Hoa Kỳ sẽ không cho phép Trung-Nga làm thay đổi trật tự khu vực

30/03/2016 06:26
Đông Bình
(GDVN) - Có một số vấn đề chung, bao gồm pháp chế, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng biên giới quốc tế. Trong những vấn đề này, giữa các khu vực cần đoàn kết hơn.

Hiện nay, Trung Quốc và Nga đang tiếp tục thúc đẩy phát triển quan hệ song phương chặt chẽ hơn trong bối cảnh quốc tế mới - Mỹ và phương Tây tiếp tục kiềm chế Nga, Mỹ cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương, một trong những mục tiêu là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác chiến lược với Nga. Trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều điểm nóng căng thẳng, leo thang như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề Biển Đông..., từ ngày 10 - 11/3/2016, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Nga, hội đàm với người đồng cấp Nga và hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tổng thống Nga Putin có kế hoạch thăm Trung Quốc vào mùa hè năm nay.
Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác chiến lược với Nga. Trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều điểm nóng căng thẳng, leo thang như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề Biển Đông..., từ ngày 10 - 11/3/2016, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Nga, hội đàm với người đồng cấp Nga và hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tổng thống Nga Putin có kế hoạch thăm Trung Quốc vào mùa hè năm nay.

Nhu cầu hợp tác chiến lược và kinh tế đã thúc đẩy Trung-Nga xích lại gần nhau hơn nhiều, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh. Một câu hỏi xuất hiện lâu nay là liệu Trung-Nga có kết thành liên minh để làm thay đổi trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo?

Hãng tin VOA Mỹ ngày 26/3 cho rằng, trong 2 năm qua, Trung Quốc và Nga đẩy nhanh quan hệ song phương, hai bên ký kết hợp đồng mua bán dầu khí lớn, hải quân hai nước tổ chức diễn tập quân sự liên hợp ở nhiều vùng biển, Nga còn bán tên lửa và máy bay chiến đấu tiên tiến cho Trung Quốc.

Giáo sư Akihiro Iwashita, chuyên gia về Âu-Á từ Đại học Hokkaido và Đại học Kyushu, Nhật Bản cho rằng, tranh chấp biên giới đã không còn là trở ngại của quan hệ Trung-Nga. Hiện nay, Trung Quốc và Nga rất giống như hai đồng minh thân cận.

Akihiro Iwashita nói: "Tôi cho rằng, quan hệ Nga-Trung đang hướng tới giai đoạn sơ khai của quan hệ đồng minh".

Thomas Wright, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu chiến lược và trật tự quốc tế của Viện Brookings Mỹ cho rằng, hai nước Trung Quốc và Nga đều tìm cách làm thay đổi trật tự quốc tế ở khu vực đứng chân của họ và tìm cách ngăn chặn sự can dự của Mỹ, vì vậy hai nước này đã đến với nhau.

Thomas Wright cho rằng: "Họ đều không muốn chịu sự ràng buộc bởi trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo, bởi vì họ muốn đạt được mục đích làm thay đổi trật tự khu vực".

Quân đội Nga không kích IS ở Syria
Quân đội Nga không kích IS ở Syria

Tuy nhiên cũng có nhiều nhà phân tích cho rằng, quan hệ Trung-Nga cách quan hệ đồng minh còn xa. Phó giáo sư Chisako Masuo từ Đại học Kyushu Nhật Bản cho rằng, quan hệ Trung-Nga là một cuộc "hôn nhân tạm thời". Ông nói: "Trong những vấn đề mang tính chiến lược ở phạm vi rộng lớn hoặc những vấn đề nhạy cảm có thể liên quan đến chủ quyền, họ hoàn toàn không hợp tác".

Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga. Moscow hy vọng quan hệ chặt chẽ Trung-Nga có thể tạo ra lối thoát cho hàng hóa năng lượng của Nga.

Nhưng David Gordon, cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, cố vấn lâu năm của Tập đoàn Âu-Á, một cơ quan nghiên cứu ở Washington cho rằng, giá cả năng lượng tụt dốc và thiếu lòng tin giữa Trung-Nga đang ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ năng lượng và chiến lược của hai nước.

David Gordon cho hay: "Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng đã bắt đầu lỏng lẻo. Sau 1 năm hai bên ký kết hợp đồng khí đốt lớn, quan hệ năng lượng Nga-Trung đã mất đi rất nhiều động lực".

Mặc dù vậy các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc và Nga tăng cường quan hệ song phương là một hiện thực mà Mỹ và đồng minh phải đối mặt.

Trung Quốc đẩy nhanh quân sự hỏa Biển Đông. Trong hình là một chi đội tàu khu trục Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận đối kháng thực binh bắn đạn thật ở Biển Đông từ ngày 17 - 21/2/2016
Trung Quốc đẩy nhanh quân sự hỏa Biển Đông. Trong hình là một chi đội tàu khu trục Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận đối kháng thực binh bắn đạn thật ở Biển Đông từ ngày 17 - 21/2/2016

Thomas Wright từ Viện Brookings cho rằng, Mỹ và các nước đồng minh châu Á, châu Âu cần liên kết lại cùng ứng phó với các nỗ lực làm thay đổi trật tự an ninh khu vực của Trung Quốc và Nga.

Theo Thomas Wright: "Ở đây có một số vấn đề chung, bao gồm pháp chế, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng biên giới quốc tế. Trong những vấn đề này, giữa các khu vực cần đoàn kết hơn".

Các chuyên gia an ninh cho rằng, Ấn Độ và Nhật Bản có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các nỗ lực làm muốn thay đổi trật tự an ninh khu vực của Trung Quốc và Nga.

Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đang tích cực làm việc với Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và các nước ASEAN để duy trì trật tự khu vực, bảo đảm tự do và an toàn hàng hải, hàng không. Đầu tháng 3/2016, Mỹ đưa ra lời kêu gọi thành lập liên minh chiến lược về hải quân giữa 4 nước Mỹ-Nhật-Ấn-Australia.

Là đồng minh then chốt của Mỹ ở khu vực châu Á, Nhật Bản đang đóng một vai trò tích cực hưởng ứng chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ. Nhật Bản bắt đầu thực hiện Luật an ninh mới, thúc đẩy chủ nghĩa hòa bình tích cực, tích cực đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn đa phương như Hội nghị thượng đỉnh G7, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á…, thúc đẩy pháp trị ở các vùng biển của châu Á, đối phó với các “yêu sách quá mức” của Trung Quốc. 

Hoa Kỳ tích cực thúc đẩy thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương
Hoa Kỳ tích cực thúc đẩy thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương
Đông Bình