Sáng sớm hôm nay 10/8, Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Triều Tiên đã công bố khá chi tiết về kế hoạch phóng 4 quả tên lửa liên lục địa Hwasong-12 vào giữa tháng Tám này, tới sát đảo Guam.
Bình Nhưỡng đã tăng gấp đôi mối đe dọa với Hoa Kỳ sau phát biểu mới nhất của Tổng thống Donald Trump với báo giới hôm qua, khi ông cảnh báo Triều Tiên về một cơn thịnh nộ của người Mỹ.
Không giống như những lần đe dọa trước, việc Bình Nhưỡng công khai các chi tiết của một kế hoạch phóng tên lửa đang được "xem xét nghiêm túc" và chỉ chờ ông Kim Jong-un hạ lệnh, đã lập tức ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán châu Âu. [1] [2]
Kim Jong-un lật bài ngửa
Tướng Kim Rak-gyom, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Triều Tiên được KCNA dẫn lời cho biết:
4 quả tên lửa Hwashing-12 mà Bình Nhưỡng đang lên kế hoạch phóng vào "giữa tháng Tám", sẽ bay qua bầu trời các thành phố Shimane, Hiroshima và Koichi của Nhật Bản.
4 quả tên lửa sẽ bay 3356,7 km trong 1056 giây và đổ xuống vùng biển cách đảo Guam từ 30 đến 40 km. [3]
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh: The Huffington Post. |
Bruce Bennett, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Tổng công ty Rand, nói với CNN về khả năng đánh chặn tên lửa Triều Tiên của hệ thống phòng thủ Hoa Kỳ: [4]
"Đây là một hệ thống thực nghiệm. Chúng ta có khả năng bắn trúng, mà cũng có thể sẽ bắn trượt. Chúng tôi không thể chắc chắn về điều này.
Đặc biệt là Triều Tiên sử dụng bệ phóng di động, họ có số lần thử nghiệm nhiều hơn đáng kể so với hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, trong khi hệ thống của Mỹ cũng có lần thử nghiệm thất bại."
Hệ thống THAAD Mỹ mới bố trí tại Hàn Quốc không thể đánh chặn tên lửa Triều Tiên nếu nó phóng về phía Guam, nhưng ra đa của THAAD có thể nhanh chóng phát hiện ra nó.
Guam cũng được trang bị hệ thống THAAD riêng, về lý thuyết có thể đánh chặn bất kỳ tên lửa nào phóng từ Triều Tiên, nhất là trong bán kính 200 km.
Ngoài ra, Mỹ có thể sử dụng các tàu khu trục mang tên lửa đạn đạo Aegis để đánh chặn tên lửa Triều Tiên trước khi nó quay trở lại khí quyển Trái đất.
Để đối phó với các vụ thử tên lửa liên tục của Triều Tiên, quân đội Mỹ đã thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa của mình trong tháng Năm [5] và nhiều lần trong tháng Bảy vừa qua [6], trong đó một lần Mỹ thừa nhận thất bại [7].
Adam Mount, thành viên cao cấp Trung tâm vì Sự tiến bộ Hoa Kỳ (Center for American Progress) nói với CNN:
"Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Triều Tiên lại đe dọa phóng 4 quả tên lửa liên lục địa. Họ đang cố tình làm phức tạp hóa các quyết định của giới hoạch định chính sách Hoa Kỳ".
Chỉ cần 1 trong 4 quả tên lửa này "hạ cánh thành công", đó sẽ là chiến thắng ngoại giao cho Bình Nhưỡng, hệ thống phòng thủ Hoa Kỳ xem như bị chọc thủng, đánh tụt nhuệ khí của Washington.
Tuy nhiên chuyên gia Bruce Bennett lại có cái nhìn lạc quan hơn.
Tất nhiên là Bình Nhưỡng sẽ hy vọng chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, nhưng ngay cả khi điều này xảy ra, nó không phải là một thảm họa.
Tên lửa Triều Tiên, ảnh: Yonhap News / KCNA. |
Bởi lẽ hệ thống phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ chưa bao giờ bắn hạ tên lửa Triều Tiên trước đó. Nếu lần đầu thành công, thì quá tuyệt vời.
Ngược lại, bắn trượt tên lửa Triều Tiên có nghĩa là Mỹ phải tiếp tục hoàn thiện một số lỗi phần mềm hay phần cứng.
Lựa chọn nào cho ông Donald Trump?
Những phân tích của giới chuyên gia quốc tế và Hoa Kỳ trên truyền thông cho thấy, sự lựa chọn đối với ông chủ Nhà Trắng là cực kỳ khó khăn và nhạy cảm.
Giáo sư Nicholas Burns từ Đại học Harvard, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ hôm nay khuyến cáo ông Donald Trump bằng một bài viết trên tờ The USA Today:
Giờ không phải lúc để ông Donald Trump nhảy vào khẩu chiến với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Ông có nhiều việc phải làm, bắt đầu từ việc trấn tĩnh lại, thay đổi giọng điệu.
