Tập Cận Bình điều chỉnh chiến lược sau thất bại của chuyến thăm Hoa Kỳ

13/11/2015 06:41
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh sẵn sàng "làm mềm lập trường" của Trung Quốc trong vấn đề Senkaku, đồng thời cảnh báo chống lại Nhật Bản can thiệp vào Biển Đông.

Nikkei Asia Review ngày 12/11 bình luận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã khởi động một chiến dịch hàn gắn quan hệ với các nước láng giềng đã trở nên căng thẳng sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ trong tháng 9 mà không đạt được kết quả nào có ý nghĩa. Bắc Kinh đã bị cô lập vì những hành vi leo thang gây hấn của mình trên Biển Đông.

Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: SCMP.
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: SCMP.

Bắc thân Triều Tiên, Đông hòa Nhật Bản 

Tập Cận Bình mới đây đã gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu, đồng thời phái đặc sứ đến gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un để cải thiện mối quan hệ trong khu vực, phá thế bị cô lập vì Biển Đông.

Trong một bài viết rất đáng ngạc nhiên đăng trên website Bộ Quốc phòng Trung Quốc gần đây, Lưu Á Châu, Thượng tướng - Chính ủy Học viện Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh phải làm hết sức mình để tránh xung đột với Nhật Bản.

Ông Châu cảnh báo, việc sa đà vào một cuộc đụng độ với Nhật Bản có thể gây ra mất ổn định đối với chế độ cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc. "Hải quân Nhật Bản tuyên bố rằng, một khi chiến tranh nổ ra, họ có thể hủy diệt Hạm đội Đông Hải rõ ràng chỉ trong 4 giờ. Đây không phải là một trò đùa", Lưu Á Châu viết.

Nếu Trung Quốc bắt đầu một cuộc chiến tranh mà không thể giành chiến thắng, các vấn đề quốc tế sẽ trở thành vấn đề trong nước. Lưu Á Châu khá nổi tiếng với quan điểm diều hâu chống Nhật đến cùng, nhưng xu hướng đối đầu với Nhật Bản rõ ràng vắng bóng trong bài viết này. Ông khẳng định rằng, tranh chấp lãnh thổ ở Senkaku/Điếu Ngư không phải vấn đề lớn trong quan hệ song phương.

Tướng Lưu Á Châu còn nói rằng, quan hệ Trung - Nhật không kém phần quan trọng hơn quan hệ Trung - Mỹ. Đây là lần đầu tiên một viên Thượng tướng Trung Quốc chỉ mới 2 năm trước còn tham gia sản xuất một vídeo tài liệu về âm mưu của Mỹ lật đổ đảng Cộng sản Trung Quốc công khai hạ giọng với Mỹ, Nhật.

Một chuyên gia Trung Quốc về các vấn đề ngoại giao đã tỏ ra cay đắng vì quân đội nước này đã bóp chết cơ hội để thực hiện dự án hợp tác khai thác dầu khí trên vùng biển chồng lấn giữa hai nước ở Hoa Đông năm 2008 mà Lưu Á Châu từng là người phản đối gay gắt nhất.

Chưa sẵn sàng đối đầu với cơn thịnh nộ của Hoa Kỳ

Xu hướng xem lại chiến lược đang trở nên rõ ràng hơn, đó là lý do tại sao Lưu Á Châu đột ngột thay đổi quan điểm, theo đuổi một phương pháp tiếp cận hòa giải hơn với Nhật Bản. Ông Châu là con rể của cố Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm, vợ ông hiện đang là Chủ tịch Hội liên hiệp hữu nghị Trung Quốc với các nước và có quan hệ thân thiết với Tập Cận Bình, cùng xuất thân từ tầng lớp hạt giống đỏ.

Tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Học viện Quốc phòng Trung Quốc.
Tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Học viện Quốc phòng Trung Quốc.

Theo một chuyên gia về an ninh quốc gia Trung Quốc, bài viết của Lưu Á Châu là nỗ lực ngầm của Tập Cận Bình để thuyết phục quân đội Trng Quốc rằng, chưa phải lúc để đối đầu quân sự với Hoa Kỳ ở Biển Đông. Một cuộc xung đột nổ ra lúc này Trung Quốc sẽ không có cơ hội giành chiến thắng, thậm chí lại làm suy yếu sự kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc với các vấn đề trong nước.

"Tập Cận Bình tung ra một đòn thăm dò dưới hình thức bài viết của một nhà bình luận để đánh giá khả năng làm lành trong mối quan hệ với Nhật Bản. Nhưng trọng tâm thực sự của Tập Cận Bình là quan hệ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ", chuyên gia này nói với Nikkei Asian Review.

