Kẻ cắp gặp bà già

06/01/2016 14:08
Ngọc Việt
(GDVN) - Nếu những toan tính chính trị mà xem người dân đất nước như công cụ để đạt mục đích thì sẽ không bao giờ thành công nhưng hậu quả luôn là điều khó tránh khỏi.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Xê Út  đã trở thành một cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ, không chỉ đối với hai quốc gia này mà đối với cả vùng Trung Đông, theo nhận định của BBC ngày 4/1.

Tuy khủng hoảng giữa hai nước có thể còn tiếp diễn với những động thái khác, thậm chí lôi kéo thêm nhiều quốc gia đồng minh của hai bên vào cuộc, nhưng nó không đến mức nguy hiểm như BBC nhận định.

Theo người viết, cuộc khủng hoảng này nằm trong toan tính của cả hai bên và có mục đích tác động đến nhiều phía để tạo ra những lợi ích cho người trong cuộc. Vì vậy nó sẽ khó có thể chấm dứt một sớm một chiều nếu như lợi ích của hai bên chưa đạt được như họ mong muốn.

Tổng thống Iran và Quốc vương Ả Rập Xê Út, ảnh: Huffington Post.
Tổng thống Iran và Quốc vương Ả Rập Xê Út, ảnh: Huffington Post.

Toan tính của các chính trị gia

Từ sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới lần thứ nhất năm 1973 đến nay, người ta biết nhiều đến Ả Rập Xê Út là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, chính phủ và người dân nước này sống khỏe nhờ khai thác “vàng đen” mang bán.

Mức sống của người dân nước này dù không quá cao về thu nhập nhưng phúc lợi mà họ được hưởng từ trợ cấp của chính phủ Hoàng gia thì nằm ở tốp đầu thế giới, theo tài liệu của FED, năm 2008.

Với chính phủ Hoàng gia Ả Rập Xê Út, nguồn lợi từ khai thác và bán dầu thô mang lại quá lớn nên việc họ chu cấp cho người dân không thấm vào đâu so với những gì họ có được. Cũng vì cuộc sống dân no đủ nên người dân không quan tâm nhiều đến chính sự.

Vì vậy hầu hết những chức tước, bổng lộc đều thuộc về các thành viên Hoàng gia và họ không gặp bất cứ sự phản đối bất lợi nào từ dân chúng. Điều đó làm cho Hoàng gia đất nước này trở thành một trong nhưng vương tộc giàu có nhất thế giới.

Hình ảnh một Ả Rập Xê Út giàu có và có sự đoàn kết cao trong xã hội là điều ai cũng có thể cảm nhận ra khi biết về đất nước này. Tuy nhiên, thật ra đó chỉ là sự vô tư một cách tự nhiên của người dân chứ không hẳn là bởi sự gắn bó hình thành nên tình đoàn kết dân tộc.

Và điếu đó được chứng minh ngay khi giá dâu thô sụt giảm liên tục, dưới cả ngưỡng của giá thành, việc chi cho phúc lợi xã hội quá lớn đã trở thành gánh nặng cho ngân sách của chính phủ Hoàng gia và đương nhiên là bị cắt giảm. Thế là dân chúng phản đối - bất ổn xã hội xảy ra.

Lúc này Ả Rập Xê Út mới thể hiện ra là đất nước không có sự hài hòa, chung lưng đấu cật như chính phủ Hoàng gia lầm tưởng.

Trước sự ảnh hưởng của làn gió Mùa xuân Ả Rập, chính phủ Ả Rập Xê Út đã phải có nhiều cải cách, làm giảm bớt quyền lực cũng như quyền lợi của Hoàng gia, nhưng như vậy vẫn chưa đủ đảm bảo sự bình an cho vương quyền.

Và việc tạo ra những sự kiện hướng dư luận chú ý vào đó, mà đặc biệt hướng người dân vào sự đoàn kết với chính phủ trước sự an nguy của chế độ là một trong những cách thức tốt nhất mà chắc chắn chính phủ Hoàng gia Ả Rập Xê Út tính tới.

