Thay đổi đáng chú ý về Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc

07/12/2016 10:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Đến nay chưa có thông tin nào về người kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình, người đến tuổi về hưu khi bước vào Đại hội 20 năm 2022.

South China Morning Post ngày 10/11/2016 cho biết, chỉ vài giờ trước chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Bắc Kinh công bố hướng dẫn triển khai đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc các cấp tiến tới Đại hội 19 vào cuối năm 2017, chuẩn bị cho một sự thay đổi quan trọng bộ máy lãnh đạo 5 năm một lần.

Tổng cộng sẽ có 2300 đại biểu được bầu đi dự đại hội đảng toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 từ 40 đơn vị bầu cử, trong đó có 31 đảng bộ tỉnh thành trực thuộc trung ương. 

Ban chấp hành Trung ương khóa 19 sẽ có khoảng trên 350 ủy viên chính thức và dự khuyết, họ sẽ bầu ra Bộ chính trị và Thường vụ Bộ chính trị. 

Ông Tập Cận Bình và 6 thành viên còn lại của Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 ra mắt sau khi được bầu tại Đại hội 18 cuối năm 2012. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Ông Tập Cận Bình và 6 thành viên còn lại của Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 ra mắt sau khi được bầu tại Đại hội 18 cuối năm 2012. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Trong số các tiêu chí lựa chọn lãnh đạo mới, trung thành chính trị là cốt lõi, theo Tân Hoa Xã:

 "Họ phải kiên quyết thực hiện các chính sách của đảng, giữ gìn sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động với Ban chấp hành Trung ương mà đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân lãnh đạo." [1]

Những điểm mới trong Đại hội 19

Đa Chiều ngày 28/11 cho biết, sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 6 khóa 18 cuối tháng 10 vừa qua, Trung Quốc bắt đầu triển khai đại hội đảng các cấp. 

Trước khi kết thúc năm 2016, sẽ có hơn 1 nửa đảng bộ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xong đại hội. Nửa còn lại sẽ tiến hành đại hội vào đầu năm 2017.

Điều đáng chú ý là, đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ 19 sẽ không được bầu tại đại hội cấp tỉnh thành, đồng thời với Ban chấp hành khóa mới như các khóa trước.

Điều này có nghĩa, gần tới thời điểm Đại hội 19, đảng bộ các tỉnh thành trực thuộc trung ương sẽ tổ chức riêng một hội nghị Ban chấp hành để bầu ra đoàn đại biểu dự Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 19. [2]

Thứ hai, theo thông lệ từ những năm 1990, trong nhiệm kỳ thứ 2 của các nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, nhân sự kế nhiệm họ đều công khai xuất hiện với 5 năm trong Thường vụ Bộ chính trị.

Ông Hồ Cẩm Đào có 5 năm làm phó cho ông Giang Trạch Dân, ông Tập Cận Bình có 5 năm làm phó cho ông Hồ Cẩm Đào. Vị trí kế nhiệm của họ cho dù không được chính thức hóa bằng văn bản, nhưng được dư luận Trung Quốc và quốc tế mặc nhiên thừa nhận.

Tuy nhiên đến nay chưa có thông tin nào về người kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình, người đến tuổi về hưu khi bước vào Đại hội 20 năm 2022.

Điều này dẫn đến những đồn đoán trong dư luận về khả năng ông Tập Cận Bình và một số quan chức khác trong Thường vụ Bộ chính trị sẽ vẫn tại vị sau năm 2022. [1]

Tại sao bầu cử tại Trung Quốc không gây chú ý như bầu cử Tổng thống Mỹ?

Là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ, có tham vọng trở thành siêu cường số 1 thay thế Mỹ, trước mắt là đòi "chia đôi Thái Bình Dương", những thay đổi chính trị tại Trung Quốc chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến cục diện địa chính trị khu vực và quốc tế.

Thay đổi đáng chú ý về Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc  ảnh 2

Ông Tập Cận Bình chính thức trở thành "lãnh đạo nòng cốt"

(GDVN) - Khái niệm "lãnh đạo nòng cốt" hay "hạt nhân lãnh đạo" thường đại diện cho sức mạnh chính thức hay quyền phủ quyết.

Tuy nhiên sau khi kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, dường như dư luận Trung Quốc cũng như thế giới không mấy người quan tâm đến các bước chuẩn bị cho Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc, sự kiện báo hiệu những thay đổi lớn về nhân sự và chính sách.

