Thông điệp của Bắc Kinh khi điều hơn 100 tàu cá tiến sát Malaysia

26/03/2016 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Vay tiền Trung Quốc, tức là đang làm giàu cho Trung Quốc rồi. Nếu để mất thêm các quyền và lợi ích hợp pháp khác trên Biển Đông vào tay...

Truyền thông quốc tế ngày 25/3 đưa tin, khoảng trên 100 tàu cá Trung Quốc được phát hiện ở "vùng biển Malaysia" gần bãi Luconia trên Biển Đông ngày 24/3.

Theo hãng thông tấn Malaysia Bernama, Bộ trưởng Nội vụ phụ trách an ninh quốc gia Malaysia, Shahidan Kassim nói với báo giới, Kuala Lumpur đã ra lệnh cho Cơ quan Thực thi hàng hải và hải quân Malaysia phái tàu đến giám sát tình hình.

Tuy nhiên ông Shahidan không cung cấp thêm thông tin chi tiết về khu vực xuất hiện hàng trăm tàu cá Trung Quốc và bản chất các hoạt động của tàu cá Trung Quốc. Ông chỉ cảnh báo rằng, Malaysia sẽ thực thi pháp luật nếu tàu cá Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp trong khu vực Malaysia yêu sách vùng đặc quyền kinh tế.

Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: CBC.CA.
Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: CBC.CA.

Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, ông ta "không hiểu những gì chính phủ Malaysia đang nói về chuyện này".  Ông Lỗi lên giọng: "Những gì tôi muốn nhấn mạnh là, bây giờ đang là mùa đánh bắt cá trên Biển Đông. Thời điểm này hàng năm, tàu cá Trung Quốc vẫn đánh bắt bình thường trong các vùng biển có liên quan."

Vụ việc diễn ra chỉ vài ngày sau khi Indonesia bắt giữ 8 ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở quần đảo Natuna. Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã liều lĩnh tông vào tàu tuần tra Indonesia hòng giải cứu tàu cá vi phạm. Jakarta đã lập tức phản ứng mạnh mẽ chống lại hành vi phạm pháp thô bạo này.

Không giống như Philippines và Việt Nam, lâu nay Malaysia và Indonesia phần lớn tìm cách lảng tránh những hành động leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhưng đã đến lúc Kualar Lumpur cần xem lại cách tiếp cận này, nếu không muốn Trung Quốc biến Biển Đông thành ao nhà, ngư dân mất đi nguồn sinh kế, quốc gia mất đi vùng đặc quyền kinh tế cùng những mỗi đe dọa khác ngày càng hiện hữu về an ninh quốc gia.

South China Morning Post ngày 26/3 lưu ý, 2 sự kiện liên quan đến tàu cá Trung Quốc tuần qua đều diễn ra sau khi Bắc Kinh công khai tuyên bố đẩy ngư dân xuống Biển Đông làm lực lượng tuyến đầu khẳng định yêu sách đường lưỡi bò.

La Bảo Minh, Bí thư tỉnh Hải Nam tuyên bố trong kỳ họp Lưỡng Hội vừa qua rằng, Trung Quốc khuyến khích ngư dân nước này "dấn thân" xuống Biển Đông và chính phủ sẽ cung cấp các khoản hỗ trợ và "đào tạo an ninh".

Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh quốc tế Viện Lowy, Úc nói với South China Morning Post: "Điều này đáng chú ý ngay sau sự cố Indonesia bắt tàu cá Trung Quốc, tôi nghĩ rằng đây không còn là sự trùng hợp.

Phải có một cái gì đó ở mức độ cao hơn, chính quyền Trung Quốc đứng đằng sau nó. Đó là một thông điệp ý nghĩa mà Trung Quốc dàn dựng. Những hành vi này thể hiện lập trường của Bắc Kinh, các vùng biển này Trung Quốc sẽ đánh bắt cá theo ý muốn của họ".