Trong đất nước nền tảng chính trị bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi giáo luật thì kẻ thù tư tưởng là kẻ thù nguy hiểm nhất đối với quốc gia, dân tộc. Phải chăng vì thế chính phủ Hoàng gia Ả rập Xê Út đã tạo ra một sự kiện liên quan đến tôn giáo mà họ biết sẽ gây nên phản ứng tiêu cực từ quốc gia khác và họ đã thành công bước đầu với toan tính của mình?

Một người phụ nữ Bahrain mang tấm hình Giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr – người mà cái chết đã mở đầu cho cuộc khủng hoảng Iran - Ả rập. Ảnh: Reuters.
Một người phụ nữ Bahrain mang tấm hình Giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr – người mà cái chết đã mở đầu cho cuộc khủng hoảng Iran - Ả rập. Ảnh: Reuters.

Còn với Iran, sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, người ta biết đến nước này nhiều nhất là ở sự chi phối của tôn giáo đến chính trị mà nó được chứng minh bằng vai trò và vị thế của lãnh tụ tối cao – một định chế quyền lực có một không hai trong lịch sử chính trị thế giới. Xã hội Iran bắt đầu trở nên bảo thủ từ khi đó.

Mọi hoạt động trong đời sống chính trị tại Iran đều bị ảnh hưởng bởi giáo luật và người dân bị bó tư tưởng mình trong những định ước hơn là những quy phạm của pháp luật. Vai trò của nhà nước mờ nhạt trong quá trình vận hành, thực hiện chức năng điều hành và quản lý xã hội.

Từ những công cụ quản lý xã hội đến những công cụ sức mạnh bảo vệ chế độ đều không thuộc quyền chi phối của nhà nước.

Một đất nước Iran bảo thủ và khác biệt đã như cái gai trong mắt phương Tây và luôn bị đe dọa đến sự tồn vong của nó. Nhà nước Iran cần có sức mạnh đảm bảo miễn nhiễm với nỗi lo phương Tây và vũ khí hạt nhân là thứ bảo bối mà Iran tin là có thể đảm bảo sức mạnh cho họ.

Thế là họ lao vào hướng phát triển vũ khí hạt nhân. Kinh tế đất nước tập trung vào việc phát triển vũ khí giết người hàng loạt để phương Tây phải ngán ngại, phải dè chừng.

Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo ôn hòa tại Iran có những chuyển biến theo hướng tích cực trong chủ trương phát triển đất nước. Họ hiểu được rằng nền khoa học của Iran còn lâu mới có thể sản xuất ra vũ khí hạt nhân mà trước nay giới chính trị bảo thủ tại nước này mơ ước.

Việc tập trung phát triển vũ khí hạt nhân được nhận diện chính là nguyên nhân quan trọng nhất gây nên khó khó khăn cho đất nước, là rào cản Iran hòa nhập với thế giới.

Một hiệp ước ngăn cản Iran phát triển vũ khí hạt nhân đã được chính phủ Rouhani ôn hòa ký với phương Tây là niềm vui với những người khao khát xã hội Iran đổi thay sau bao năm bị phong tỏa vì ước mơ sở hữu thứ vũ khí giết người hàng loạt ấy. Tuy nhiên, giới chính trị bảo thủ tại Iran thì lại mất đi phương tiện hữu hiệu nhất đảm bảo quyền uy của họ, theo VOA ngày 16/9/2015.

Hành động của Ả Rập Xê Út xảy ra đúng lúc giới chính trị bảo thủ tại Iran đang chao đảo nên được tận dụng triệt để, vì nó liên quan đến hệ tư tưởng của người dân Iran, khi ai đụng chạm đến điều ấy thì họ sẽ đoạn tuyệt, thậm chí là quyết chiến tới cùng. Thế là giới chính trị bảo thủ Iran có được ngay cái phao hữu hiệu cho họ tiếp tục khẳng định quyền lực của họ.

