Cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hiếm khi xuất đầu lộ diện kể từ khi nghỉ hưu. Ảnh: Đa Chiều. |
Đa Chiều ngày 28/4 đưa tin, đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh sắp kỷ niệm 104 năm ngày thành lập trường, rất nhiều cựu sinh viên nổi tiếng của trường này đã tề tựu về dự các hoạt động kỷ niệm, trong đó có vợ chồng cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và ông Ngô Quan Chính, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương.
Điều đáng ngạc nhiên là ông Ngô Quan Chính thăm trường cũ thì báo chí Trung Quốc đưa tin rầm rộ, đăng ảnh đàng hoàng, quan chức nhà trường tháp tùng từng bước. Trong khi đó vợ chồng Hồ Cẩm Đào lần đầu tiên công khai xuất hiện kể từ khi Lệnh Kế Hoạch bị bắt thì không một báo nào đưa tin, chỉ có hình ảnh chữ ký của vợ chồng ông Đào trong sổ lưu niệm của nhà trường đang lan truyền trên mạng.
Theo website chính thức của đại học Thanh Hoa, trong số các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập trường năm nay, rầm rộ nhất là 2 khóa 1965, 1955 với chương trình họp lớp sau 50 năm, 60 năm. Ngô Quan Chính họp lớp niên khóa 1965, cả Hiệu trưởng Khâu Dũng và Bí thư đảng ủy trường Trần Húc đều có mặt tháp tùng ông Chính.
Tình huống về thăm trường cũ của vợ chồng ông Hồ Cẩm Đào thì hoàn toàn ngược lại. Ông Đào và phu nhân, bà Lưu Vĩnh Thanh đều ký tên rong danh sách họp lớp khóa 1955. Chữ ký của Hồ Cẩm Đào trong tài liệu kỷ niệm ngày hội khóa không có gì khác so với các bút tinh công khai khác.
Hình ảnh bút tích của vợ chồng ông Đào được một "đàn em khóa sau" có nick name là Tất Nghi Hoa CEO tải lên trang cá nhân weibo mạng Sina. Trong khi một số cựu sinh viên khác của đại học Thanh Hoa nói với tờ Minh Báo, Hồng Kông rằng vợ chồng ông Hồ Cẩm Đào có về họp lớp.
Hình ảnh được cho là bút tích của vợ chồng ông Hồ Cẩm Đào tại buổi hội khóa đại học Thanh Hoa đang lan truyền trên mạng. Ảnh: Đa Chiều. |
Tài liệu công khai cho biết ông Hồ Cẩm Đào theo học khoa Công trình thủy lợi đại học Thanh Hoa từ năm 1959 đến năm 1965, trong năm 1965 ông Đào trở thành chỉ đạo viên chính trị của khoa. Từ năm 1968, Hồ Cẩm Đào rời đại học Thanh Hoa bắt đầu làm việc tại công trình thủy lợi Lưu Gia Hiệp của tỉnh Cam Túc.
Đại học Thanh Hoa là cái nôi đào tạo ra nhiều nhà lãnh đạo củ Trung Quốc, bao gồm cả đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình, cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Tuyên truyền Tống Bình, cựu Phó Chủ tịch Chính hiệp Hồ Khải Lập.
Nhưng tại sao truyền thông Trung Quốc không nhắc một chữ nào đến Hồ Cẩm Đào, Đa Chiều đặt câu hỏi. So với người tiền nhiệm Giang Trạch Dân, từ khi nghỉ hưu ông Hồ Cẩm Đào khá kín tiếng. Quốc khánh năm ngoái ngoài Chu Vĩnh Khang đã bị bắt, trong số các cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, chỉ có 2 ông Hồ Cẩm Đào và Hạ Quốc Cường vắng mặt.
Đa Chiều cho rằng, xét theo lý lịch cá nhân thì ông Hồ Cẩm Đào là người khá trầm tính, không thích công khai xuất hiện gây ồn ào, xô bồ. Mồ côi mẹ năm lên 7 tuổi, cha thì bận làm ăn xa nhà, Hồ Cẩm Đào lớn lên trong sự đùm bọc của bà nội, nhưng vẫn thiếu thốn tình yêu của mẹ cha nên cá tính của ông ít nói, khiêm nhường cũng là điều dễ hiểu.
Nhân viên an ninh Trung Quốc mặc thường phục canh gác xung quanh đại học Thanh Hoa trong ngày hội khóa. |
Cá tính của ông Hồ Cẩm Đào đã ảnh hưởng không nhỏ đến tác phong làm chính trị. Trong đại hội 18 ông đã rút lui hoàn toàn khỏi tất cả các vị trí quyền lực khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhưng những cựu "nguyên lão" khác gần đây xuất hiện nhưng báo chí không còn đưa tin ồn ào như Lý Trường Xuân, Ngô Bang Quốc, Giả Khánh Lâm khiến dư luận Trung Quốc quen dần với thực tế các "nguyên lão" không còn vai trò, ảnh hưởng lớn như trước.
Nhưng trường hợp của ông Hồ Cẩm Đào là khá hiếm gặp. Ngay cả khi truyền thông Trung Quốc công khai gọi Lệnh Kế Hoạch là trợ lý cao cấp của cựu Chủ tịch nước khi Hoạch bị bắt, ông Đào cũng không xuất hiện thanh minh hay dẹp tin đồn. Tết Nguyên đán năm vừa rồi Trung Nam Hải cũng cử đại diện thăm nom các "lão đồng chí", nhưng người ta không thấy ông Hồ Cẩm Đào xuất đầu lộ diện, vậy mà lần này ông về họp khóa không một báo nào đưa tin, theo Đa Chiều kể cũng là sự lạ.
Lạ hơn nữa là ở chỗ, dù bị nhiều người xem là yếu đuối và bị Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu khống chế, nhưng dù sao cũng nhờ ông Hồ Cẩm Đào thì Tập Cận Bình mới có điều kiện kết thúc chế độ "nguyên lão tham chính", tức cắt bỏ mọi sự can thiệp của các cựu lãnh đạo cấp cao tiền nhiệm, mở rộng không gian cải cách và thể hiện phóng cách cứng rắn như vừa qua.