Quần ngư tranh thực, đất nước về đâu?

19/11/2017 07:00
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Tình hình chính trị ở Zimbabwe hiện nay đang trở nên rất phức tạp, khi những biểu hiện về một cuộc tranh giành quyền lực đang ngày càng rõ ràng hơn.

Đất nước Zimbabwe đang trải qua những ngày bất ổn về chính trị, kể từ khi quân đội nước này tiến hành một cuộc “phong tỏa” quân sự ở thủ đô Harare và quản thúc vị Tổng thống đương nhiệm Robert Mugabe tại dinh thự.

Nỗi khổ gia tăng gây ra bạo động

Nguyên nhân dẫn đến động thái quân sự này được đưa ra trên nhiều khía cạnh, trong đó, phải kể đến là tình trạng bạo lực và đói nghèo của đất nước này đã kéo dài hàng thập kỷ qua mà không được khắc phục.

Trước đây, Zimbabwe đã từng là một quốc gia giàu có và được coi là giỏ “bánh mứt” của châu Phi, thế nhưng chỉ vì một chính sách cực đoan của chính phủ nước này do Tổng thống Mugabe dẫn dắt đã khiến đất nước Zimbabwe dần rơi vào bi kịch.

Cơ sự này bắt đầu từ những năm 1990, khi quyền lực chính trị của ông Mugabe bắt đầu suy giảm, ông đã chuyển sang thực hiện chính sách lãnh đạo hà khắc bằng bạo lực để trấn áp những nguy cơ chính trị đang nổi lên và buông lỏng tệ nạn tham nhũng, hối lộ để tăng cường vây cánh nhằm củng cố quyền lực.

Theo đó, ông Mugabe đã tiến hành hàng loạt chiến dịch đàn áp nhằm vào các lực lượng phe đối lập để dập tắt sự phản đối chính trị, khiến cho hàng ngàn người phải thiệt mạng.

Xe bọc theo của quân đội Zimbabwe trên đường Harare (Ảnh CNN).
Xe bọc theo của quân đội Zimbabwe trên đường Harare (Ảnh CNN).

Tiếp đến, vào năm 2000, ông Mugabe còn mắc sai lầm khi muốn chấm dứt quyền sở hữu trang trại của các chủ đất người da trắng để phân phối lại, nên đã tiến hành một chiến dịch cưỡng chế thu hồi đất, khiến hơn 4000 nông dân da trắng buộc phải từ bỏ các trang trại của họ.

Từ đây đã tạo ra bước ngoặt tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế của Zimbabwe, khi sản lượng nông nghiệp ngay lập tức sụt giảm, lạm phát gia tăng, kết hợp với một đợt hạn hán kéo dài đã dẫn đến nạn đói tồi tệ nhất của đất nước này trong vòng 60 năm.

Khi tình trạng thiếu lương thực kéo dài, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe buộc phải đẩy mạnh in tiền để nhập khẩu hàng hóa, khiến cho lạm phát tăng vọt.

Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng là vào năm 2008, khi giá cả các mặt hàng cứ theo lũy tiến tăng gấp đôi sau 24 giờ, siêu lạm phát lên tới 500 tỷ %, khiến đồng đô la Zimbabwe gần như vô giá trị và các dịch vụ công sụp đổ. [1]

Tình trạng này làm cho người dân Zimbabwe thực sự sống trong đau khổ và bất hạnh, khiến hàng ngàn người phải từ bỏ nhà cửa để sang tị nạn tại Nam Phi và nhiều quốc gia châu Phi khác.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Zimbabwe hiện nay như một hệ quả tất yếu của những giá trị đạo đức và xã hội đã bị xói mòn đến cùng cực, mà đòi hỏi cần phải có một sự thay đổi để cứu vãn cuộc sống cơ cực của những người dân vô tội.

Cuộc chuyển tiếp quyền lực không yên lặng

Sau chính biến quân sự nổ ra, vào ngày 17/11 các phương tiện truyền thông thế giới đều đồng loạt đưa tin về một cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mugabe và Tư lệnh quân đội Zimbabwe tướng Constantino Chiwenga, khi quân đội nước này đòi ông Mugabe phải từ chức sau 37 năm cầm quyền.

Cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mugabe và Tư lệnh quân đội Chiwenga (Ảnh: CNN).
Cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mugabe và Tư lệnh quân đội Chiwenga (Ảnh: CNN).

Phía quân đội Zimbabwe muốn ông Mugabe rời bỏ quyền lực của mình nhằm chứng minh cho thế giới biết rằng quân đội nước này không tiến hành một cuộc đảo chính, đồng thời tiến tới thành lập một chính phủ lâm thời cho đến khi tiến hành một cuộc bầu cử vào năm tới.

Tuy nhiên, ông Mugabe đã kiên quyết không từ chức và sau đó còn xuất hiện tại buổi lễ tốt nghiệp của một trường đại học ở thủ đô Harare.

