Một trận tranh cãi ngoại giao mới đã nổ ra hôm 20/1 sau khi Trung Quốc tổ chức lễ tưởng niệm người Hàn Quốc ám sát một quan chức Nhật Bản trong thế kỷ trước - một nhân vật mà Tokyo lên án là "khủng bố".
Năm 1909, Ahn Jung-geun bắn chết Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản Hirobumi Ito tại nhà ga xe lửa ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, phía đông bắc của Trung Quốc. Hirobumi Ito làm Thủ tướng Nhật Bản 4 nhiệm kỳ và được xem như là một kiến trúc sư chính xây dựng lên Hiến pháp đầu tiên của nước này.
Ahn Jung-geun sau đó bị bắt và bị lực lượng Nhật Bản treo cổ một năm sau đó, khi bán đảo Triều Tiên chính thức trở thành thuộc địa của Nhật Bản.
Một bức tượng Ahn Jung-geun |
Trung Quốc và Hàn Quốc hôm 20.1 đã tổ chức lễ tưởng niệm nhân vật họ gọi là "anh hùng dân tộc Hàn Quốc" Ahn Jung-geun tại nơi diễn ra vụ tấn công năm 1909.
Yoshihide Suga, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản, ngay sau đó đã lên tiếng bày tỏ lấy làm tiếc với Bắc Kinh và Seoul về sự kiện trên.
"Chúng tôi coi Ahn Jung-geun như một tên khủng bố đã bị kết án tử hình vì giết chết Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản", Suga cho biết.
Tokyo cho rằng động thái này sẽ không có lợi cho hòa bình và ổn định ở Đông Á và là mối quan tâm lớn của Nhật Bản đối với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã gia tăng căng thẳng những tuần gần đây sau khi Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yasukuni, nơi phối thờ 14 tội phạm chiến tranh loại A và 2 nước láng giềng xem đây là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.
Bất chấp các giải thích của ông Abe, Bắc Kinh và Seoul đã nhiều lần yêu cầu Tokyo xem xét lại quan điểm lịch sử của mình và sửa chữa sai lầm.
Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc và Hàn Quốc đã hoan nghênh việc tổ chức tưởng niệm Ahn Jung-geun và cho rằng nó được tiến hành không phải nhằm mục đích để kích động tranh cãi ngoại giao, mà là để thúc đẩy hòa bình.
"Mọi người luôn tưởng nhớ tới Ahn Jung-geun trong thế kỷ qua," Phó Tỉnh trưởng Hắc Long Giang cho biết.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng hoan nghênh hoạt động này và nói rằng Ahn Jung-geun là "nhân vật được kính trọng rộng rãi ở Hàn Quốc và Trung Quốc", đồng thời mô tả vụ ám sát là một "hành động dũng cảm".
Ahn Jung-geun đã được tặng huân chương năm 1962 vì những nỗ lực đóng góp cho nền độc lập của Hàn Quốc. Ông được coi là biểu tượng của cuộc đấu tranh chống lại chế độ thực dân Nhật Bản. Ông cũng là chủ đề của nhiều bộ phim, sách, nhạc kịch. Có rất nhiều đài tưởng niệm và tượng của Ahn Jung-geun trên khắp Hàn Quốc.
Chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đã để lại những "di sản cay đắng" ở Trung Quốc và hai miền Triều Tiên, nơi Ahn Jung-geun vẫn được xem là một biểu tượng lớn.
Trong một bài bình luận hôm 19.1, Tân Hoa Xã viết rằng "việc tổ chức lễ tưởng niệm Ahn Jung-geun không phải là để gây xung đột, mà là để làm sáng tỏ lịch sử của vùng Đông Bắc Á".
Nguyễn Hường