Ông Tập Cận Bình bổ sung nghĩa mới cho từ "đồng chí"

04/12/2015 08:53
Hồng Thủy
(GDVN) - Có vẻ như ông Tập Cận Bình đang suy nghĩ về việc phát triển một loại liên minh chiến lược ngoại giao mới trong khi vắng mặt của sự chia sẻ chung một ý thức hệ.

South China Morning Post ngày 3/12 bình luận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa "phát hiện" thêm một nghĩa mới cho từ "đồng chí" khi ông dùng nó để miêu tả mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nam Phi. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Daily Mail.
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Daily Mail.

Tờ báo Hồng Kông này nhận định rằng, thuật ngữ "đồng chí anh em" thường được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa các quốc gia đồng minh cùng hướng tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Nhưng ông Tập Cận Bình dường như đã sử dụng thuật ngữ này với một cách giải thích mới khi mô tả quan hệ giữa Bắc Kinh và Pretoria.

Trong buổi hội đàm với Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma hôm Thứ Tư, ông Tập Cận Bình nói rằng, Bắc Kinh xem quan hệ với Nam Phi là "đồng chí anh em". Các nhà phân tích đã đặt ra câu hỏi động lực nào khiến ông Tập Cận Bình sử dụng thuật ngữ này với Nam Phi.

Điều đó đi kèm với xu thế ông Bình tiếp tục ra mắt một phong cách mới về ngoại giao của lãnh đạo Trung Quốc. Các nhà phân tích nói rằng kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã rất sáng tạo trong việc đưa ra hoặc làm mới những khái niệm triết học, tư tưởng, kinh tế, ngoại gao cũng như các vấn đề quân sự.

David Tsui, một nhà khoa học chính trị nhận xét: Có vẻ như ông Tập Cận Bình đang suy nghĩ về việc phát triển một loại liên minh chiến lược ngoại giao mới khi vắng mặt của việc chia sẻ chung một ý thức hệ.

Li Xigen, Phó giáo sư từ Khoa Truyền thông Đại học Thành phố Hồng Kông cho rằng, ngay cả ở Trung Quốc đại lục ngày nay người ta cũng ít khi nhắc đến thuật ngữ "đồng chí" so với thời gian trước đây. Khi từ 'đồng chí' được các quan chức Trung Quốc sử dụng, nó mang tính biểu tượng nhiều hơn ngụ ý.

"Thuật ngữ này đã được ông Tập Cận Bình sử dụng khi nói chuyện với các quan chức các nước khác hệ chính trị. Vì vậy đó là một cách tiếp cận ngoại giao để tham gia vào các liên minh đồng minh mới", Li Xigen bình luận.

Còn theo David Tsui, bằng việc sử dụng thuật ngữ này, ông Tập Cận Bình muốn tỏ ra quan hệ gần gũi hơn với các đảng cầm quyền Nam Phi có quan hệ tốt với đảng Cộng sản Trung Quốc, chứ không giới hạn trong quan hệ giữa nhà nước với nhà nước.

Các học giả Trung Quốc thì vẫn cho rằng, việc ông Tập Cận Bình sử dụng thuật ngữ "đồng chí" với Nam Phi là để bày tỏ mong muốn của Bắc Kinh phát triển mối quan hệ chiến lược cấp cao nhất và gần gũi nhất với Nam Phi, không phản ánh bất kỳ thay đổi nào trong ý thức hệ chính thức.

Hồng Thủy