Vẫn có phụ huynh phớt lờ quy định giao xe máy cho con chưa đủ tuổi, chưa có bằng

24/11/2024 06:52
Diệp Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Không ít phụ huynh vẫn chưa nhận thức đầy đủ về những rủi ro của việc giao xe cho các em học sinh khi chưa đủ tuổi.

Các trường THPT đang tăng cường công tác kiểm tra và xử lý học sinh lái xe khi chưa đủ độ tuổi nhằm đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao ý thức cho học sinh.

gdvn-hs-lai-xe-may-5822.jpg
Học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm.

Nhà trường gặp khó khăn trong việc kiểm soát học sinh sử dụng phương tiện vào ngày nghỉ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hà Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cho hay: “Nguyên nhân chủ yếu khiến học sinh vi phạm quy định về độ tuổi khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy xuất phát từ phía gia đình.

Nếu gia đình không tạo điều kiện thì các em không thể sử dụng những phương tiện đi lại như xe mô tô, xe gắn máy. Chính vì vậy, trách nhiệm lớn nhất thuộc về phụ huynh trong việc quản lý và giám sát con cái, đặc biệt trong việc giao xe cho các em khi chưa đủ tuổi”.

Thầy Hà Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. (Ảnh: website nhà trường)
Thầy Hà Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Hải chia sẻ rằng: “Không ít phụ huynh vẫn chưa nhận thức đầy đủ về những rủi ro của việc giao xe cho các em học sinh khi chưa đủ tuổi. Gốc rễ của vấn đề này chính là sự thiếu quan tâm và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận phụ huynh chưa được tốt”.

Nói về nguyên nhân khiến học sinh vi phạm quy định về độ tuổi khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, thầy Hoàng Văn Phác, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phủ Thông, Bắc Kạn cho rằng: “Nguyên nhân chính là do các em đang trong độ tuổi phát triển, thường có tâm lý muốn thể hiện bản thân, muốn chứng tỏ sự trưởng thành. Đây là giai đoạn các em dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài, muốn thể hiện cá tính của bản thân.

Điều này dẫn đến việc các em học sinh bỏ qua các quy định về độ tuổi trong luật an toàn giao thông. Vì vậy, việc giáo dục và nâng cao nhận thức cho học sinh ngay từ trong trường học là cần thiết”.

Một trong những khó khăn lớn nhất của Trường Trung học phổ thông Phủ Thông trong việc kiểm soát và xử lý tình trạng học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi là sự khác biệt trong việc tuân thủ của học sinh khi ở trong trường và bên ngoài trường.

Thầy Hoàng Văn Phác, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phủ Thông, Bắc Kạn. (Ảnh: Website trường)
Thầy Hoàng Văn Phác, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phủ Thông, Bắc Kạn. (Ảnh: Website trường)

Thầy Hoàng Văn Phác nhận định: “Trong trường học, các em thường rất tuân thủ quy định, nhưng ở bên ngoài trường, đặc biệt là vào các ngày nghỉ học, tình trạng vi phạm vẫn xảy ra. Nhiều học sinh vẫn tiếp tục điều khiển xe mô tô, xe gắn máy dù chưa đủ tuổi. Điều này cũng khiến cho công tác phối hợp giữa nhà trường và lực lượng chức năng trở nên khó khăn hơn”.

Không riêng Trường Trung học phổ thông Phủ Thông, Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho cũng gặp phải khó khăn trong công tác kiểm soát và xử lý học sinh vi phạm. Thầy Hà Văn Hải cho hay: “Khó khăn lớn nhất mà nhà trường gặp phải chính là sự hợp tác từ phía gia đình. Mặc dù nhà trường và lực lượng chức năng đã tuyên truyền, thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhưng nếu không có sự phối hợp chặt chẽ từ phụ huynh, hiệu quả của những biện pháp này sẽ bị giảm sút”.

“Điều này là một trở ngại lớn trong công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm, vì gia đình chính là tế bào cơ bản của xã hội và có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức và hành động của học sinh”, thầy Hải nói thêm.

Là một phụ huynh có con là học sinh lớp 10, chị Nguyễn Thu Thảo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nhận thấy tình trạng học sinh điều khiển xe gắn máy khi chưa đủ tuổi khá phổ biến, nhất là ở các khu vực đô thị như Hà Nội. Nhiều học sinh sử dụng xe máy từ rất sớm, thậm chí là ở độ tuổi 14-15 tuổi. Tôi rất lo lắng về vấn đề này, việc điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi có thể gây ra nhiều nguy hiểm, nhất là nguy cơ tai nạn giao thông".

Khi được hỏi về phương tiện mà chị Thảo cho con gái sử dụng, chị cho biết: “Trong gia đình, tôi rất nghiêm khắc về vấn đề này. Tôi luôn giải thích cho con hiểu rằng, khi chưa đủ tuổi, việc sử dụng xe máy khi tham gia giao thông không chỉ vi phạm quy định mà còn rủi ro về an toàn khi tham gia giao thông của chính con. Tôi quyết định cho con đi xe bus để giảm thiểu rủi ro, vừa tiện lợi lại vừa an toàn hơn rất nhiều”.

z6057542492720_f725d31760ea6ba9ad640b66927fff87.jpg
Chị Thảo và con gái. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, chị Thảo chia sẻ thêm rằng, việc học sinh điều khiển xe khi chưa đủ tuổi là một vấn đề rất đáng lo ngại. Các em chưa đủ trưởng thành để xử lý các tình huống giao thông phức tạp, dễ mất kiểm soát khi gặp sự cố.

Cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh

Để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, các trường trung học phổ thông không chỉ cần chú trọng đến việc tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh mà còn cần những biện pháp xử lý vi phạm, đặc biệt là đối với hành vi vi phạm quy định về độ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho, tỉnh Nam Định thông tin rằng, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với Công an huyện Ý Yên trong việc triển khai các biện pháp kiểm tra và xử lý học sinh vi phạm. Cụ thể, trường đã tổ chức các buổi ngoại khóa để phổ biến kiến thức về an toàn giao thông và quy định về độ tuổi điều khiển xe gắn máy cho toàn bộ học sinh.

Bên cạnh đó, thầy Hải cũng cho hay, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại những tuyến đường xung quanh trường, nhắc nhở những học sinh vi phạm và giữ lại phương tiện, thông báo cho nhà trường, sau đó nhà trường sẽ mời phụ huynh đến trường làm việc.

Thầy Hà Văn Hải đưa ra đánh giá: “Những biện pháp trên đã đạt được kết quả khả quan, tuy nhiên cũng gặp phải một số phụ huynh không hợp tác, đặc biệt nhiều phụ huynh phản ánh họ cảm thấy bất tiện khi phải mua thêm một phương tiện mới cho con đi học. Dù vậy, vẫn còn nhiều phụ huynh đồng tình và ủng hộ các biện pháp này”.

Để siết chặt hơn việc quản lý học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho thông tin rằng, mỗi học sinh trong nhà trường phải ký cam kết không vi phạm các quy định về an toàn giao thông và độ tuổi lái xe, qua đó giúp nâng cao nhận thức của các em trong vấn đề này.

Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng việc tuyên truyền trực tiếp cho phụ huynh trong các buổi họp phụ huynh, từ đó, nâng cao sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc xử lý tình trạng học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi.

Trong khi đó, chia sẻ về công tác quản lý học sinh tham gia giao thông, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phủ Thông, Bắc Kạn cho biết: “Chúng tôi yêu cầu từng học sinh đăng ký phương tiện mà các em sử dụng hàng ngày để đến trường. Dựa trên thông tin này, nhà trường sẽ tiến hành kiểm tra và giám sát học sinh sử dụng phương tiện”.

Trường Trung học phổ thông Phủ Thông phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông công an tỉnh Bắc Kạn, Đội Cảnh sát giao thông công an huyện Bạch Thông tổ chức tuyên truyền cho các em học sinh khối 10 về trật tự an toàn giao thông. (Ảnh: website nhà trường)
Trường Trung học phổ thông Phủ Thông phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông công an tỉnh Bắc Kạn, Đội Cảnh sát giao thông công an huyện Bạch Thông tổ chức tuyên truyền cho các em học sinh khối 10 về trật tự an toàn giao thông. (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Hoàng Văn Phác thông tin, toàn bộ học sinh trong nhà trường phải ký cam kết không điều khiển các phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi, nhà trường cũng phối hợp với phụ huynh, tuyên truyền cho phụ huynh không giao xe cho các em. Các biện pháp này đã góp phần kiểm soát chặt chẽ việc học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi.

“Mỗi tuần, nhà trường đều dành thời gian trong buổi sinh hoạt dưới cờ để tuyên truyền về luật an toàn giao thông và phổ biến các quy định pháp luật về giao thông cho các em học sinh. Hơn thế, trong quá trình giảng dạy, các thầy cô cũng thường xuyên lồng ghép các bài học về luật giao thông, giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông”, thầy Phác chia sẻ thêm.

Bàn về hoạt động của các trường trong việc siết chặt quy định về an toàn giao thông đối với các em học sinh, chị Ngô Thị Kim Oanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội), phụ huynh có con là học sinh lớp 11 cho hay: “Tôi hoàn toàn đồng tình với việc siết chặt các quy định và xử lý nghiêm những trường hợp học sinh vi phạm. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chỉ có pháp luật thôi là chưa đủ. Cần phải tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong trường học và cộng đồng, giúp học sinh hiểu rõ hậu quả của việc lái xe khi chưa đủ tuổi”.

Chị Oanh thông tin thêm: “Con tôi đi xe đạp điện đến trường và tôi luôn yêu cầu con phải đội mũ bảo hiểm, kể cả khi đi gần nhà. Mỗi lần có bạn đến rủ đi chơi bằng xe máy, tôi đều khuyên con không nên đi theo, vì những tình huống bất ngờ trên đường có thể xảy ra. Tôi cũng cố gắng giải thích cho con hiểu rằng sức khỏe và sự an toàn của con là quan trọng nhất, không thể vì chút tự do, thể hiện mà đánh đổi”.

1732245622.png
Chị Ngô Thị Kim Oanh và con trai. (Ảnh:NVCC)

Theo chị Oanh, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi: “Vai trò của gia đình là rất quan trọng. Bố mẹ cần phải là những người trực tiếp giám sát và giáo dục con cái về luật lệ giao thông.

Ngoài việc giáo dục, tôi nghĩ gia đình cũng nên chủ động phương tiện phù hợp cho con di chuyển. Ví dụ như cho con đi xe đạp điện thay vì xe máy, và khuyến khích con sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi cần thiết. Việc không cho con tham gia vào các hoạt động nguy hiểm sẽ giúp giảm thiểu rất nhiều rủi ro”.

Diệp Anh