Vinamilk nới "room" 100% cho nhà đầu tư ngoại, ai hưởng lợi?

23/05/2016 07:32
Mai Anh
(GDVN) - PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng, nới quyền sở hữu cổ phần tại Vinamilk cho nhà đầu tư ngoại sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và doanh nghiệp.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Vinamilk năm 2016, bà Lê Băng Tâm -Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, Công ty sẽ không giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và sẽ thông báo đến các cổ đông khi hoàn tất thủ tục pháp lý về vấn đề này.

Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp không giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc nâng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% (nới room 100%), chỉ cần Hội đồng quản trị ra Nghị quyết, mà không cần Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Trang trại bò sữa của Vinamilk - ảnh nguồn Vinamilk
Trang trại bò sữa của Vinamilk - ảnh nguồn Vinamilk

Bên cạnh đó, để nới room 100% cho nhà đầu tư nước ngoài, Vianamilk đã loại bỏ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có quy định hạn chế đối với việc nới room (lên 100%) cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện tại cổ đông lớn nhất của Vinamilk là Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Tuy nhiên trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản yêu cầu SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk và chọn thời gian thích hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

SCIC đang đại diện vốn nhà nước nắm giữ 45,1% cổ phần, tương đương 541,5 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 55.233 tỉ đồng (2,47 tỉ đô la Mỹ). Với vốn hóa của Vinamilk có giá trị rất lớn, có lẽ chỉ nhà đầu tư ngoại mới có thể kham nổi.

Với việc nới room 100% cho nhà đầu tư ngoại (tức nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 100% cổ phần Vinamilk), nhiều lo lắng cho rằng nếu SCIC và cổ đông khác cùng bán vốn cho nhà đầu tư ngoại thương hiệu Vinamilk sẽ mất đi, người tiêu dùng bị thiệt hại.

Liên quan đến vấn đề này phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Nhà nước - doanh nghiệp được lợi

PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết, chủ trương nới room 100% cho nhà đầu tư ngoại của lãnh đạo Vinamilk sẽ tác động rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư ngoại.

Cổ phiếu Vinamilk luôn hấp dẫn nhà đầu tư. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất sữa bột của Vinamilk tại Bình Dương - ảnh Vinamilk
Cổ phiếu Vinamilk luôn hấp dẫn nhà đầu tư. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất sữa bột của Vinamilk tại Bình Dương - ảnh Vinamilk

Vị chuyên gia này phân tích: Lâu nay chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gặp rào cản lớn từ vấn đề tỷ lệ cổ phần sở hữu.

Theo đó, thông thường nhà đầu tư ngoại chỉ được quyền sở hữu lượng cổ phần dưới 50%, đồng nghĩa với việc tiếng nói của nhà đầu tư ngoại trong doanh nghiệp chỉ là thứ yếu. Chính yếu tố này làm hạn chế quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Mặt khác, thông thường những doanh nghiệp nội lớn, kinh doanh tốt, có thương hiệu trên thị trường và hấp dẫn nhà đầu tư thì quá trình cổ phần hóa diễn ra chậm. Ngược lại, doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả dù nhà nước muốn đẩy mạnh cổ phần hóa, bán cổ phần để an toàn vốn cũng gặp khó do không hấp dẫn nhà đầu tư.

“Những thực tế trên lý giải tại sao chủ trương cổ phần hóa, rút vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp dù quyết tâm lớn nhưng không thực hiện được”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết.

PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng khi nới quyền sở hữu cổ phần tại Vinamilk cho nhà đầu tư ngoại sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và doanh nghiệp - Ảnh: H.Lực
PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng khi nới quyền sở hữu cổ phần tại Vinamilk cho nhà đầu tư ngoại sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và doanh nghiệp - Ảnh: H.Lực

“Vinamilk là doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, dinh dưỡng... không phải doanh nghiệp đặc thù nhà nước cần phải nắm giữ vốn, do đó chủ trương này sẽ có lợi cho nhà nước và chính doanh nghiệp”, ông Thọ nói

PGS.TS Phạm Quý Thọ cho hay, việc nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 100% cổ phần Vinamilk sẽ khiến cổ phiếu và cái tên Vinamilk vốn "nóng" trên thị trường càng thêm hấp dẫn. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho nhà nước bởi khi đó nhà đầu tư ngoại sẽ cạnh tranh sở hữu cổ phần nhà nước đang nắm giữa tại SCIC cũng như các cổ đông.

