Mỹ hủy thỏa thuận hạt nhân Iran, Triều Tiên sẽ không còn tin vào đàm phán

22/10/2017 07:47
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Triều Tiên vốn đã không tin Hoa Kỳ, nay điều đó lại được củng cố thêm bởi nguy cơ phá sản của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Những diễn biến mới nhất xung quanh bán đảo Triều Tiên cho thấy, cuộc khủng hoảng hạt nhân ở khu vực này đang ngày càng trầm trọng.

Những nỗ lực vận động của các nhà lãnh đạo các nước, các chính khách và các nhà hoạt động nhân quyền về một cuộc đàm phán Mỹ - Triều để giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên vô vọng.

Đặc biệt mới đây, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, Mỹ sẽ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, khiến cho việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng càng trở nên bế tắc.

Bởi chính tuyên bố này đã vô tình tạo cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một lý do đáng tin cậy để từ chối đàm phán với Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh: AP.

Thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).

Đây là thành quả của quá trình đàm phán dai dẳng suốt 12 năm giữa Iran với nhóm P5+1, gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức - Liên minh châu Âu (EU).

Thoả thuận này cuối cùng đã được các bên ký kết vào ngày 14/7/2015.

Tuy còn có những mặt hạn chế, song thoả thuận này được các bên liên quan đánh giá là tốt nhất có thể được.

Theo thỏa thuận, Iran sẽ cực kỳ khó khăn trong việc phát triển vũ khí hạt nhân nếu như họ cố tình vi phạm thỏa thuận.

Các kho dự trữ uranium của Iran đã phải giảm xuống hơn 95%, các lò ly tâm giảm trên 60% và khả năng làm giàu uranium bị giới hạn dưới ngưỡng có thể sản xuất được vũ khí hạt nhân.

Hạn chế của thỏa thuận chính là việc có giới hạn về thời gian ở một số mặt, như tạm ngừng các lò ly tâm, hay ngừng phát triển các lò ly tâm hiện đại hơn - sẽ hết hạn vào năm 2025, và không bao gồm hạn chế chương trình phát triển tên lửa của Tehran.

Chính điều này có thể là lý do khiến ông Trump muốn đàm phán lại thỏa thuận và từ chối xác nhận lại sự tuân thủ của Tehran trong việc thực thi thỏa thuận.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại đưa ra lý do là bởi Iran đã hỗ trợ cho chính quyền Bashar al-Assad ở Syria và Hezbollah ở Lebanon.

Nhưng dù là lý do gì thì bài phát biểu của ông Trump hôm 13/10 đã khiến cho thỏa thuận này có nguy cơ chết yểu.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani, ảnh: AP.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani, ảnh: AP.

Không rõ Quốc hội Mỹ sẽ quyết định như thế nào trong thời hạn 60 ngày kể từ hôm 15/10.

Nhưng thỏa thuận sẽ gặp nguy hiểm nếu các biện pháp trừng phạt trước khi đàm phán được phục hồi hoặc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới với Tehran.

Các quan chức của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và tất cả các bên liên quan đến thỏa thuận, bao gồm Đức - EU và các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như Pháp, Nga, Anh và Trung Quốc đều cho biết Iran đang tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận, và thoả thuận này vẫn sẽ được tôn trọng và duy trì. [1]

Thế nhưng ông Trump đang tìm mọi cách để gây sức ép với các đồng minh của Mỹ trong việc đàm phán lại thỏa thuận.

Hoặc nếu như Quốc hội Mỹ quyết định tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Tehran sẽ khiến Iran đưa ra những phản ứng tiêu cực như Tổng thống Hassan Rouhani đã từng cảnh báo.

Hệ lụy từ nguy cơ sụp đổ thỏa thuận Iran đã khiến cho công cuộc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với Triều Tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo càng trở nên khó khăn.

Tình hình khủng hoảng Triều Tiên hiện nay đang ngày càng trầm trọng khi cả hai bên đều cố gắng gây áp lực lớn nhất cho nhau và đẩy triển vọng đàm phán ra xa hơn.

