Phát hiện bản sao Trái Đất, có thể có sự sống

19/04/2014 15:14
Nhật Minh
(GDVN) - Hành tinh Kepler-186f cũng có một Hệ Mặt trời của mình tương tự như Trái Đất và nằm cách Mặt trời của nó ở một khoảng cách không quá nóng và không quá lạnh.
Các nhà thiên văn học mới đây đã phát hiện ra một hành tinh mang tên Kepler-186f có tồn tại nước ở dạng lỏng với kích thước tương tự Trái đất và đang rất kỳ vọng nó có khả năng có sự sống.

Trong Hệ Mặt trời của chúng ta, Trái đất là hành tinh duy nhất có sự sống – nó cách xa mặt trời ở khoảng cách vừa phải, nơi nước ở dạng lỏng có thể tồn tại trên bề mặt mà không bị đun sôi (như trên sao Kim), hoặc chuyển thành băng (như trên sao Hỏa). 

Kepler-186f
Kepler-186f
Hành tinh Kepler-186f cũng có một Hệ Mặt trời của mình tương tự như Trái Đất và nằm cách Mặt trời của nó ở một khoảng cách không quá nóng và không quá lạnh.  

Kepler-186f có kích thước bằng 1,1 lần kích thước Trái đất và cách hành tinh chúng ta 500 năm ánh sáng, nằm trong chòm sao Cygnus. Một năm ở Kepler-186f tương đương với khoảng 130 ngày. Nhưng khối lượng và thành phần bề mặt của Kepler- 186f  vẫn chưa được xác định.

Hành tinh này được phát hiện nhờ kính viễn vọng không gian Kepler được thiết kế cho phép theo dõi đồng thời khoảng 150.000 ngôi sao trong vòng 30 phút.
Hành tinh Kepler-186f được phát hiện bởi một nhóm các nhà khoa học do Elisa Quintana của Viện Nghiên cứu sự sống ngoài trái đất (SETI) tại trung tâm nghiên cứu Ames của NASA. 
Ông Thomas Barclay, một nhà khoa học của SETI, là đồng tác giả của những nghiên cứu về hành tinh này nói rằng, Kepler-186f có thể được coi như là "anh em họ" của Trái đất. Nó có nhiều đặc tính tương tự như Trái đất. 
Cho đến nay, hàng trăm hành tinh đã được phát hiện nhưng hầu hết chúng đều có kích thước quá lớn hoặc quá gần mặt trời để có thể hội tụ đủ điều kiện cho sự sống.
Nhật Minh