Chiều ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố Kết quả khảo sát nước mắm trong cả nước năm 2016.
Theo đó, chỉ có 25 trong tổng số 150 mẫu được lấy thử nghiệm (tương ứng 16,67%) đạt theo TCVN 5107:2003, 104 (69%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về arsen (thạch tín) - một loại á kim cực độc.
Cụ thể, có đến 76 (chiếm 51%) mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ tổng; 30 (20%) mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ amin; 3 (2%) mẫu không đạt chỉ tiêu nitơ amoniac; Đặc biệt, có đến 101 (67,33%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu arsen hay còn gọi là thạch tín.
Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng arsen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/lít, nhưng kết quả thử nghiệm cho thấy hàm lượng arsen tổng trong các mẫu không đạt dao động từ 1-5 mg/lít.
Vinastas công bố kết quả khảo sát nước mắm - ảnh H.Lực. |
Đáng chú ý, các mẫu có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng (95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên có hàm lượng arsen vượt ngưỡng quy định).
Theo ông Vương Ngọc Tuấn - Phó tổng thư ký Vinastas, người trực tiếp tham gia khảo sát và công bố kết quả kiểm nghiệm thì Vinastas đã lấy mẫu nước mắm từ tháng 8 và hoàn tất kết quả kiểm nghiệm vào cuối tháng 9.
Sẽ không có gì đáng nói nếu sau kết quả kiểm nghiệm Vinastas công bố quy trình lấy mẫu kiểm nghiệm hay danh tính sản phẩm nước mắm đạt chuẩn, không đạt chuẩn. Vì thế, không ít ý kiến cho rằng, việc công bố như vậy là "không chuẩn mực", "không có trách nhiệm" khiến người tiêu dùng càng hoang mang.
Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng hàm lượng arsen có trong các mẫu nước mắm đề cập trong báo cáo kết luận của Vinatas là arsen hữu cơ, không phải arsen vô cơ, có thể vô hại với sức khỏe con người.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của báo chí về việc có hay không việc doanh nghiệp đặt hàng, tác động vào kết quả kiểm nghiệm, ông Vương Ngọc Tuấn khẳng định: Việc khảo sát hoàn toàn mang tính độc lập, không phụ thuộc bất cứ thông tin, tổ chức hay doanh nghiệp nào.
Cục An toàn thực phẩm: Chưa phát hiện nước mắm nào chỉ toàn hóa chất pha nướcKhông nên hoang mang vì kết quả khảo sát "nước mắm chứa thạch tín" của Vinastas |
Tuy khẳng định không khảo sát theo đặt hàng nhưng ông Tuấn lại cho biết, có đơn vị tài trợ phía sau đợt khảo sát này nhưng xin không được nêu tên.
Có thể nói, công bố kiểm nghiệm nước mắm nhiễm arsen của Vinatas đang khiến thị trường nước mắm nhiễu loạn. Kết quả còn mập mờ càng làm người tiêu dùng lo lắng dù chỉ mang tính tham khảo.
Thực tế này đặt ra câu hỏi, mục đích Vinastas làm khảo sát nước mắm làm gì và tại sao lại là lúc này? Nếu có đơn vị tài trợ phía sau, vì sao Vinastas không công khai?
Đứng góc độ chiến lược kinh doanh và Marketing thương hiệu doanh nghiệp, chuyên gia ông Võ Văn Quang cho rằng, nếu vẫn còn mập mờ, Vinastas sẽ đánh mất lòng tin của người tiêu dùng.
“Tôi không ngần ngại nói thẳng đây chiêu trò doanh nghiệp đứng sau làm PR và khống chế thị trường, dùng arsen để khiến người tiêu dùng lo sợ”, ông Quang cho biết.
Theo ông Quang, việc Vinastas làm khảo sát là tốt nhằm kiểm soát thị trường, kiểm soát nhà sản xuất mất an toàn vệ sinh trên thị trường. Tuy nhiên, khi có đơn vị tài trợ đứng sau, mọi thứ lại khác. Bởi nếu có người đứng sau, tác động khảo sát theo chủ ý, làm nhiễu loạn thị trường thì mục đích khảo sát và thông tin đề bảo vệ người tiêu dùng đã không còn.
Đứng trên khía cạnh pháp lý, theo Ths.LS Trương Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn cho rằng, Vinastas công bố kết quả như vậy chưa tròn trách nhiệm, càng khiến người dân lo lắng.
“Vinastas là Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, làm khảo sát nước mắm để bảo vệ người tiêu dùng nhưng danh tính nước mắm vượt ngưỡng arsen không công bố mà chỉ đưa ra tỷ lệ lên đến gần 70% vượt ngưỡng. Như vậy rõ ràng là không có trách nhiệm”, LS. Tuấn cho biết.
Theo LS. Trương Anh Tuấn, Vinastas cần phải minh bạch mẫu nước mắm được lấy kiểm nghiệm, phương pháp lấy mẫu, phương pháp bảo quản mẫu…cho ra kết quả như vậy.
“Nếu không công bố cho người tiêu dùng, Vinastas phải cáo báo chi tiết với cơ quan quản lý nhà nước. Không làm được điều này, chắc chắn Vinastas đánh mất niềm tin của người tiêu dùng khi bị cho rằng đang bao che cho chính doanh nghiệp nước mắm vượt ngưỡng arsen”, LS. Tuấn cho hay.
Về việc nếu có đơn vị tài trợ đứng sau đặt hàng Vinastas làm khảo sát và đưa ra thông tin không khách quan, LS. Trương Anh Tuấn cho rằng đây là hành vi vi phạm luật cạnh tranh.
Được biết, Vinastas được thành lập gần 30 năm, đây là tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tự nguyện, không vì mục đích lợi nhuận. Theo Vinastas giới thiệu, tôn chỉ mục đích Vinastas là tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ hội viên nâng cao trình độ nghề, xây dựng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam. Vinastas là thành viên của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và tổ chức Quốc tế Người tiêu dùng (CI). Trước đó (tháng 8/2016), Bộ Công Thương khuyến nghị Vinastas xem xét lại tư cách pháp lý của mình là vì chính quyền lợi của Vinastas. Cụ thể, Bộ Công Thương cho rằng: Thay vì là hội tổ chức xã hội- nghề nghiệp như hiện nay, Vinastas nên chuyển thành tổ chức xã hội để có thể tham gia (và giúp hội viên của mình tham gia) đầy đủ các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo hướng đó, đề nghị Vinastas xây dựng và báo cáo đại hội cân nhắc 2 phương án. Tuy nhiên Vinastas không nhất trí với đề nghị của Bộ Công Thương. |