The Washington Post ngày hôm nay 24/2 đưa tin, quan hệ Trung - Mỹ đã được thể hiện khá đầy đủ hôm Thứ Ba khi Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nói với Quốc hội Mỹ, Trung Quốc đang quân sự hóa rõ rệt Biển Đông.
Còn Ngoại trưởng John Kerry khẳng định, Mỹ chỉ có một chính sách đối ngoại trong khu vực, đó là tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, ảnh: Politico. |
Đô đốc Harry Harris nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, lên án Trung Quốc đang quân sự hóa rõ rệt Biển Đông với việc kéo tên lửa HQ-9 ra Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) và lắp đặt ra đa quân sự công suất lớn ở Châu Viên, Tư Nghĩa, Gạc Ma - Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Còn Ngoại trưởng John Kerry, trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Vương Nghị đã nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chỉ có một lập trường ở Biển Đông.
"Công việc của Lầu Năm Góc là sẽ hành động nếu như ngoại giao thất bại. Họ phải được chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào", ông John Kerry tuyên bố.
Tuy nhiên đến giờ này ông Vương Nghị vẫn tiếp tục luận điệu hung hăng, sai trái khi tuyên bố trong buổi họp báo với Ngoại trưởng Mỹ rằng: "Trung Quốc coi các đảo là lãnh thổ lịch sử của mình và có quyền duy trì toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải hợp pháp".
Nói rồi ông Nghị lại nhắc lại câu nói đầu môi chót lưỡi quen thuộc, nhưng Trung Quốc không bao giờ làm: "Chúng tôi cam kết giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán một cách hòa bình".
"Biển Đông không phải và không nên trở thành một vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc, mà nó cần được giải quyết trực tiếp giữa các bên trong khu vực. Chưa có bất kỳ vấn đề gì liên quan đến tự do hàng hải và không có tàu thương mại nào từng gặp vấn đề gì", ông Nghị tuyên bố.
"Chúng tôi không hy vọng nhìn thấy bất kỳ tàu do thám quân sự nào, hoặc các tàu khu trục mang tên lửa, hoặc máy bay ném bom chiến lược lại gần khu vực này", Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố.
Ông Nghị còn nhắc khéo Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ.
Với hành vi leo thang nghiêm trọng quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra hiện nay, Trung Quốc vẫn khăng khăng đòi "đàm phán tay đôi" với các bên yêu sách và gạt bỏ các cơ quan tài phán quốc tế.
Phải chăng cái ông Nghị nói là Trung Quốc "cam kết giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán một cách hòa bình" là một cách đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp đối phương, dùng vũ khí ép đối phương vào bàn đàm phán?
Mặt khác ông Nghị nói "không có vấn đề gì về tự do hàng hải ở Biển Đông", tại sao các tàu và máy bay Hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải, hàng không bên trong 12 hải lý ở Xu Bi, Vành Khăn, Tri Tôn theo đúng quy định Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cho phép, Bắc Kinh lại phản đối và vin cớ leo thang?
Tổng thống Barack Obama vẫn có thiện chí muốn giữ thể diện cho người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình khi nói rằng, ông sẽ chờ xem nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện cam kết ở Vườn Hồng tháng 9 năm ngoái ra sao. Ông Tập Cận Bình từng tuyên bố trước thế giới rằng, Trung Quốc "không quân sự hóa Biển Đông".
Nhưng thực tế đã rõ mười mươi, bản thân ông chủ Nhà Trắng lẫn lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tính toán đến các phương án xấu hơn và có thể là xấu nhất, để buộc "một thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc" sẽ phải trả giá nếu không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan.
Xem ra Bắc Kinh vẫn không chịu ngừng những hành vi leo thang bành trướng. Dư luận mong mỏi, chờ đợi các giải pháp của Hoa Kỳ để buộc Trung Quốc phải trả giá ra sao, và cùng chung sức với Mỹ bảo vệ luật pháp, công lý ở Biển Đông, hòa bình và ổn định trong khu vực - PV.