Giáo sư Thitinan Pongsudhirak thuộc Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Chulalongkorn ngày 25/3 bình luận trên Bangkok Post, cách thức hành xử của Trung Quốc trong khu vực ngày càng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Xu thế trỗi dậy không thể đảo ngược của Trung Quốc có khả năng trở thành nguồn gốc căng thẳng và xung đột tiềm tàng ở Đông Nam Á.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak thuộc Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Chulalongkorn. Ảnh: AIM. |
Không có nơi nào mà sự trỗi dậy của Trung Quốc lại được thể hiện rõ ràng hơn khu vực Đông Nam Á, nơi Bắc Kinh đặt mục tiêu rõ ràng là "chiếm đất" ở Biển Đông và "chiếm nước" ở thượng nguồn Mê Kông, kiểm soát nguồn nước ngọt quan trọng của các nước hạ nguồn: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Trên Biển Đông, căng thẳng đang gia tăng vì các tuyên bố và hành động "gây tranh cãi" của Bắc Kinh trên một số rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm gần sát bờ biển Philippines, Việt Nam, Indonesia và rất xa Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc đang xây dựng, quân sự hóa một số đảo nhân tạo trên một số bãi cạn ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), thậm chí làm đường băng và mở các chuyến bay dân dụng để củng cố yêu sách (bành trướng, vô lý và phi pháp) của mình để tạo ra tình thế "sự đã rồi".
Bây giờ Indonesia không thể tiếp tục khoanh tay đứng nhìn lợi ích của mình bị đe dọa. Tuần trước, khi chính quyền Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc với 8 ngư dân đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế Natuna, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã can thiệp và tông vào một tàu tuần tra của Indonesia để cứu tàu cá.
Việc làm này của Bắc Kinh đã dấy lên sự phẫn nộ ngoại giao từ Jakarta. Trung Quốc đã tỏ ra lúng túng. Tuy nhiên sự kiện này cũng đánh dấu bắt đầu một xu hướng mới, sự hiếu chiến của Bắc Kinh ngày càng tăng và chứng tỏ, Trung Quốc không thực sự sẵn sàng tham gia soạn thảo bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Trên thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc đã đơn phương cho phép mình có quyền thống trị nguồn nước bằng cách khai thác lợi thế địa lý và dòng chảy tự nhiên của con sông xuyên quốc gia này, thông qua việc xây dựng một loạt đập thủy điện ở thượng nguồn.
Khi các nước hạ nguồn Mê Kông gặp phải đợt hạn hán gay gắt kéo dài tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc "tỏ vẻ nhân đạo" bằng tuyên bố xả nước đập Cảnh Hồng từ 15/3 để bôi trơn cho hội nghị Hợp tác Lan Thương - Mê Kông bên lề Diễn đàn Bác Ngao với 5 nước hạ nguồn, giáo sư Pongsudhirak bình luận.
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị Lan Thương - Mê Kông do Trung Quốc tổ chức, ảnh: Reuters/Bangkok Post. |
Trong khi việc xả nước của Trung Quốc ở đập Cảnh Hồng có thể giúp phần nào các nước hạ nguồn dịu bớt tạm thời tình trạng hạn hán, nhưng việc này lại là điềm báo một sự phụ thuộc của các nước hạ nguồn vào thiện chí và "lòng độ lượng" của Trung Quốc.
Sông Mê Kông mà Trung Quốc gọi là Lan Thương, là con sông dài nhất Đông Nam Á, cung cấp nguồn sống, sinh kế cho 60 triệu người, là môi trường sống cho các cộng đồng ven sông và các loài động vật hoang dã tự nhiên.
Việc Trung Quốc xây một loạt con đập trên thượng nguồn từ lâu đã được coi là một rủi ro địa chính trị với các nước hạ du, là nguồn xung đột tiềm tàng của các nước Tiểu vùng sông Mê Kông.
Nguy cơ này ngày một trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và tốc độ phát triển nhanh chóng của các vùng đồng bằng châu thổ dọc sông Mê Kông làm nhu cầu tiêu thụ nước ngọt lớn hơn bao giờ hết.
Quan chức, truyền thông Trung Quốc nói gì về việc xả nước sông Mê Kông? |
Với đòn bẩy kiểm soát nguồn nước thượng nguồn Mê Kông, Trung Quốc đã triệu tập hội nghị Lan Thương - Mê Kông tại Tam Á, Hải Nam. Tại đây Bắc Kinh công bố các khoản cho vay và các gói tín dụng tổng trị giá khoảng 11,5 tỉ USD cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, từ đường sắt cho đến các khu công nghiệp dọc theo sông Mê Kông.
Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ tài trợ cho các sáng kiến xóa đói giảm nghèo dọc lưu vực con sông này với 200 triệu USD, và thêm 300 triệu USD cho hợp tác khu vực trong 5 năm tiếp theo, lập một trung tâm tài nguyên nước.
Ông Lý Khắc Cường lưu ý rằng, các kế hoạch này là một phần thiết yếu trong chiến lược phát triển ý tưởng Một vành đai, một con đường, và kêu gọi xây dựng sự tin cậy lớn hơn giữa Trung Quốc với các nước hạ nguồn Mê Kông.
Giáo sư Pongsudhirak nhận định, vấn đề quan trọng ở đây là cơ chế hội nghị thượng đỉnh Lan Thương - Mê Kông (LMC) mà Trung Quốc lập ra là một cách vô hiệu hóa Ủy hội sông Mê Kông (MRC) được thành lập bởi Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam vào năm 1995 để tập trung tìm kiếm hỗ trợ về chuyên môn cũng như kinh phí để quản lý nguồn tài nguyên nước ngọt của dòng sông chung.
Myanmar và Trung Quốc là đối tác đối thoại của Ủy hội sông Mê Kông nhưng cố tình nằm ngoài MRC, do đó theo giáo sư Pongsudhirak, thiết lập LMC là ý đồ của Trung Quốc nhằm thay thế cơ chế MRC hiện tại.
Hòa bình kiểu Trung Quốc |
Với ưu thế địa lý nằm ở thượng nguồn, Trung Quốc có thể chặn dòng Mê Kông tùy ý với 6 trong tổng số 15 con đập dự kiến, đã hoàn thành. Điều này sẽ khiến các nước hạ nguồn lệ thuộc vào nguồn nước do Trung Quốc điều tiết.
Trong khi đó về mặt kinh tế, theo Giáo sư Pongsusdhirak cả Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đều ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào túi tiền Trung Quốc cho nhu cầu đầu tư, phát triển.
Do đó, với các hoạt động của Trung Quốc ở trên Biển Đông và trên dòng sông Mê Kông, Trung Quốc có thể sẽ buộc các nước láng giềng trong khu vực phải tìm cách tránh xung đột với mình. Bắc Kinh sẽ nỗ lực để tạo ra các luật chơi và tổ chức trong khu vực.