Như vậy, dù Ả Rập Xê Út và Iran có những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, nhưng có một điểm chung là những giá trị truyền thống lệch pha, cản trở sự phát triển của xã hội đang có nguy cơ mất chỗ đứng trong xã hội.

Vì vậy, việc hướng dư luận, hướng người dân vào sự hiểm nguy của kẻ thù tư tưởng là một trong những con bài mà các nhà chính khách các nước này sử dụng trong cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay.

Kẻ tung người hứng    

Ả Rập Xê Út từng là một đồng minh quan trong của Mỹ tại khu vực Trung Đông chỉ sau mỗi Israel. Nước này đã giúp Mỹ rất nhiều trong hai cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh, cũng như tạo thế cân bằng với Iran, sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, nhà nước Iraq mới chưa thể ổn định và lấy lại vị thế của mình trong khu vực.    

Người dân Iran biểu tình phản đối Ả Rập Saudi hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr ở Tehran. Ảnh: Reuters.
Người dân Iran biểu tình phản đối Ả Rập Saudi hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr ở Tehran. Ảnh: Reuters.

Những thể hiện rõ rệt nhất trong quan hệ đồng minh với Mỹ là sự đóng góp tiền bạc cho những kế hoạch mà Mỹ triển khai trong khu vực, thậm chí cả trên thế giới. Đặc biệt là việc Ả Rập Xê Út luôn tiếp ứng Mỹ trừng phạt những lực lượng hay quốc gia khác mà có thể dùng đến các biện pháp liên quan đến dầu thô và giá dầu thô.

Còn Mỹ thì bảo vệ đồng minh của mình bằng sức mạnh quân sự và hợp tác quân sự. Trong bao năm qua, quan hệ Mỹ - Ả Rập Xê Út chưa hề nghe thấy những xích mích lớn hay có mâu thuẫn lớn nào tạo ra sự rạn nứt nghiêm trọng. Nhìn vào ai cũng thấy đây là một mối quan hệ đồng minh thân thiết, luôn cần có nhau và cần đến nhau.

Tuy nhiên thực tế lại không hẳn như vậy. Trong mối quan hệ này, Ả Rập Xê Út là bên chịu thiệt thòi hơn rất nhiều. Dù ủng hộ nhiều tiền bạc cho những kế hoạch của Mỹ nhưng vị thế của Ả Rập Xê Út không hề được nâng lên.

Khi hợp tác cùng Mỹ sử dụng công cụ dầu thô làm biện pháp trừng phạt những kẻ ương ngạnh thì Ả Rập Xê Út chịu thiệt thòi rất nhiều, nhưng chưa bao giờ nghe thấy Mỹ có những động thái thể hiện sự bù đắp tương xứng cho những thua thiệt ấy.

Khi giá dầu thô cao thì mọi việc đều không thành vấn đề, nhưng khi giá dầu giảm thê thảm thì vấn đề lớn nảy sinh. Ả Rập Xê Út không thể hăng hái như trước nữa, một phần vì khó khăn nội tại, một phần vì ngẫm lại thấy cay đắng.

Nhưng lúc này không có vũ khí nào hữu hiệu để làm mình làm mẩy với người bạn đường nên Ả Rập Xê Út chủ động thể hiện vai trò của mình ở Trung Đông bằng việc can thiệp vào tình hình Yemen và cả Syria nữa, theo Human Rights Watch ngày 27/11/2015.

Song với Mỹ những điều đó chỉ làm lợi cho họ nhưng không làm khác cái nhìn của họ về người đồng minh lâu năm này. Trong thế bức bách, Ả Rập Xê Út lấy cớ chống IS để thành lập Liên minh quân sự Hồi giáo với 34 nước, do Riyadh đứng chủ xị.

Thế là Mỹ đã biết được ý đồ của Ả Rập Xê Út trong việc muốn làm bá chủ Trung Đông. Một sự rạn nứt nghiêm trọng đã hình thành. 

