Vấn đề này được Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu ra trong phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về tái cơ cấu nền kinh tế chiều ngày 1/11.
Ông Hiến chỉ ra rằng, đất nước đang trong quá trình phát triển, vẫn rất cần xây dựng những cây cầu, những sân bay to đẹp hiện đại, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng những dự án này sẽ được tiến hành vào thời điểm nào để hợp lý và hiệu quả? Thực tế, đã từng có công trình văn hóa tiêu tốn ngân sách với mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng hiện chỉ để cho thuê đám cưới, làm phim trường… hay chuyện Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải mới chỉ xem xét lại thiết kế một vài dự án đã cắt giảm được hơn 3.500 tỷ đồng.
Vậy nếu chúng ta xem xét tổng thể hàng trăm dự án ở tất cả các bộ ngành thì sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền?
Cần phải tái cơ cấu trách nhiệm, tái cơ cấu cán bộ song song với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. |
Câu hỏi này dù chưa có đáp số, nhưng hiện đang có một tâm lý rất phổ biến là bất cứ một công trình, dự án nào dù có cấp bách, chính đáng và mang lại lợi ích cho dân đến đâu, câu hỏi đầu tiên của người dân đặt ra vẫn là phải xem xét lại động cơ của cơ quan đưa ra chủ trương đầu tư khi làm công trình đó.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): "Dù số lượng DNNN đã giảm mạnh từ 12.000 DN xuống còn trên 1.000 DN, nhưng việc hình thành các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tồn tại công ty con, công ty cháu, công ty chắt đã khiến tỷ trọng DN trong GDP vẫn cao, chiếm 35%. Dù đã trải qua đại phẫu nhưng tại nhiều doanh nghiệp nhà nước vừa tái cơ cấu thì người đứng đầu doanh nghiệp cũng chưa hiểu đúng nghĩa về cổ phần hóa, chưa xác định được ngành nghề kinh doanh chính, chủ đạo nên vẫn tồn tại tình trạng ông điện lực thì đổ vốn đầu tư sang ngân hàng”.
Có một chuyện khác rất lạ nhưng lại phổ biến ở nước ta, đấy là hàng loạt dự án có mức giá bỏ thầu thấp, nhưng sau đấy Việt Nam vẫn có những con đường đắt nhất thế giới? Ông Hiến gửi tới Quốc hội bức xúc của cử tri: Tại sao Nhà nước đưa ra được vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp, nhưng không thấy ai đặt vấn đề tái cơ cấu bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo?
Còn ông Trần Du Lịch thì bày tỏ rằng, quả thực có nỗi lo không trả nổi các khoản vay, nhưng nỗi lo lớn nhất là người dân mất niềm tin.
"Bây giờ cứ dự án bất kể tốt hay xấu là người ta nghĩ ngay đến chuyện phải chống. Vậy làm sao để cho xã hội tin rằng vay nợ để làm cho hiệu quả? Đấu thầu là đấu thầu, không thất thoát, không phải xin dự án", ông Lịch chỉ rõ.
Quả thực, tiếng nói của ông Hiến, ông Lịch đại diện cho hàng nghìn, hàng vạn người dân thật có lý vì đã chỉ đúng được thực trạng thật đáng lo của kinh tế Việt Nam nhiều năm qua. Vẫn còn nhiều công trình đầu tư quá hoành tráng, gây lãng phí tiền của nhân dân và nhà nước.
Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đội giá hàng trăm tỷ đồng do chậm giải phóng mặt bằng, nhưng Hà Nội chưa xét trách nhiệm các cá nhân, tổ chức. |
Việc đầu tư xây dựng không theo quy hoạch, kế hoạch, nếu có thì ở tầm ngắn hạn, không có tầm chiến lược dài hạn, xây rồi đập, đập rồi xây, có công trình xây xong sử dụng không hết công năng, không phát huy được tác dụng, có công trình xây rồi bỏ hoang. Nhiều dự án vay vốn ODA do Chính phủ bảo lãnh, do không tính toán kỹ, làm ăn thua lỗ, không có khả năng thanh toán, đến hạn Chính phủ phải bỏ tiền ra thanh toán, từ đó làm cho nợ công, nợ quốc gia gia tăng gần tới ngưỡng không an toàn.
Tiền rót vào dự án thất thoát bạc tỷ, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Ngay đến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng thẳng thắn thừa nhận, không đổi mới cán bộ không thể đổi mới được nền kinh tế: “Các chuyên gia quốc tế nói rằng, nếu đổi mới doanh nghiệp nhà nước mà vẫn để nguyên những cán bộ đã từng sinh ra những doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thì hôm nay họ không tự chặt chân mình đâu; phải có người khác đến đổi mới… Đừng trách các đồng chí địa phương. Địa phương phải phụ thuộc vào tư tưởng đổi mới của Chính phủ và của ngành, lĩnh vực, vì đây là thể chế. Còn họ không làm được thể chế”.