu vấn đề lương lãnh đạo nhiều ngân hàng ở mức vài tỉ đồng mỗi năm trong khi đó lương của nhân viên ngân hàng chỉ bằng số lẻ lương “sếp” của họ. 

Từ đó đặt ra vấn đề đang có sự mất công bằng xã hội giữa lương của lãnh đạo các ngân hàng so với nhân viên của mình. Nhất là khi nhiều ngân hàng hoạt động yếu kém, báo lỗ liên tiếp, nợ xấu ra tăng.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu Chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập đã có bày tỏ ý kiến nhận định phân tích, lý giải khoảng cách lương giữa nhân viên và lương “sếp” ngân hàng. Báo Điện tử Giáo dục xin được đăng tải bài viết thể hiện quan điểm của TS Nguyễn Trí Hiếu.

Để đánh giá, so sánh nhìn nhận mức lương giữa lãnh đạo ngân hàng với nhân viên ngân hàng nói riêng hay của bất cứ ngành nghề nào người ta thường dựa vào những tiêu chí cụ thể. Đầu tiên phải kể đến đó là tiêu chí công bằng xã hội, trong đó có công bằng tiền lương, mức sống…

Nhìn ở góc độ công bằng xã hội, đúng là nếu lương lãnh đạo của các ngân hàng mà cao quá thì không ổn. Nhưng nhìn nhận vấn đề có thể thấy cách trả lương, tính lương ngày hôm nay khác với trước đây vì hiện nay thị trường lao động phát triển nhiều thành ra thế nào là công bằng thì rất khó để định lượng và định tính được.

Nhiều nhân viên ngân hàng còn thấp hơn cả nhân viên các công ty kinh doanh nhỏ lẻ. Ảnh minh họa.
Nhiều nhân viên ngân hàng còn thấp hơn cả nhân viên các công ty kinh doanh nhỏ lẻ. Ảnh minh họa.

Nhưng phải có một sự công bằng nào đó không nên để khoảng cách quá xa. Ví dụ như tại Mỹ có ông chủ Ngân hàng lương vài triệu USD một năm trong khi lương cán bộ chỉ vài chục nghìn USD, khoảng cách đó là quá lớn.

Trở lại vấn đề trong nước, giữa lúc khủng hoảng kinh tế xảy ra, trên báo chí có nói hiện tượng rất nhiều ngân hàng báo lỗ nhưng lãnh đạo của ngân hàng vẫn được chia lời, vẫn được trả mức lương rất cao từ đó tạo nên mất công bằng xã hội. 

Tiêu chí thứ hai đó là về trách nhiệm công việc, rõ ràng nếu so sánh thì ai phải chịu trách nhiệm lớn thì sẽ nhận được mức lương cao hơn. Đưa vấn đề trách nhiệm để là cán cân trả lương thưởng là rất hợp lý vì những người có trách nhiệm lớn thì họ phải gánh chịu những cái kết quả dù cho là tốt hay xấu. Với những kết quả tốt thì họ là người được tưởng thưởng. Ngược lại, khi họ tạo ra kết quả xấu không tốt thì họ là người phải chịu trách nhiệm hậu quả đó.

TS Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc trao đổi với phóng viên
TS Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc trao đổi với phóng viên

Thành ra chính vì thế lương là cái làm cho những người có trách nhiệm cao cảm thấy rằng họ được đền bù xứng đáng cho trách nhiệm của họ. Lãnh đạo ngân hàng phải chịu trách nhiệm trước cổ đông khi kết quả kinh doanh không mong muốn. 

Yếu tố thứ ba đánh giá, so sánh lương là dựa trên thị trường lao động trên thế giới. Hiện nay bình quân lương lãnh đạo các ngân hàng trên thế giới có thể gấp 10 lần thậm chí 20 lần lương bình quân của cán bộ, nhân viên trong cùng tổ chức. Mức lương được trả có thể dựa theo tiêu chí bù nhân viên ví dụ cho dù 20 nhân viên hay 100 nhân viên nhưng cũng không thể thay thế, không thể có khả năng quản trị, lãnh đạo một doanh nghiệp bằng một người có kiến thức có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp.

Chính vì chất lượng lao động của lãnh đạo ngân hàng rất cao nên đòi hỏi rất lớn vì thế lãnh đạo các nhà băng thường là những người có kinh nghiệm, có khả năng tốt nên họ được thưởng mức thù lao cao hơn cả chục lần so với nhân viên. Đây là thị trường lao động trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.

Một ý kiến khác của nhiều người cho rằng lương lãnh đạo trong ngành ngân hàng đặc biệt trong Hội đồng quản trị (HĐQT) thường mức lương rất cao. Tuy nhiên có nhiều thành viên trong đó có được vị trí thành viên HĐQT chỉ vì nắm giữ cổ phần lớn. Hàng năm bên cạnh được chia lợi cổ tức họ vẫn nhận được mức lương cao, như vậy liệu có công bằng không?.

Tuy nhiên đây là ý kiến không hợp lý bởi đã là thành viên HĐQT, tức là nằm trong bộ máy lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng như con chíp điện tử tuy nhỏ nhưng vai trò lớn, không thể thay thế. Thành viên HĐQT có trách nhiệm rất lớn đưa ra quyết định tối quan trọng với sự phát triển của ngân hàng. Họ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật trước cổ đông.

Vì vậy có thể thành viên HĐQT bên cạnh cổ tức được chia thì họ vẫn nhận mức lương cao bởi lẽ cổ tức đó chỉ là mức lãi xuất mà vốn đầu tư họ đã bỏ ra, còn công việc tham gia quản trị ngân hàng phải được trả thù lao. Cần phải tách bạch ra về vấn đề đầu tư và vấn đề công sức. 

Nói tóm lại, bộ máy lãnh đạo của ngân hàng như Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát là bộ não của ngân hàng một ngân hàng có tồn tại phát triển được hay không là do đội ngũ này. Thành ra họ cần phải có một mức thù lao hợp lý. 

Cơ hội hưởng lương cao của nhân viên không phải không có, đặc biệt nhân viên kinh doanh. Ngoài lương cơ bản nếu làm tốt nhân viên kinh doanh ngân hàng có thể mức lương dựa theo kết quả kinh doanh cao hay thấp. Vì thế có người có thể đạt mức tổng thu nhập rất cao có thể bằng giám đốc chi nhánh, phó tổng giám đốc. Nhưng để đạt mức thu nhập đó họ phải làm việc bằng trên 100% năng lực. 

TS Nguyễn Trí Hiếu