Đại biểu Đặng Ngọc Tùng dẫn ra một thí dụ, trong kỳ họp tháng 9 vừa qua của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu Việt Nam duy trì năng suất lao động bình quân trong giai đoạn 2007-2012 như thế này thì đến năm 2038 năng suất lao động của Việt Nam mới bắt kịp được Philippine, năm 2069 mới bắt kịp được Thái Lan.
“Tôi nghe tôi thấy rất xót xa, tôi không biết các thành viên của Chính phủ suy nghĩ thế nào nhưng tôi thấy vừa xót xa và vừa tự ái dân tộc. Năng suất lao động của chúng ta thấp như thế này có phải là trách nhiệm đổ hết lên đầu người lao động hay không hay do Chính phủ của chúng ta điều hành nền kinh tế? Đây là một câu hỏi tôi đề nghị với Chính phủ trong 5 năm tới phải giải đáp và phải làm cho thật tốt.
Năng suất lao động quốc gia hoàn toàn không phải phụ thuộc vào người lao động mà rất nhiều yếu tố, yếu tố quan trọng nhất là công nghệ sản xuất, là máy móc trang thiết bị đưa vào trong nền kinh tế của chúng ta”, ông Tùng bày tỏ.
Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Tùng đề nghị không cho phép nhập công nghệ lạc hậu. Ảnh: Ngọc Quang. |
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng tiếp tục đặt ra một loạt câu hỏi: Thể chế kinh tế của chúng ta, luật pháp có tạo thông thoáng hay không? Khả năng quản lý điều hành của các nhà điều hành của chúng ta đã tốt chưa? Vấn đề tỷ trọng nông nghiệp ở trong cơ cấu kinh tế của chúng ta như thế nào?
Ông Tùng nêu quan điểm: “Quan trọng nhất là công nghệ. Chúng ta cứ lạm dụng nhân công giá rẻ mà nhập công nghệ lạc hậu vào thì làm sao nâng cao năng suất lao động?
Do đó, chúng tôi kiến nghị với Chính phủ là từ nay trở đi không nên nhập các công nghệ lạc hậu vào trong đất nước của chúng ta, vừa gây ô nhiễm và không nâng cao năng suất lao động. Cứ công nghệ rẻ của Trung Quốc cộng với nhân công rẻ của Việt Nam thấy cạnh tranh được cứ thế mà làm thì chết đất nước này trong những năm tới”.
Đồng quan điểm, Đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên – Huế) thì băn khoăn là xác định phương hướng tới tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhưng không nêu rõ tái cấu trúc tiếp tới sẽ là như thế nào? Gắn với mô hình tăng trưởng thì mô hình tăng trưởng nào?
Ông Thông nêu quan điểm: “Hơn 20 năm trước khi được hỏi Việt Nam sản xuất gì thì ông Lý Quang Diệu đã khuyên một câu, đầu tiên không phải Việt Nam có thể sản xuất được gì mà cái quan trọng là thế giới cần gì.
Về mô hình tăng trưởng của nước ta từ trước đến nay chủ yếu dựa trên đất đai, tài nguyên, trong tài nguyên có vấn đề dầu khí, hiện nay giá dầu khí thế giới giảm làm ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề trong chính sách. Ta cần chuyển sang mô hình tăng trưởng theo hướng năng suất lao động ngày càng cao. Phải nói trước hết rất phù hợp với lý thuyết về kinh tế, đồng thời cũng thực tế của một số nước gần ta.
Để gia tăng năng suất lao động đòi hỏi nâng cao trình độ lao động, sử dụng công nghệ cao, phát triển nguồn lực có hiệu quả gắn với thị trường quốc tế”.
Đừng để các doanh nghiệp bị chôn vùi
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng nhận định: “Cần phải giúp doanh nghiệp hiểu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới và nâng cao chất lượng sản xuất, sức cạnh tranh để các doanh nghiệp có thể bước vào sân chơi chung một cách vững tin và thành công.
Phải giúp cho doanh nghiệp biết rằng TPP có thể là cánh cửa mở ra để doanh nghiệp phát triển, bay cao nếu như họ có sự thay đổi. Nếu không thì có thể đó là địa ngục để chôn vùi các doanh nghiệp”.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: “Sai phạm tại công trình 8B Lê Trực rất nghiêm trọng” |
Trước đó, nói về những tồn tại của nền kinh tế, Đại biểu Trần Du Lịch đồng tình với 9 nội dung mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, đồng thời đặt ra vấn đề:
Nhìn tổng thể 5 năm, trong 21 chỉ tiêu, có 9 chỉ tiêu không đạt được lại rơi vào những chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng. Ví dụ, tổng đầu tư xã hội trên GDP, sản phẩm công nghệ cao, năng suất lao động, lao động qua đào tạo… liệu rằng trong 5 năm tới có thể tăng trưởng cao hơn không?
“Nhìn tổng thể như vậy, chúng ta nỗ lực mà đạt được, nói theo kiểu dân gian ở trong Nam chúng tôi gọi là đứng nhón gót lên, miền Bắc gọi là đứng kiễng chân", ông Lịch ví von.
Đồng thời, Đại biểu Trần Du Lịch cũng nêu rõ 4 hạn chế mà nền kinh tế phải đối mặt:
Thứ nhất là tổng đầu tư xã hội giảm như phân tích của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Nền kinh tế của ta tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn.
Thứ hai là nông nghiệp đạt được nhiều kết quả, phải chăng đã giảm trần tăng trưởng và đang suy giảm nếu thiếu động lực mới trong vấn đề tái cấu trúc.
Thứ ba là kinh tế phục hồi nhưng doanh nghiệp trong nước trong một thời gian dài chết quá nhiều và xảy ra một hiện tượng là FDI tồn tại tốt, nhưng doanh nghiệp trong nước phát triển yếu kém.
Nếu chúng ta duy trì một tăng trưởng mà dựa vào FDI thì nó phát sinh một mâu thuẫn trong nền kinh tế bởi vì xét cho cùng FDI vẫn là nợ quốc gia. Nếu phát triển lĩnh vực đó thì GDP tăng nhưng lợi tích quốc gia sẽ giảm bởi vì tổng nguồn vốn đưa vào bao giờ cũng thấp hơn tổng đưa ra và phân phối không không đều.
Thứ tư là chúng ta vướng vào chi ngân sách, nợ công thâm thủng, việc chi tiêu ngân sách, tôi thấy Bộ Tài chính theo kiểu giật áo, vá vai thì rõ ràng không có dư địa để chúng ta kích tổng cầu cho giai đoạn sau”.
Đại biểu Trần Du Lịch chi tiêu kiểu "giật gấu bá vai" thì không có nguồn lực đầu tư cho giai đoạn sau. Ảnh: Ngọc Quang. |
Ông Trần Du Lịch đề nghị trong vấn đề tái cấu trúc, tập trung vào 2 việc: Một là về nông nghiệp, phải giải quyết lớn nhất hiện nay đó là làm sao đổi mới phương thức tổ chức sản xuất đưa khoa học công nghệ vào. Đồng thời, Quốc hội cần sớm có Luật về công nghiệp hỗ trợ và gắn với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu không có cái này không chuyển được gia công sang sản xuất, chúng ta không giải quyết được bài toán về vấn đề tái cấu trúc.
Hai là để giải quyết bài toán nợ, gọi là nợ xấu ngân hàng, Quốc hội phải có nghị quyết để giải quyết căn cơ vấn đề này.