Reuters hôm 21/4 đã đăng tải loạt ảnh của nhiếp ảnh gia Damir Sagolj cùng những câu chuyện cảm động về các nạn nhân chất độc màu da cam tại Việt Nam nhân dịp hàng chục triệu người dân trên dải đất hình chữ S đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước.
|
Hiệp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã tiếp xúc với thuốc diệt cỏ trong chiến tranh và hơn 3 triệu người nhiễm chất độc chết người này. |
Theo Reuters, mặc dù chiến tranh đã đi qua 40 năm, nhưng tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều người ở nhiều thế hệ phải gánh chịu những nỗi đau nghiêm trọng về thể chất và tinh thần như một bằng chứng về những tác động lâu dài của chất độc da cam.
Ung thư và di tật bẩm sinh đường hô hấp mà các cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ đang gánh chịu là hậu quả trực tiếp của hàng triệu lít chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã rải lên các khu vực của Việt Nam trong nỗ lực làm cây trụi lá nhằm làm cho bộ đội Việt Nam không còn nơi trú ẩn.
Mỗi bức ảnh của nhiếp ảnh gia Damir Sagolj là một câu chuyện đầy ám ảnh về sức tàn phá khủng khiếp của chiến tranh ngay cả khi nó đã đi xa 4 thập kỷ, một bài học về lịch sử dù đã cũ nhưng vẫn rất đáng nhớ và là một thông điệp nhắn gửi tới những ai yêu chuộng hòa bình hãy biết quý trọng và gìn giữ nó.
|
Sân bay quân sự cũ tại Đà Nẵng. |
Nếu ai đi máy bay cất cánh từ sân bay Đà Nẵng, hãy nhìn qua ô cửa sổ phía bên tay phải của mình, bạn sẽ thấy một khu nhà với những bức tường màu vàng nằm cách xa khu dân cư. Đó là một vết sẹo xấu xí của Chiến tranh Việt Nam.
Đó từng là nơi lưu trữ những thùng chất độc da cam của quân đội Mỹ. Cho đến giờ, 40 năm sau chiến tranh, nơi đây vẫn đang được xử lý ô nhiễm.
Những nạn nhân chất độc da cam có trên khắp đất nước trải dài 1.500km từ Bắc đến Nam. Reuters dẫn số liệu của Hiệp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã tiếp xúc với thuốc diệt cỏ trong chiến tranh và hơn 3 triệu người nhiễm chất độc chết người này.
|
Hai mươi năm sau chiến tranh, nhiều người Việt Nam vẫn còn biết rất ít về những tác hại kéo dài nhiều thế hệ của chất độc da cam. |
Mỹ ngừng rải chất độc da cam tại Việt Nam từ năm 1971. Nhưng hơn 20 năm sau đó, nhiều người dân Việt Nam ở một số làng và thành phố vẫn không biết gì nhiều về nó.
Phóng viên ảnh Reuters cho biết, khi tiếp xúc với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, ông càng muốn gần gũi họ hơn để có thể phản ánh được đầy đủ nhất những gì xảy ra với cơ thể của họ, để mọi người có thể thấy được rõ nhất những mối nguy hiểm của loại chất độc này.
|
Những di chứng khủng khiếp của chất độc da cam trên cơ thể con người. |
|
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những nỗi đau của nó còn kéo dài trên nhiều thế hệ |
|
Một em bé sinh ra không có mắt do ảnh hưởng của chất độc da cam trong một cô nhi viện tại Hà Nội. |
|
Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Phúc, 63 tuổi, ngồi trên giường với con trai của ông Nguyễn Đình Lộc, 20 tuổi. |
|
Ông Le Van Dan, một cựu chiến binh, mặc chiếc áo bộ đội đã cũ sờn nhìn hai người cháu trai của mình trong căn phòng cũ kĩ. Hai cháu của ông bị khuyết tật từ lúc sinh ra do ảnh hưởng của chất độc da cam mà ông đã nhiễm phải. |
|
Căn phòng lạnh lẽo và trống vắng bên trong một căn nhà nhỏ ở tỉnh Thái Bình này là nơi ở của Đoàn Thị Hồng Gấm, 38 tuổi. Gấm phát bệnh tâm thần nặng từ năm 16 tuổi do tác động của chất độc da cam được truyền từ cơ thể của người cha. Trong căn phòng bên cạnh, cha cô, một cựu chiến binh cũng đang nằm trên giường bệnh. |
|
Cựu chiến binh Do Duc Diu bên trong nghĩa trang trên một ngọn đồi nhỏ. Đây là nơi ông an táng 12 trong số 15 đứa con của mình đã mất ngay sau khi chào đời do di chứng của chất độc da cam. Bên cạnh khu mộ này còn có một số ngôi mộ khác được ông xây sẵn làm nơi an nghỉ cho những người con gái còn lại đang bị bệnh rất nặng của mình. Ông Do Duc Diu bị nhiễm chất độc da cam trong thời gian tham gia chiến đấu. Trong hơn hai mươi năm qua, ông và vợ đã cố gắng sinh hạ một người con khỏe mạnh, nhưng đều không thành. Ông phát hiện ra mình nhiễm chất độc da cam sau khi người con thứ 15 ra đi ngay sau khi chào đời. |
|
Lại Văn Mạnh, một nạn nhân chất độc da cam nằm trên giường. |
|
Một cặp vợ chồng trẻ ở Đà Nẵng bị nhiễm chất độc da cam do ăn uống thực phẩm được lấy từ khu vực bị nhiễm độc. Năm 2007, con gái đầu lòng của họ qua đời ở tuổi lên 7. Năm 2008, con trai của họ chào đời với những triệu chứng tương tự người chị quá cố. |
Nguyễn Hường