Động thái này của ông Mugabe đã khiến kế hoạch của quân đội về việc tiến hành một cuộc chuyển tiếp quyền lực bị ngưng trệ.​

Trong khi đó, đảng đối lập Thay đổi vì Dân chủ (MDC-T) cũng đã nhanh chóng tìm cách nắm bắt cơ hội mà cuộc khủng hoảng chính trị này mang lại.

Lãnh đạo đảng MDC-T, ông Morgan Tsvangirai - đối thủ lâu năm của ông Mugabe, người được cho là đang điều trị ung thư ở nước ngoài, đã trở lại Harare sau cuộc chính biến quân sự xảy ra hôm 14/11.

Ngay sau khi trở về Harare, ông Tsvangirai đã kêu gọi Tổng thống Mugabe từ chức, và gọi hành động tiếp quản quân sự của quân đội nước này là “không hợp hiến”;

Đồng thời, ông Tsvangirai đã đặt câu hỏi về một chính phủ chuyển tiếp như ý định của quân đội có phải là cách tiếp cận đúng đắn hay không? Và kêu gọi về một cuộc bầu cử trước thời hạn để thành lập một chính phủ mới.

“Vì lợi ích của người dân, ông Mugabe phải từ chức ngay lập tức. Nhưng bạn không thể ép buộc chính phủ thay đổi bằng mọi cách khác ngoài việc bầu cử dân chủ thông qua những lá phiếu của cử tri”, ông Tsvangirai tuyên bố trong một cuộc họp báo. [2]

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe phát biểu trong một buổi lễ (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe phát biểu trong một buổi lễ (Ảnh: Reuters).

Ông Tsvangirai từng là Thủ tướng Zimbabwe theo một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa đảng MDC-T của ông và đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia và Mặt trận Yêu nước (ZANU-PF) của ông Mugabe hồi năm 2008, sau một cuộc bầu cử gây tranh cãi.

Tuy nhiên, đến năm 2013, Tổng thống Mugabe đã giành lại toàn bộ quyền lực giữa những cáo buộc về gian lận bầu cử, khiến ông Tsvangirai phải ra nước ngoài lưu vong.

Ngoài ra, còn một nhân vật nữa được coi là chìa khóa cho bất kỳ sự chuyển tiếp quyền lực nào, đó chính là cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa - người đã bị ông Mugabe phế truất hôm 6/11 và được cho là đã chạy sang Trung Quốc ngay sau đó, đến nay cũng đã trở về Harare.

Ông Mnangagwa là người cực kỳ có uy tín, được quân đội ủng hộ mạnh mẽ và được dự đoán rộng rãi là ông sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của đất nước Zimbabwe.

Việc ông Mugabe bất ngờ sa thải vị Phó tổng thống Mnangagwa được cho là nhằm dọn đường cho vợ mình, bà Grace Mugabe làm Tổng thống trong trường hợp ông Mugabe nghỉ hưu hoặc từ trần, đã như một giọt nước tràn ly trong những bức xúc xã hội đã lên tới đỉnh điểm, khiến quân đội nước này buộc phải hành động.

Ngay sau khi trở về nước, ông Mnangagwa đã kêu gọi về một cuộc “chuyển giao quyền lực không đổ máu”.

Trong khi đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy, ông Mnangagwa đang nắm lợi thế, và quyền lực chính trị đang có sự chuyển hướng, bất chấp việc ông Mugabe tuyên bố không từ bỏ quyền lực của mình.

Hiện Hiệp hội Cựu chiến binh, do đảng ZANU-PF của Mugabe tài trợ, đang tiến hành một cuộc vận động lớn đối với người dân Zimbabwe để ủng hộ cho việc ông Mnangagwa lên tiếp quản quyền lực trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống cho đến khi tiến hành một cuộc bầu cử vào năm sau. [2]

Có thể nhận thấy, tình hình chính trị ở Zimbabwe hiện nay đang trở nên rất phức tạp, khi những biểu hiện về một cuộc tranh giành quyền lực đang ngày càng rõ ràng hơn.

Các siêu cường có chống lưng cho cuộc tranh giành quyền lực?

Zimbabwe là quốc gia đầy tiềm năng cho các ngành khai thác mỏ và chế biến nông sản, bởi nơi đây có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú như: crom, kim cương, vàng, amiăng, niken, đồng, sắt, vavani, litium, than đá…, và thuốc lá, bông, mía đường là những mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Zimbabwe. [3]

Với tiềm năng kinh tế này, Zimbabwe đã trở thành mảnh đất màu mỡ và đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đây, các nước phương Tây đã muốn dành ưu tiên cho việc tăng cường đầu tư vào Zimbabwe, tuy nhiên, ông Mugabe đã kiên quyết cự tuyệt và đe dọa sẽ tịch thu tất cả các khoản đầu tư của phương Tây vào nước này, khiến cho các nhà đầu tư phải từ bỏ ý định của mình.

Điều này đã biến ông Mugabe trở thành cái gai trong con mắt các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, do đó, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Zimbabwe.

Mặc dù cự tuyệt với các khoản đầu tư của phương Tây, nhưng ông Mugabe lại tỏ ra nhiệt thành với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.