Lý giải điều này, Đa Chiều ngày 28/11 nhận định, sở dĩ các cuộc bầu cử và đại hội đảng các cấp ở Trung Quốc hiện nay không thu hút sự chú ý của truyền thông, dư luận xã hội nước này là do xuất phát từ vấn đề thể chế bầu cử.

Tờ báo này có quan điểm thân Trung Quốc và đặt trụ sở tại New York cho biết, tháng 7/2019, Luật Bầu cử Trung Quốc cho phép các ứng viên "sử dụng các hình thức tuyên truyền khác nhau để vận động tranh cử". 

Đến năm 1980 diễn ra bầu cử Hội đồng Nhân dân các địa phương, sinh viên nhiều trường đại học đã đua nhau đăng ký tranh cử.

Tháng 9/1981, Trình Tử Hoa - Bộ trưởng Nội chính, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban chỉ đạo bầu cử trực tiếp cấp huyện đã chỉ trích gay gắt hoạt động này. 

Năm 1982, Quốc hội Trung Quốc lại phải sửa Luật Bầu cử, từ chỗ cho phép "ứng viên sử dụng mọi loại hình vận động tranh cử" sửa đổi thành, "ứng viên được lựa chọn tại hội nghị tiểu tổ cử tri".

Chỉ một điều chỉnh nhỏ này khiến cho không khí các cuộc bầu cử về sau lại trở lại bình lặng như trước. 

Vì thế mới dẫn đến tình huống nhiều ứng viên không tiếp xúc cử tri vẫn thắng cử, nhiều cử tri bầu mà không biết mặt ứng viên lẫn chương trình hành động của họ. [3]

Nhân sự lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sau Đại hội 19 sẽ có nhiều thay đổi

Theo quy định hiện hành, 5 trong số 7 thành viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 sẽ đến tuổi về hưu trong Đại hội 19. Chỉ còn 2 người đủ tuổi ở lại là ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường.

Một nhà lãnh đạo được dư luận đặc biệt quan tâm là ông Vương Kỳ Sơn - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, cánh tay phải đắc lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi" nổi tiếng, sẽ đến tuổi về hưu sau Đại hội 19.

Hiện tại chiến dịch đả hổ đập ruồi vẫn đang được tiếp tục triển khai với những chiến thuật mới. Không rõ Chủ tịch Tập Cận Bình có tìm cách giữ ông Sơn ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa để giúp mình việc này hay không.

South China Morning Post ngày 21/11 cho biết, ông Tập Cận Bình đã bố trí các nhân sự chủ chốt từ nguồn đồng nghiệp thân cận cũ khi ông còn công tác ở Chiết Giang, Phúc Kiến và Thượng Hải.

Ngoài ra, những nhân vật mới sẽ lần đầu tiên vào Ban chấp hành Trung ương khóa 19 cũng đã được ông chuẩn bị và cất nhắc từ lãnh đạo cơ sở. Họ là các nhà kỹ trị, các nhà khoa học trong lĩnh vực quốc phòng, không gian vũ trụ và các ngành công nghệ cao khác. [4]

Một vấn đề nữa khiến dư luận giới phân tích quan tâm, đó là mối quan hệ giữa các cơ quan bộ ngành thuộc chính phủ Trung Quốc sau Đại hội 19 sẽ có mối quan hệ như thế nào với các Tiểu tổ lãnh đạo mà ông Tập Cận Bình thành lập.

Ngoài giữ cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy trung ương, ông Tập Cận Bình hiện nay còn đứng đầu 7 Tiểu tổ lãnh đạo, từ chính sách đối ngoại, tiền tệ - ngân hàng, cải cách kinh tế cho đến quản lý, giám sát an ninh mạng.

Vì vậy, những thay đổi trước, trong và sau Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không chỉ tác động, ảnh hưởng tới tương lai phát triển của quốc gia này, mà còn tác động trực tiếp đến cấu trúc địa chính trị, an ninh, kinh tế khu vực cũng như trật tự toàn cầu cần một sự quan tâm, theo dõi, phân tích và dự báo.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/2044733/china-announces-details-elections-party-congress-poll

[2]http://china.dwnews.com/news/2016-11-28/59784609.html

[3]http://china.dwnews.com/news/2016-11-28/59784750.html

[4]http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/2046932/chinas-xi-jinping-casts-net-wider-search-top-communist

Hồng Thủy