Trục Mỹ-Việt-Nga sẽ diễn biến ra sao sau khi Tổng bí thư thăm Hoa Kỳ?

09/07/2015 13:57
Nguyễn Hường
(GDVN) - Nó có thể mở ra một cuộc chạy đua giữa Nga và Mỹ trong việc cung cấp các sản phẩm quốc phòng cho Việt Nam trong bối cảnh Mỹ quyết định gỡ bỏ dần lệnh cấm vận.

Tờ Tầm nhìn của Nga ngày 8/7 đăng tải bài xã luận cho biết, chuyến thăm nước Mỹ mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tín hiệu mà Nga cần chú ý để phát triển hơn nữa quan hệ với Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm nước Mỹ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm nước Mỹ.

Theo báo Nga, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sẽ mở rộng hơn nữa sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuyên bố chung được công bố sau cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ và Việt Nam công nhận sự phát triển tích cực và quan trọng trong nhiều lĩnh vực hợp tác quốc phòng trong vòng 20 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao và đồng ý mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác bao gồm hợp tác trên lĩnh vực kinh tế và thương mại, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác về công nghệ quốc phòng.

Theo Vladimir Kolotov, Giáo sư tại Đại học St Petersburg và đồng thời là Trưởng khoa Lịch sử Viễn Đông, sự thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ có công rất lớn của Thượng nghị sĩ John McCain, Ngoại trưởng John Kerry và vai trò rất tích cực của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.

Sau 20 năm khôi phục quan hệ ngoại giao, Hà Nội và Washington đã thúc đẩy thương mại song phương từ con số 0 lên 38 tỉ USD, gấp 10 lần kinh ngạch thương mại với Nga. Chuyến thăm nước Mỹ lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ góp phần quan trọng đảm bảo rằng hai bên sẽ tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại, quốc phòng hơn song phương hơn nữa.

Thậm chí, theo ông Kolotov, nó có thể mở ra một cuộc chạy đua giữa Nga và Mỹ trong việc cung cấp các sản phẩm quốc phòng cho Việt Nam trong bối cảnh Mỹ quyết định gỡ bỏ dần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam và Washington đang muốn tăng cường hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương để ngăn chặn sự bá quyền của Trung Quốc trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hôm 1/6 đã ký tuyên bố chung về triển vọng hợp tác quốc phòng giữa hai bên.  Bộ trưởng Carter cũng thúc giục chính quyền Obama phân bổ viện trợ 18 triệu USD cho Việt Nam để mua sắm tàu tuần tra. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Với nỗ lực kiềm chế (sự bành trướng của) Trung Quốc, trong giữa tháng 5, truyền thông Mỹ đã công bố tin rò rỉ nói rằng Lầu Năm Góc đã quyết định triển khai một phi đội tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Ba tuần trước, Mỹ cũng đã điều tàu sân bay USS George Washington đến Đông Nam Á, tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan đến Biển Đông để "duy trì trật tự" và "hỗ trợ đồng minh".

Giáo sư Kolotov cho rằng, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình đánh chiếm các đảo và quần đảo của Việt Nam trong thế kỷ 20 và hiện đang tiến hành xây dựng căn cứ quân sự phi pháp trên các đảo này, một động thái đe dọa tới an ninh hàng hải trong khu vực và thu hút phản ứng của Mỹ.

Ngoài ra, Việt Nam cũng hấp dẫn Mỹ bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao của nền kinh tế, Việt Nam đã vô tình trở thành một "đối thủ tự nhiên" của Trung Quốc. Nhiều công ty nước ngoài đang chuyển cổ phần của họ tới Việt Nam, nơi chi phí lao động rẻ bằng một nửa Trung Quốc mà trình độ thì ngang bằng, Tờ Tầm nhìn dẫn lời chuyên gia phân tích Alexey Maslov cho biết.

Mặc dù hiện nay, tổng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là 40 tỉ USD, ít hơn nhiều so với con số 134 tỉ USD tại Trung Quốc, nhưng nếu xem xét kỹ chi phí trung bình của từng dự án sẽ thấy thị trường Việt Nam đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn T ấn Dung và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.
Thủ tướng Nguyễn T ấn Dung và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. 

Các chuyên gia Nga tin rằng sự tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ không gây ra mối đe dọa nào cho Moscow, nhưng nó cũng nhắc nhở Nga nên tìm kiếm sự hợp tác hơn nữa trong quan hệ với một đối tác lịch sử đặc biệt quan trọng là Việt Nam.

Về phần mình, Nga luôn tìm cách duy trì mối quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Việt Nam với chủ trương làm bạn với tất cả, tờ Tầm nhìn nhấn mạnh. Nga cũng không có ý định tham gia vào liên minh quân sự với Trung Quốc, mặc dù hợp tác quân sự giữa hai quốc gia này đang có xu hướng tăng mạnh trong hợp tác kỹ thuật quân sự.

Giáo sư Kotolov cho rằng mặc dù Nga không có hợp tác thương mại giá trị lớn với Việt Nam như Trung Quốc và Mỹ, nhưng là một đối tác rất quan trọng của Hà Nội trong lĩnh vực dầu khí, hợp tác quân sự-kỹ thuật.

Nga vẫn là đối tác cung cấp thiết bị quốc phòng hàng đầu của Việt Nam, chiếm 90%. Chính phủ hai nước gần đây cũng đã ký kết một loạt các văn kiện hợp tác trên lĩnh vực quân sự, kinh tế và thương mại. Việt Nam cũng đã bày tỏ sự quan tâm tới các sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. 

Ông nhấn mạnh rằng sự tăng cường quan hệ Nga-Việt không đặt ra mối đe dọa nào đến chủ quyền của Việt Nam, không tạo ra xung đột về ý thức hệ hay điều gì khác với Việt Nam. 

Trong bối cảnh phương Tây tăng cường trừng phạt Nga liên quan tới khủng hoảng Ukraine, Việt Nam sẽ là một thị trường lớn và vô cùng có lợi đối với Nga, là cửa ngõ giúp Moscow tiếp cận thị trường ASEAN giàu tiềm năng và tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực đang nổi lên.

Ông Maslov cũng ca ngợi sự khéo léo của chính sách đối ngoại mềm dẻo của Việt Nam khi là mục tiêu tranh giành của những đối thủ lớn. Việt Nam đã đối ngoại rất tốt và bắt đầu phát triển các mối quan hệ đa phương. Ông tin rằng Việt Nam sẽ rất thuận lợi nếu cân bằng được quan hệ với ba đối tác lớn là Nga, Mỹ và Trung Quốc.​​

Nguyễn Hường