Còn với Iran, thứ mà nước này khiến Mỹ và các nước phương Tây phải dè chừng là cơ hội sử dụng vũ khí hạt nhân đã bị người ta nắm giữ. Trước đây, khi Iran có những động thái gây thiệt hại cho Mỹ tại khu vực này, Mỹ đã dùng tay của Saddam giáng những quả đấm cực mạnh xuống đất nước Hồi giáo này.

Chiến tranh Iran – Iraq kéo dài từ 1980 đến 1988 đã làm cho Iran gần như kiệt quệ.

Khi Iraq không còn là đối trọng của Iran, thì Iran lại có bảo bối là “cơ hội” sở hữu vũ khí hạt nhân để dằn mặt Mỹ. Iran đã tập trung nhiều nguồn lực của đất nước vào chương trình chiến lược khẳng định sức mạnh của mình. Khi mọi việc tưởng chừng như đã vào guồng theo Iran thì Mỹ đã sử dụng IAEA và những công cụ ngoại giao khác ngăn cản thành công ước vọng của Tehran.

Thực ra, nếu Mỹ không ngăn chặn thì cũng chưa biết khi nào Iran mới có đủ khả năng cho ra lò một đầu đạn hạt nhân. Mỹ đã thành công trong việc "bẻ nanh" Iran. Chính phủ ôn hòa tại Iran hy vọng sẽ có những bước tiến trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây, từ đó nâng cao vị thế và vai trò của mình, cũng như thoát cấm vận để phát triển đất nước.

Tuy nhiên giới chính trị bảo thủ Iran thì không còn gì để mặc cả với những toan tính của Mỹ và phương Tây. Và cùng với những đổi thay mạnh mẽ trong nước, giới chính trị truyền thống Iran phải tìm kiếm những thứ vũ khí nào hữu hiệu để thể hiện mình trong quan hệ quốc tế và đảm bảo cho sự tồn tại của mình.

Và thế là hai “người hùng thất sủng” gặp nhau nên khi một vấn đề nhạy cảm được Ả Rập Xê Út khơi mào là được Iran tiếp ứng ngay. Cả Trung Đông rúng động. Ai cũng cảm nhận nếu tình hình này không được kiểm soát thì sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Nhưng thật ra nó đang được kiểm soát và mức độ nguy hiểm của nó gia tăng theo những toan tính của những người trong cuộc.

Tuy nhiên, cho đến lúc này những mong muốn của cả Ả Rập Xê Út và Iran là hướng tới Mỹ và các cường quốc thì vẫn chưa đạt được. Mỹ và EU đều không quá sốt sắng như thường lệ.

Và “dư luận hy vọng những người tức giận bởi cái chết Sheikh Nimr sẽ đi theo lời khuyên của anh trai giáo sĩ, Mohammed, rằng bất cứ cuộc biểu tình nào cũng trong hòa bình”  theo BBC ngày 4/1.

Tuy nhiên, có một điều mà hai nước có thể không lường trước được là, càng nhiều nước tham gia vào khủng hoảng kiểu “huynh đệ tương tàn” này thì cơ hội họ thành công cho những toan tính của mình càng xa vời.

Vì nếu nhiều đồng minh của Ả Rập Xê Út hưởng ứng thì một Ả Rập Xê Út “bá chủ Trung Đông” đã hiện hình, còn Iran sẽ đương nhiên giảm tầm quan trọng vì bị lôi kéo vào trò chơi một cách bị động.

Cuộc khủng hoảng Ả Rập Xê Út – Iran đang thu hút dư luận thế giới quan tâm và đang nùng nổ dữ dội khắp khu vực Trung Đông, nhưng thật ra nó không nhận được sự quan tâm quá lớn của những người “được mong muốn” quan tâm.

Qua đây có thể thấy rằng, nếu những toan tính chính trị mà xem người dân đất nước như công cụ để đạt mục đích thì sẽ không bao giờ thành công nhưng hậu quả luôn là điều khó tránh khỏi.

Ngọc Việt