Ông Bình đã chịu nhiều áp lực sau chuyến thăm Mỹ cuối tháng 9. Ông đã đối đầu với Tổng thống Barack Obama trong vấn đề bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa (bất hợp pháp) đảo nhân tạo ở Biển Đông. Thất bại thậm chí đến mức hai nước không thể ra tuyên bố chung, việc Hoa Kỳ bắt đầu thách thức các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là không thể tránh khỏi.

Điều chỉnh chiến lược, vỗ về các nước trong khu vực

Để kiềm chế phản ứng của quân đội Trung Quốc với các hoạt động của Mỹ cũng như làm giảm tâm lý chống Trung Quốc trong khu vực, Tập Cận Bình đã tranh thủ sự giúp đỡ của 3 sứ giả vào đầu tháng 10, trong khoang thời gian bài bình luận của Lưu Á Châu xuất hiện.

Đầu tiên, ông phái Lưu Vân Sơn, một trong 7 thành viên Thường vụ Bộ chính trị sang Triều Tiên gặp Kim Jong-un ngày 9/10 và trao tận tay ông Jong-un lá thư tay của Tập Cận Bình. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc sang Bình Nhưỡng trong 5 năm qua, ám chỉ Tập Cận Bình muốn cải thiện quan hệ với Kim Jong-un, mở ra khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ thăm Trung Quốc.

Người thứ 2 là Dương Khiết Trì, một Ủy viên Quốc vụ được phái sang Nhật Bản trong chuyến công du được thu xếp quá vội vàng. Đây là chuyến thăm đầu tiên đến Tokyo của một quan chức hàng đầu Trung Quốc về chính sách đối ngoại dưới sự quản lý của Tập Cận Bình. Ông đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 14/10, Dương Khiết Trì tỏ rõ Bắc Kinh sẵn sàng "làm mềm lập trường" của Trung Quốc trong vấn đề Senkaku, đồng thời cảnh báo chống lại Nhật Bản can thiệp vào Biển Đông.

Cách tiếp cận của Dương Khiết Trì rất phù hợp với nội dung bài viết của Lưu Á Châu. Đại diện đặc biệt thứ 3 của Tập Cận Bình là Trương Chí Quân - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Đài Loan đã hội đàm với người đồng cấp Đài Loan ở Quảng Châu ngày 14/10 để thu xếp cho cuộc họp thượng đỉnh với Mã Anh Cửu tại Singapore ngày 7/11.

Chuyên gia cho biết, Tập Cận Bình tự mình quyết định hoàn toàn về quan hệ với Đài Loan. Bằng cách gặp Mã Anh Cửu, Tập Cận Bình đã bắn phát súng cảnh cáo vào phe đối lập Đài Loan ủng hộ độc lập, đảng Dân chủ tiến bộ, cũng như tránh bị cô lập hoàn toàn trong vấn đề Biển Đông", chuyên gia nói.

Kể từ khi tàu USS Lassen Hoa Kỳ tuần tra trong 12 hải lý quanh bãi cạn Xu Bi ngày 27/10, quân đội Trung Quốc đã tự kiềm chế không có bất cứ hành động liều lĩnh nào. Điều này cho thấy các lập luận trong bài viết của Lưu Á Châu đã được giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc chấp nhận.

Tuy nhiên Tập Cận Bình không dừng lại ở đây mà tiếp tục nỗ lực trong các hoạt động đối ngoại để đảm bảo rằng không phải Trung Quốc đang bị cô lập. Ông dùng sức mạnh kinh tế để đổi lấy ảnh hưởng ở khắp châu Âu với chuyến thăm vương quốc Anh và mời lãnh đạo Pháp, Đức thăm Trung Quốc.

Trong khi tình bạn thực sự khó kiếm hơn ở châu Á, tuần trước ông Tập Cận Bình đã đến thăm Việt Nam, quốc gia láng giềng từng đụng độ quân sự (Trung Quốc gây hấn) những năm 1970, 1980, gần nhất là khủng hoảng giàn khoan 981 tháng  5 năm ngoái.

Chuyến thăm cũng có thể được thiết kế để làm mịn hơn mối quan hệ có nhiều thăng trầm mà Hoa Kỳ có thể khai thác, Nikkei Asian Review bình luận.

Cách tiếp cận mới của Tập Cận Bình với Nhật Bản cung cấp cho Tokyo một cơ hội để đinh hướng quan hệ Trung - Nhật theo ý mình muốn. Tuy nhiên Nhật Bản phải ghi nhớ rằng, Trung Quốc rất giỏi trong các trò chơi địa chính trị.

Do đó Nikkei Aisian Review khuyến nghị, Thủ tướng Shinzo Abe và nội các của ông phải đánh giá chính xác các tình huống có thể "thay đổi như chất lỏng" trong quan hệ Trung Quốc - Đài Loan, Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên và khu vực Đông Nam Á.

Hồng Thủy