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, một loại tàu bán vũ trang hoặc "hải quân trá hình" được Bắc Kinh sử dụng làm lực lượng chủ lực xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam trong vụ giàn khoan 981 năm 2014. Ảnh: SCMP.
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, một loại tàu bán vũ trang hoặc "hải quân trá hình" được Bắc Kinh sử dụng làm lực lượng chủ lực xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam trong vụ giàn khoan 981 năm 2014. Ảnh: SCMP.

Ngoài tàu cá, còn tàu Cảnh sát biển và có lẽ cả tàu quân sự Trung Quốc sẽ tham gia. Li Mingjiang, một học giả từ Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang Singapore cho rằng, động thái này của Trung Quốc sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ Trung Quốc - Malaysia nếu quân đội Trung Quốc đứng sau hậu thuẫn.

Tuy nhiên Trang Quốc Thổ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn, Trung Quốc nói rằng "cuộc đối đầu" không làm tổn hại nhiều đến quan hệ giữa Bắc Kinh với Kuala Lumpur, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia.

Người viết cho rằng, phát biểu của ông Trang Quốc Thổ một lần nữa chứng minh rõ chiến lược cây gậy và củ cà rốt mà chính phủ Trung Quốc đang sử dụng trên Biển Đông, đặc biệt là nhằm vào Malaysia và Indonesia. Chính trị hóa các vấn đề pháp lý, chính trị hóa các vấn đề kinh tế đang là cái cách Bắc Kinh sử dụng để gây sức ép với đối phương.

Trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập, khi Trung Quốc phát triển mạnh mẽ thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã tạo cho quốc gia này một lợi thế rất lớn. Đặc biệt là về thị trường và túi tiền rủng rỉnh Trung Quốc kiếm được sau mấy chục năm cung cấp hàng giá rẻ (trong đó có nhiều sản phẩm độc hại) cho toàn thế giới, đã khiến ngay cả các nước phát triển Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng không thể bỏ qua.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tận dụng tối đa lợi thế ấy làm bàn đạp vươn lên siêu cường toàn cầu và thường dùng hợp tác kinh tế, viện trợ, cho vay làm hoạt động bình phong cho các bước leo thang độc chiếm Biển Đông thành ao nhà.

Điều này phản ánh bản chất phi kinh tế, chính trị hóa các nghiệp vụ kinh tế - thương mại quốc tế mà chính phủ Trung Quốc đang áp dụng. Bởi các hoạt động đầu tư hay cho vay của Trung Quốc không chỉ đơn thuần giúp nước này kiếm lời về mặt tài chính, mà còn trở thành con bài, thành cây gậy răn đe các nước liên quan ở Biển Đông trước mỗi động thái leo thang của Bắc Kinh.

Nhưng tiền vay Trung Quốc thì vẫn phải trả, tất nhiên là kèm cả lãi và có thể bao gồm cả chi phí quá đắt đỏ cho những dự án chây ỳ, đội vốn, công nghệ lạc hậu, lao động phổ thông Trung Quốc chiếm mất việc làm của lao động sở tại hay các khoản tiền phạt.

Trong khi đó trên Biển Đông, tàu Trung Quốc đã nghênh ngang tiến vào đến cửa mà vẫn phải ngậm bồ hòn.

Thiết nghĩ, các nhà lãnh đạo Malaysia nên nhìn phản ứng của Indonesia để rút ra bài học cho mình. Và cả hai quốc gia này nên góp tiếng nói và nỗ lực hơn nữa thúc đẩy ASEAN cùng chung tay bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Hãy bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA trong vụ kiện đường lưỡi bò dự kiến sắp được đưa ra thời gian tới.

Dù đang vay tiền Trung Quốc, nhưng thiết nghĩ các bên liên quan cần tách bạch rõ các hoạt động kinh tế với các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông. Vay tiền Trung Quốc, tức là đang làm giàu cho Trung Quốc rồi. Nếu để mất thêm các quyền và lợi ích hợp pháp khác trên Biển Đông vào tay Trung Quốc thì cái giá phải trả quá lớn, mà tiền đôi khi không đánh đổi được.

Hồng Thủy