Tại nghị trường Quốc hội ngày 1/11, Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đã chỉ rõ ba vấn đề tồn tại trong lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, ở đó có cả những nguy cơ
Thứ nhất, khó nhìn nhận, đánh giá, khó theo dõi, giám sát vì mục tiêu tái cơ cấu còn rất chung chung. Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế do Chính phủ trình. Quá trình thảo luận nhiều đại biểu cho rằng đề án nêu mục tiêu, giải pháp còn quá chung chung, thiếu những chỉ tiêu cụ thể cần phấn đấu đạt được.
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện đề án cho thấy ý kiến của đại biểu Quốc hội là có cơ sở. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đề cập đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế với lộ trình thực hiện khá dài giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, nhưng thiếu sự lượng hóa mục tiêu, chỉ tiêu cho từng năm và từng giai đoạn. Do vậy sẽ không có cơ sở để nhìn nhận, đánh giá mức độ, kết quả đạt được cũng như mặt tồn tại, hạn chế so với mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) - Ảnh: TTBC. |
Đến thời điểm Quốc hội giám sát hôm nay, chúng ta đã đi được 1/3 thời gian của quá trình tái cơ cấu, nhưng hiệu quả mang lại thế nào khó phân định. Ngay cả báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng không có cơ sở để đưa ra những số liệu phân tích, so sánh hiệu quả mang lại của tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua. Một khi mục tiêu, chỉ tiêu thiếu sự lượng hóa thì việc nhìn nhận, đánh giá mặt được và chưa được của từng giai đoạn thực hiện tái cơ cấu cũng sẽ rất chung chung, thiếu cơ sở để xác định và ràng buộc trách nhiệm. Chính điều này dễ tạo ra tâm lý chủ quan, ỷ lại trong quá trình triển khai thực hiện đề án, còn đại biểu Quốc hội và cử tri thì rất khó theo dõi, giám sát vì tất cả đều rất chung chung.
Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang): “Nợ xấu đã tác động đến nền kinh tế của nước ta trong giai đoạn qua là không nhỏ với nhiều nguyên nhân:
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư kém, điều đó đồng nghĩa với năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Việc nới rộng tín dụng nhiều năm dẫn đến nhiều siêu dự án đặc biệt là các dự án bất động sản khiến thị trường phát triển quá nóng, có những dự án có thể cung cấp chỗ ở cho cả nước đến năm 2050. Từ đó phải thắt chặt tín dụng các dự án đang dang dở, không có tiền để triển khai hoặc nếu có tiền triển khai thì cũng không bán cho ai được. Chúng ta chưa có kinh nghiệm xử lý về nợ xấu, trong khi các chế tài, các chế định tài chính của nước ta chưa đạt yêu cầu.
Cải cách thể chế về kinh tế còn chậm và cải cách hành chính tuy đã thực hiện nhiều năm nhưng kết quả chưa thu được nhiều. Thị trường bất động sản chuyển biến chậm, tồn kho lớn, trong khi nhu cầu của một bộ phận nhân dân quan tâm đến nhà ở thu nhập thấp vẫn chưa đạt được, chưa đáp ứng được.
Tôi vẫn còn băn khoăn nợ xấu của năm 2015 sẽ tăng lên. Dự báo năm 2015 có khoảng 60.000 doanh nghiệp sẽ vắng mặt trên thị trường. Lấy bình quân một doanh nghiệp là 20 lao động, nếu 60.000 doanh nghiệp phá sản thì sẽ có 1,2 triệu lao động sẽ thất nghiệp và nợ xấu cũng sẽ tăng”.
Thứ hai, thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện tái cơ cấu. Tái cơ cấu nền kinh tế là yêu cầu mang tính khách quan, cần thiết và cấp bách, xuất phát từ thực trạng khó khăn của nền kinh tế. Quá trình triển khai thực hiện đòi phải phải có một sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt từ trung ương đến địa phương, từ nghị quyết chủ trương đến hành động cụ thể.
