Nga không tin biện minh của NATO về triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa

05/04/2015 08:31
Nguyễn Hường
(GDVN) - Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin nhấn mạnh rằng không tin những lý do mà NATO đưa ra để biện minh cho sự tồn tại của kế hoạch này.

NATO sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn diện (BMD) ở châu Âu bất chấp thỏa thuận với Tehran nhằm ngăn chặn Iran có vũ khí hạt nhân. 

Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở châu Âu được Moscow xem là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh của mình.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở châu Âu được Moscow xem là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh của mình. 

Tờ Sputnik dẫn lời một phát ngôn viên của liên minh Oana Lungensku hôm 4/4 đưa tin cho biết, các mối đe dọa đối với các nước NATO liên quan với sự gia tăng các tên lửa đạn đạo tiếp tục phát triển và việc đạt được một thỏa thuận với Iran sẽ không làm thay đổi thực tế này.

Bà Lungensku cũng đảm bảo rằng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu sẽ không nhắm vào Nga. Đáp lại tuyên bố trên, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin nhấn mạnh rằng, không tin những lý do mà NATO đưa ra để biện minh cho sự tồn tại của kế hoạch này. 

Theo ông, NATO sẽ không từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu bất chấp việc đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân với Iran.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Alexei Pushkov cũng chỉ ra những điểm không hợp lý trong lời giải thích chính thức về nhiệm vụ của hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO.

"NATO sẽ không từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Chẳng ai nghi ngờ điều này. Lấy lý do là để đối phó mối đe dọa từ Iran và Triều Tiên chỉ để lừa những kẻ ngốc, trong khi NATO không biết viết truyện cổ tích", ông Pushkov cho biết trong một nhận định trên Twitter cá nhân.

NATO dự kiến sẽ hoàn thành chương trình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu vào năm 2018. Mục tiêu chính của hệ thống, theo tuyên bố chính thức, là nhằm để bảo vệ châu Âu khỏi các cuộc tấn công tên lửa từ Iran. Tuy nhiên, Moscow cho rằng việc triển khai các hệ thống này là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga và nhắm trực tiếp vào Nga.

Trong tháng 12 năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Washington đã tạo ra mối đe dọa đối với Nga bằng cách mở rộng lá chắn phòng thủ tên lửa của mình, đặt ở Đông Âu, gần biên giới Nga.

Theo kết quả chương trình đàm phán hạt nhân giữa Iran và 5 cường quốc hạt nhân Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức cùng Trung Quốc vừa kết thúc ngày 1/4, các bên đã nhất trí một khuôn khổ chính trị cho một thỏa thuận toàn diện nhằm đảm bảo bản chất hòa bình của hoạt động hạt nhân Iran./.

Nguyễn Hường