Philex lấy Trường Sa ra mặc cả mời TQ khai thác trái phép bãi Cỏ Rong

11/03/2014 14:09
Hồng Thủy
(GDVN) - Philex Petroleum đưa ra đề xuất thảo luận (hợp tác thăm dò khai thác ở) quần đảo Trường Sa với các quan chức CNOOC
Manuel Pangilinan, Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn Philex Petroleum vừa làm việc, chào mời công ty CNOOC, Trung Quốc.
Manuel Pangilinan, Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn Philex Petroleum vừa làm việc, chào mời công ty CNOOC, Trung Quốc.
ABS CBN News ngày 10/3 đưa tin, ông trùm dầu khí Philippines Maunel Pangilinan đang đưa ra cái gọi là "quyền truy cập" đối với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) để mời gọi công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tham gia hợp tác, khai thác (trái phép) dầu khí ở bãi Cỏ Rong, mặc dù ông không có thẩm quyền pháp lý để làm điều này.

Pangilinan là Chủ tịch và CEO của tập đoàn Philex Petroleum đưa ra đề xuất thảo luận (hợp tác thăm dò khai thác ở) quần đảo Trường Sa với các quan chức CNOOC, trong khi hợp đồng giữa Philex Petroleum và chính phủ Philippines chỉ giới hạn trong phạm vi bãi Cỏ Rong, nơi Manila yêu sách chủ quyền với tên gọi Reed Bank.

Trong một biên bản ghi nhớ gửi Tổng thống Aquino tháng 5/2012, Pangilinan báo cáo về cuộc gặp các quan chức CNOOC, phía Trung Quốc liệt kê 11 điểm mà họ "đón nhận tích cực" liên quan đến khu vực SC 72.
Đây là tên viết tắt của Hợp đồng dịch vụ 72 ký năm 2010 trong đó chính phủ Philippines "cho" Forum Energy, một công ty liên doanh giữa Anh và Philippines quyền thăm dò khai thác bãi Cỏ Rong. Philex sở hữu 64,45% cổ phần Forum Energy.

Quan điểm của Philippines cho rằng bãi Cỏ Rong mà họ gọi là Reed Bank không nằm trong quần đảo Trường Sa trong khi Trung Quốc yêu sách chủ quyền với khu vực này vì nó nằm trong...đường lưỡi bò.

SC 72 là một hợp đồng thăm dò 7 năm và có thể được mở rộng thêm 3 năm, giai đoạn sản xuất 25 có thể được kéo dài thêm 15 năm. "Khu vực tranh chấp khác (quần đảo Trường Sa) có thể được bao gồm trong thỏa thuận", Pangilinan cho biết khi đề cập đến SC 72.
Dàn khoan của công ty CNOOC.
Dàn khoan của công ty CNOOC.
Hiệp định khung giữa Philex với CNOOC bao gồm các thỏa thuận độc quyền thương mại và kỹ thuật mà không bên nào đưa ra quan điểm về chủ quyền, thống nhất "chủ quyền" sẽ là vấn đề do các chính phủ quyết định.

Hiện nay cả Philippines và Trung Quốc đều chưa phê chuẩn hiệp định khung hợp tác giữa 2 công ty này, cũng chưa có sự đồng ý của chính phủ Philippines cho CNOOC tham gia vào SC 72 hay bất cứ thỏa thuận nào về khu vực tranh chấp khác, tức quần đảo Trường Sa.

Các chuyên gia pháp lý cảnh báo rằng vụ Pangilinan mời CNOOC tham gia dự án SC 72 hay "truy cập" quần đảo Trường Sa sẽ vi phạm hiến pháp Philippines, bởi việc thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải đặt dưới sự kiểm soát, giám sát của nhà nước.

Pangilinan cho biết thêm, Philex và CNOOC sẽ thống nhất vai trò của mình, trong đó CNOOC có thể tham gia chương tình thăm dò như 1 nhà tư vấn kỹ thuật, và/hoặc cố vấn, và/hoặc nhà đầu tư, đồng thời 2 bên sẽ có điều khoản thể hiện quan điểm của chính phủ 2 nước về chủ quyền khu vực tranh chấp.

Hồng Thủy