Thực tế cho thấy để tái cơ cấu nền kinh tế có hiệu quả phải dựa trên cơ sở hệ thống pháp luật đồng bộ, tuy nhiên nhiều luật liên quan trực tiếp đến quá trình tái cơ cấu chưa được ban hành hoặc đã ban hành nhưng chưa có hiệu lực, hoặc có hiệu lực nhưng chưa có hướng dẫn thi hành. Chúng ta muốn có sự đổi mới, đột phá trong quá trình tái cơ cấu, nhất là quản lý đầu tư công nhưng luật pháp chưa được sửa đổi, bổ sung, ban hành để thể chế hóa yêu cầu này thì khó có thể thực hiện được.
Bên cạnh đó Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội còn cho thấy nhiều bộ, ngành, địa phương còn chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến quá trình tái cơ cấu kinh tế. Báo cáo giám sát nêu: "Sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực ở trung ương và giữa trung ương với địa phương còn lúng túng và thiếu đồng bộ".
Thực tế này đặt ra câu hỏi vì sao việc triển khai thực hiện một đề án lớn, quan trọng, mang tầm vóc quốc gia như vậy mà khi thực hiện sự phối hợp ở trung ương và địa phương còn lúng túng và thiếu đồng bộ? Phải chăng còn có nhiều vướng mắc từ trong những nội dung của đề án, cũng như từ quá trình triển khai thực hiện?
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý còn buông lỏng. Lãnh đạo mà không kiểm tra, coi như không lãnh đạo. Vấn đề này, Báo cáo của Chính phủ nhận định: "Công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức, xử lý không nghiêm, nên không những gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài mà còn gây thất thoát, lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản". Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu: "Công tác kiểm tra, đôn đốc, quy trách nhiệm và xử lý chưa được thường xuyên và nghiêm túc". Thực trạng nêu trên, dẫn đến hệ quả là nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém trong quá trình đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế được phát hiện nhưng chậm xử lý; với hai thí dụ:
Một là nợ đọng xây dựng cơ bản diễn ra khá phổ biến ở nhiều Bộ, ngành, địa phương và trong thời gian dài, nhưng cho đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để. Số liệu Báo cáo Chính phủ cho thấy tính đến tháng 6/2014 nợ xấu xây dựng cơ bản là 44.599 tỷ đồng. Báo cáo nêu tên 16 tỉnh, thành có số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, cá biệt có tỉnh số nợ đọng này trên 3.800 tỷ đồng, con số này cao gấp nhiều lần so với tổng thu ngân sách địa phương trong một năm.
Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trì hoãn việc xây dựng đề án, trừ một ít bộ trưởng quyết liệt đòi kỷ luật nếu làm chậm như Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, còn lại đều thiếu quan tâm. Chủ trương thoái vốn đầu tư trái ngành ở nhiều tập đoàn, tổng công ty cũng rất chậm.
Hai là việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư công luôn là vấn đề được nhìn nhận, đánh giá là có nhiều tồn tại và phát sinh tiêu cực. Nhưng quá trình tái cơ cấu đầu tư công thực tế này vẫn chưa được khắc phục.
Báo cáo của Chính phủ nêu các dự án điều chỉnh quyết định đầu tư còn diễn ra phổ biến ở các Bộ, ngành và địa phương. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng là vấn đề lớn, hệ trọng, là quyết tâm chính trị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và luôn là sự quan tâm, kỳ vọng của cử tri cả nước. Có những yếu tố khách quan, tác động bất lợi đến quá trình tái cơ cấu, làm ảnh hưởng đến kết quả đạt được thì chúng ta có thể chia sẻ và chấp nhận.
Tuy nhiên, có những tồn tại, hạn chế xuất phát từ yếu tố chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần trong nhiều lĩnh vực, trong nhiều báo cáo của Chính phủ như công tác thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức, cải cách thể chế, cải cách hành chính còn chậm, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm sẽ là nguyên nhân chủ yếu trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta kém hiệu quả và làm cho người dân thiếu tin tưởng vào quá trình tái cơ cấu. Đề nghị Chính phủ sớm có biện pháp khắc phục thực tế này.