LILAMA có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, tổng số cổ phần 150 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, trong đó, 76.500.000 cổ phần nhà nước, chiếm 51% vốn điều lệ; đến năm 2017 tỷ lệ Nhà nước nắm giữ sẽ giảm xuống 40% vốn điều lệ.
Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 là 626.300 cổ phần, chiếm 0,42% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 là 1.773.200 cổ phần, chiếm 1,18% vốn điều lệ; 35.550.250 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 23,7% vốn điều lệ; 35.550.250 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 23,7% vốn điều lệ.
Một trong những công trình của LiLaMa. ảnh: Lilama Hà Nội. |
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian và Sở Giao dịch chứng khoán để bán cổ phần, chỉ đạo Tổng công ty Lắp máy Việt Nam tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng và cho nhà đầu tư chiến lược theo quy định hiện hành. Khi có đủ điều kiện, thực hiện niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP trên thị trường chứng khoán theo quy định.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP là Bộ Xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược bảo đảm đúng theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và quy định pháp luật liên quan.
Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 717 người; tổng số lao động chuyển sang làm việc tại Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP là 717 người.
Quyết định nêu rõ, loại trừ 474,97 tỷ đồng là khoản tiền đầu tư dài hạn, nợ phải thu khó đòi tại Công ty cổ phần Tôn mạ màu Việt Pháp (VIFA) và Công ty cổ phần Lilama Hà Nội ra khỏi giá trị doanh nghiệp Công ty mẹ-Tổng công ty Lắp máy Việt Nam.
Tổng công ty Lắp máy Việt Nam-CTCP kế thừa toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ của cổ đông nhà nước tại VIFA cho đến khi VIFA hoàn thành việc phá sản theo quyết định của tòa án và bàn giao khoản vốn đầu tư và nợ phải thu khó đòi của Công ty cổ phần Lilama Hà Nội sang Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).
LILAMA chuyển giao số vật tư thiết bị dự phòng của Dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng (trị giá 3,6 triệu USD và 271 triệu đồng) cho DATC.