Ông Donald Trump nên bắt chước Winston Churchill, Franklin D. Roosevelt và Ronald Reagan, chứ không phải Kim Jong-un.
Chiến tranh không phải sắp xảy ra đến nơi, không có lý do gì để Mỹ khởi động một cuộc tấn công phủ đầu vào Triều Tiên.
Chưa phải lúc Mỹ làm điều này, bởi nó có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ngoại giao có thể chưa chắc là giải pháp tuyệt đối hiệu quả, nhưng sẽ là vô trách nhiệm nếu không thử giải pháp này, đặc biệt là nó được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự Mỹ.
Triều Tiên sẽ bắn 4 quả tên lửa gần Guam để "dạy Doald Trump một bài học"? |
Theo giáo sư Nicholas Burns, ông Donald Trump nên đóng tài khoản Twitter, và giao quyền cho Ngoại trưởng Rex Tillerson tham gia các hoạt động vận động hậu trường yên tĩnh, tìm cơ hội tốt nhất cho một bước đột phá.
Ông Nicholas Burns nhấn mạnh, với những người như ông Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump nên học Theodore Roosevelt, nói chuyện nhẹ nhàng và mang theo một cây gậy lớn. [8]
Susan E. Rice, cựu Cố vấn An ninh quốc gia thời Tổng thống Barack Obama hôm nay cũng có bài viết khuyến cáo ông Donald Trump, đăng trên The New York Times. [9]
Bà Susan E. Rice đưa ra lời khuyên với đương kim Tổng thống Mỹ cũng giống như Giáo sư Nicholas Burns.
Bằng kinh nghiệm "sống chung với Kim Jong-un" suốt thời làm Cố vấn An ninh quốc gia (2013-2017), cũng như Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (2009-2013), bà Susan E. Rice chưa từng thấy lần nào nguy hiểm như lần này, vì những phản ứng của ông Donald Trump.
Phát biểu của Tổng thống Mỹ về Triều Tiên hôm qua có thể dẫn đến chiến tranh.
Bà nhắc lại, hàng triệu dân Hàn Quốc ở Seoul chỉ cách biên giới hai miền khoảng 56 km, nằm hoàn trong tầm bắn của pháo binh, tên lửa Triều Tiên.
Khoảng 23 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ và gia đình của họ cũng sống giữa Seoul và khu vực phi quân sự trong số 200 ngàn người Mỹ cư trú tại Hàn Quốc.
Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ khuyến cáo ông Donald Trump 4 vấn đề:
Một là không để Triều Tiên không tiếp tục thử hạt nhân; Hai là tránh để rơi vào một cuộc chiến tốn kém, mà trước hết là ngừng khẩu chiến với Bình Nhưỡng.
Ba là tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh; Bốn là tiếp tục nâng cao chi phí Bình Nhưỡng phải trả nếu tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân, tên lửa.
Bà Susan E. Rice vẫn khuyên ông Donald Trump nên bắt đầu đối thoại với Trung Quốc để tìm cách loại bỏ kho vũ khí của Bắc Triều Tiên. [9]
Các đồng minh của Mỹ cũng "phát hoảng" với tuyên bố của ông Donald Trump.
Bộ Ngoại giao Đức đã kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế".
Người phát ngôn của Liên minh châu Âu cho rằng, một nền hòa bình lâu dài và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên phải thực hiện bằng giải pháp hòa bình và loại trừ hành động quân sự.
Từ New Zealand, Thủ tướng Bill English bình luận, phát biểu của ông Donald Trump là "vô ích" trong khi tình hình đang rất căng thẳng, bế tắc.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cảnh báo, đối phó với Triều Tiên bằng cơn cuồng nộ, sẽ có hậu quả thảm khốc với cả thế giới.
Hàn Quốc nhận định tình hình hiện nay đang rất nghiêm trọng, nhưng không tin một cuộc chiến sắp xảy ra. [10]
Cho đến nay, dường như chỉ có duy nhất đồng minh Nhật Bản là tuyên bố ủng hộ tất cả các lựa chọn của chính quyền Donald Trump, bao gồm giải pháp quân sự đã được đặt lên bàn, theo Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga. [11]
Cá nhân người viết cho rằng, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đang đặt Hoa Kỳ trước thách thức rất lớn.
Những vụ thử tên lửa vừa qua của Bình Nhưỡng cho thấy, rất có thể kế hoạch phóng 4 quả tên lửa Hwasong-12 ra sát đảo Guam không phải nói chơi.
Tài liệu tham khảo:
[3]http://edition.cnn.com/2017/08/09/politics/north-korea-considering-near-guam-strike/index.html
[4]http://edition.cnn.com/2017/08/10/asia/north-korea-missile-defense-guam/index.html
[5]http://edition.cnn.com/2017/05/30/politics/pentagon-missile-test-north-korea-iran/index.html
[6]http://edition.cnn.com/2017/07/30/politics/us-military-tests-thaad-system/index.html
[7]http://edition.cnn.com/2017/06/22/politics/us-missile-intercept-test-fails/index.html
[9]https://www.nytimes.com/2017/08/10/opinion/susan-rice-trump-north-korea.html