Theo đó, Zimbabwe đã đồng ý cho Trung Quốc tài trợ xây dựng các bệnh viện, trường học, các cơ sở quân sự, nhà máy điện hạt nhân, trung tâm siêu máy tính, tòa nhà quốc hội và trợ giúp y tế, với các khoản đầu tư lên tới hàng tỷ USD.

Đổi lại, Zimbabwe sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khai thác mỏ.

Tuy nhiên, với chính sách quản lý đất nước độc đoán, hà khắc, buông lỏng cho tệ tham nhũng và đối ngoại thiên lệch, giờ đây đã trở thành những vấn đề gai góc cho chính chiếc ghế Tổng thống của ông Mugabe, đồng thời trở thành vấn đề phức tạp trong chính trường Zimbabwe.

Quần ngư tranh thực, đất nước về đâu? ảnh 4

Tham quyền cố vị, tất chuốc họa diệt vong

Sau cuộc chính biến quân sự, Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ về một “kỷ nguyên mới” cho Zimbabwe, khi Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Phi Donald Yamamoto hôm 17/11 đã tuyên bố về một sự ủng hộ của nước này đối với việc chấm dứt quyền lực của ông Mugabe.

“Đó là một bước chuyển tiếp sang một kỷ nguyên mới cho Zimbabwe, đó thực sự là điều chúng tôi hy vọng”, ông Yamamoto nói.

Ông Yamamoto còn lưu ý thêm, Hoa Kỳ sẽ thảo luận về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Zimbabwe nếu nước này bắt đầu thực hiện cải cách chính trị và kinh tế.

“Quan điểm của chúng tôi luôn luôn là nếu họ tham gia vào các cuộc cải cách hiến pháp, cải cách kinh tế, chính trị và tiến lên bảo vệ không gian chính trị và nhân quyền, thì chúng tôi có thể bắt đầu cuộc đối thoại để dỡ bỏ lệnh trừng phạt”, ông Yamamoto nhấn mạnh. [4]

Việc Hoa Kỳ ủng hộ cho “một kỷ nguyên mới” ở Zimbabwe hoàn toàn có thể hiểu được sự ủng hộ này sẽ hướng vào nhân vật chính trị nào.

Đó chắc hẳn sẽ là cựu Thủ tướng Zimbabwe Morgan Tsvangirai - người đã trở về nước và đang kêu gọi cho một cuộc bầu cử ổng thống trước thời hạn.

Trong khi đó, nhiều nguồn tin lại ghi nhận rằng, vị Phó Tổng thống Mnangagwa sau khi bị phế truất đã chạy sang Trung Quốc, và trước khi nổ ra cuộc chính biến quân sự hôm 14/11 một tuần thì Tư lệnh quân đội Zimbabwe Chiwenga cũng đã sang thăm Trung Quốc.

Mặc dù, ông Mugabe đã từng tỏ ra thân thiện và hưởng ứng với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Zimbabwe, nhưng chính sách buông lỏng cho tệ tham nhũng, hối lộ hoành hành có thể đã khiến ông Mugabe “mất điểm” trong con mắt Trung Quốc.

Bởi chính tệ tham nhũng, hối lộ lộng hành này sẽ làm cho các khoản đầu tư kếch xù của Trung Quốc vào Zimbabwe bị thất thoát nghiêm trọng, đồng thời cũng gây ra những khó khăn cho các nhà đầu tư Trung Quốc khi phải thực hiện chính sách “bôi trơn” cho các quan chức nước này.

Ngoài ra, Trung Quốc hiện đang thực hiện dự án xây dựng căn cứ hậu cần quân sự ở Djibouti - cũng là một quốc gia châu Phi, nên phải chăng việc có một chính quyền thân Bắc Kinh hơn ở Zimbabwe sẽ hỗ trợ cho việc thực thi chiến lược của Trung Quốc ở khu vực này?

Do đó, một ý tưởng về sự thay đổi quyền lực ở Zimbabwe theo hướng thuận lợi hơn cho Trung Quốc trong việc thực thi các chính sách kinh tế, hậu cần quân sự ở khu vực này là điều hoàn toàn có thể hiểu được.

Và như vậy, một dự báo về sự mất ổn định chính trị kéo dài ở Zimbabwe, thậm chí có thể dẫn tới xung đột vũ trang giữa các phe phái là hoàn toàn có cơ sở.

Nếu vậy, thì người dân Zimbabwe sẽ lại phải tiếp tục sống trong đau khổ và bất hạnh do những vấn đề về chính trị gây ra, dưới bàn tay “nhào nặn” của các cường quốc.

Tài liệu tham khảo:

[1] CNN/ How Robert Mugabe killed one of Africa's richest economies.

[2] CNN/ Zimbabwe's Mugabe emerges from house arrest in political uncertainty.

[3] www.mofahcm.gov.vn/ Tài liệu cơ bản về Zimbabwe và quan hệ với Việt Nam.

[4] Reuters/ US wants 'new era' in Zimbabwe: official.

PHẠM DOÃN TÌNH