Hiện Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên với hàng chục tàu chiến, máy bay ném bom và các phương tiện quân sự hiện đại.

Bình Nhưỡng phản ứng gay gắt đối với cuộc tập trận này, khi tuyên bố, Triều Tiên có thể tiến hành một cuộc tấn công “không thể tưởng tượng nổi” vào nước Mỹ, đồng thời cho thấy họ đang chuẩn bị tiến hành một vụ thử nghiệm tên lửa mới. [2]

Những động thái này đang đẩy cuộc khủng hoảng đến gần miệng hố chiến tranh hơn bao giờ hết.

Có lẽ Triều Tiên bây giờ không còn tin vào bất cứ ai.

Trung Quốc - đồng minh lâu năm và gần gũi nhất của Triều Tiên cũng đang ủng hộ và thực thi nghiêm túc các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, hy vọng vào một thỏa thuận thông qua đàm phán cũng đã tan vỡ ngay trước mắt bởi nguy cơ sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Những nỗ lực để thuyết phục Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán đã khó khăn, giờ lại càng thêm khó khăn gấp bội.

Bình Nhưỡng bây giờ càng có lý do để tin rằng quyết định phát triển bằng được vũ khí hạt nhân của họ là hoàn toàn đúng đắn để chống lại những mối đe dọa từ kẻ thù cũ của họ, cho dù họ có phải chịu đựng khổ cực bởi sự suy giảm kinh tế trầm trọng khi các lệnh trừng phạt tiếp tục được tăng cường.

Cuộc đấu tranh cho sự sống còn của Triều Tiên có thể khiến họ bất chấp tất cả mọi sự đe dọa.

Bởi họ nhận thức được rằng, ngay cả khi quay lại bàn đàm phán và ký kết thỏa thuận với Hoa Kỳ, thì họ vẫn không thể có niềm tin vào sự an toàn của họ được đảm bảo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Họ vốn đã không tin Hoa Kỳ, nay điều đó lại được củng cố thêm bởi nguy cơ phá sản của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Hơn nữa, Triều Tiên cũng chưa nhận thấy một chút thiện chí nào từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về một giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng, mà chỉ thấy những tuyên bố cứng rắn và hành động quân sự để gia tăng sức ép với họ.

Mặt khác, trong thời điểm hiện nay, Bình Nhưỡng hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ vào vai trò của Trung Quốc và Nga trong việc tham gia có hiệu quả vào một thỏa thuận với Triều Tiên giống như của Iran, khi mà Mỹ vẫn luôn thích làm theo cách của riêng họ, mà nguy cơ sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân Iran là một minh chứng.

Với tất cả những vấn đề nêu trên khiến cho một giải pháp thương lượng cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay dường như vượt khỏi tầm nhận thức.

Ông Trump đang gây nguy hiểm cho thỏa thuận hạt nhân Iran, và cùng với Kim Jong-un đẩy hai miền Triều Tiên lún sâu vào khủng hoảng.

Đúng như Tổng thống Nga Putin mới đây nhận định: “tình hình Triều Tiên hiện nay đang rất nguy hiểm”. [3]

Mặc dù vậy, cũng cần phải hy vọng vào một giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên.

Nhưng trước khi hy vọng vào điều đó, thì Tổng thống Donald Trump cần phải tôn trọng thỏa thuận hạt nhân Iran và tránh cho thỏa thuận này sụp đổ.

Có như vậy, mới thúc đẩy được Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán để tiến tới một thỏa thuận tương tự nhằm cứu vãn tình thế nguy hiểm hiện nay của cuộc khủng hoảng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.reuters.com/ Commentary: Trump’s Iran decision hurts chance of a North Korea deal.

[2] Yonhap News Agency/ N.K. warns U.S. could face 'unimaginable' strike

[3] TASS Russian News/ AgencySituation surrounding North Korea highly dangerous, Putin says.

PHẠM DOÃN TÌNH