Đi cùng với đó, nếu bán chắc chắn cổ phần nhà nước đang sở hữu tại SCIC sẽ bán với giá cao đồng nghĩa với việc nhà nước sẽ thu về phần vốn lớn.

Bản thân Vinamilk khi có nhà đầu tư ngoại tham gia sở hữu cổ phần lớn sẽ mang theo hy vọng công nghệ, vốn giúp doanh nghiệp phát triển trên thị trường.

Không lo mất thương hiệu

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ cổ phiếu Vinamilk trên thị trường chứng khoán sẽ tăng nhanh từ động thái nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, kéo theo đó cổ đông của Vinamilk sẽ được lợi lớn

Vinamilk nới "room" 100% cho nhà đầu tư ngoại, ai hưởng lợi? ảnh 4

Vinamilk không giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài

(GDVN) - Bà Lê Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamilk, cho biết Công ty sẽ không giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài

Vinamilk nới "room" 100% cho nhà đầu tư ngoại, ai hưởng lợi? ảnh 5

Mùa đại hội cổ đông, lo ngại SCIC can thiệp nhân sự tại doanh nghiệp

(GDVN) - Vẫn biết SCIC phải đảm bảo nguồn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp phát huy tối đa hiệu quả nhưng việc can thiệp sâu hoạt động doanh nghiệp liệu có nên?

Bên cạnh cổ đông, người tiêu dùng sẽ được lợi nếu nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào Vinamilk qua việc sở hữu cổ phần.

Khi đó với vốn lớn, công nghệ hiện đại hơn, Vinamilk sẽ hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới, hướng đến thị trường ngoại.

Ngoài những điểm tích cực khi mở rộng cửa đón nhà đầu tư ngoại, có nhiều ý kiến cho rằng nếu nhà đầu tư ngoại sở hữu 100% cổ phần Vinamilk hoặc ít nhất ôm trọn hơn 45% cổ phần SCIC đang nắm giữ đồng nghĩa với việc thương hiệu sữa Vinamilk sẽ thâu tóm và mất dần trên thị trường.

Bày tỏ quan điểm về những lo ngại trên PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết, lo ngại trên không phải không có lý, tuy nhiên trong tương lai gần sẽ không xảy ra.

Cụ thể, cái tên Vinamilk gắn với thương hiệu sữa Việt, nói đến sữa người ta nghĩ ngay đến Vinamilk. Điều này không chỉ thể hiện bằng việc thị phần doanh nghiệp này nắm giữ mà nó gần như một khái niệm mặc định về một thương hiệu giống như xe máy người tiêu dùng nghĩ đến Honda.

Nhấn mạnh điều này để thấy sở dĩ Vinamilk được định giá hàng tỷ đô la cũng bởi thương hiệu Vinamilk. Dù nhà đầu tư ngoại có sở hữu lượng lớn cổ phần cũng không dại gì thay đổi một thương hiệu đã mang tầm quốc gia và quốc tế bởi thay đổi đồng nghĩa với việc người tiêu dùng quay lưng. Vì thế không lo thương hiệu Vinamilk sẽ mất.

Mặt khác, kể cả trong tương lai xa, nếu đổi tên thương hiệu nhưng chất lượng nâng cao, giá thành rẻ người tiêu dùng được lợi thì cuối cùng người tiêu dùng vẫn được lợi.

Theo PGS. TS Phạm Quý Thọ, chúng ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng do đó việc nới room cho nhà đầu tư ngoại ở những doanh nghiệp như Vinamilk cũng là điều hết sức bình thường cần được ủng hộ với cái nhìn thấu đáo.

Mai Anh