Trung Quốc sẽ phải vất vả đối phó cuộc chiến mới gian nan kéo dài ở Biển Đông.

11/05/2016 09:17
Đông Bình
(GDVN) - Cuộc chiến tấn công dư luận, cuộc chiến răn đe quân sự và cuộc chiến liên minh, liên kết của Mỹ đều sẽ khiến cho Trung Quốc phải đối phó rất mệt mỏi.

Tờ Tin tức bình luận Trung Quốc xuất bản tại Hồng Kông ngày 11/5 nhận định, trong lúc phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague sắp đến gần, cuộc đấu giữa các bên xung quanh tranh chấp Biển Đông sẽ ngày càng gay gắt hơn.

Tàu khu trục William P. L:awrence DDG 110 Hải quân Mỹ trên Biển Đông ngày 30/3/2016. Nguồn ảnh: Internet
Tàu khu trục William P. L:awrence DDG 110 Hải quân Mỹ trên Biển Đông ngày 30/3/2016. Nguồn ảnh: Internet

Một mặt các quan chức cấp cao Mỹ nhanh chóng đến Đông Nam Á, tìm cách thống nhất lập trường, cùng gây sức ép để Trung Quốc tuân thủ kết quả trọng tài. Quan chức cấp cao Quân đội Mỹ cũng liên tiếp lên án gay gắt rằng Trung Quốc không tuân thủ kết quả trọng tài thì sẽ đối mặt với rất nhiều hậu quả.

Mặt khác, Trung Quốc ra sức mở một cuộc chiến tranh ngoại giao, tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của các nước như Lào, Brunei, Campuchia. Đồng thời, Trung Quốc tìm cách biện hộ cho mình trước sự lên án của Mỹ về việc Trung Quốc không tuân thủ kết quả trọng tài.

Trong tương lai, cùng với kết quả trọng tài được đưa ra, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cuộc chiến dư luận, pháp lý gian nan lâu dài, cũng như cuộc so găng về "trí, dũng" với Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Trước tiên, Mỹ sẽ dựa vào kết quả trọng tài để tạo ra một cuộc tấn công dư luận mạnh mẽ, mục tiêu là để chỉ rõ Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc luật pháp quốc tế. Trên thực tế, ngay sau khi Philippines đệ trình vụ kiện Biển Đông lên PCA, Mỹ đã tích cực thúc đẩy cuộc tấn công dư luận đối với Trung Quốc.

Lần này, kết quả trọng tài chính thức được công bố, Mỹ đã có đầy đủ lý do để sử dụng, tăng cường tính hợp lý cho cuộc chiến tấn công dư luận của họ một cách tối đa.

Không chỉ có vậy, Mỹ sẽ còn lấy lý do Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc quốc tế để thúc đẩy các nước phương Tây khác, các nước Đông Nam Á hình thành một mặt trận thống nhất tập trung lên án Trung Quốc.

Bắt đầu từ ngày 9/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel bắt đầu chuyến thăm Việt Nam và Malaysia. Trước đó, ông cũng vừa kết thúc chuyến thăm 2 ngày đến Lào. Trong tương lai, quan chức cấp cao Mỹ sẽ còn tiếp tục thăm các nước Đông Nam Á và các nước phương Tây khác để cùng gây sức ép với Trung Quốc.

Mặc dù vậy Mỹ cũng nhận định, Trung Quốc sẽ không bị sức ép ngoại giao mà chấp nhận kết quả trọng tài, bởi vì, cuộc chiến tấn công dư luận chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ cho áp chế ngoại giao, không thể ngăn chặn được một loạt hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong bối cảnh này, vai trò của Quân đội Mỹ trở nên nổi bật. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vừa cho biết, nếu một bên Philippines và Trung Quốc không tuân thủ kết quả phán quyết, sẽ là "sự khởi đầu nguy hiểm". Rõ ràng là, tuyên bố này của ông chỉ thẳng vào Trung Quốc.

Quân đội Mỹ sẽ tận dụng cơ hội này, tiếp tục có đầy đủ lý do để tiến hành tuần tra Biển Đông, tổ chức diễn tập quân sự liên hợp. Hiện nay tàu chiến, máy bay quân sự của Quân đội Mỹ đã tuần tra thường xuyên ở Biển Đông, đồng thời Mỹ cũng đã thành công trong việc tập hợp lực lượng cùng tuần tra Biển Đông.

Trong tương lai, trên cơ sở răn đe quân sự hiện nay, Quân đội Mỹ cũng rất khó tiếp tục nâng cấp các hành động quân sự. Nhưng nếu Lầu Năm Góc tiếp tục duy trì răn đe quân sự ở mức cao này, Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với sức ép lâu dài của Mỹ trên Biển Đông.

Cuối cùng, Mỹ sẽ lấy đây làm cơ hội tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á và các nước châu Á-Thái Bình Dương khác, tiếp tục xây dựng vững chắc hệ thống an ninh châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo.

Mỹ sở dĩ quan tâm đến vấn đề Biển Đông như vậy và không tiếc sử dụng các loại nguồn lực để đấu với Trung Quốc, có một nguyên nhân quan trọng là họ muốn duy trì hệ thống an ninh châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo.

Hệ thống này được xây dựng dựa vào: lấy việc triển khai quân sự của Quân đội Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là các căn cứ quân sự làm hậu thuẫn vững chắc; lấy các thỏa thuận hợp tác ký kết giữa Mỹ và đồng minh làm sợi dây gắn kết; lấy việc Mỹ và đồng minh đều tuân thủ cam kết làm trung tâm.

Tuy nhiên, hệ thống an ninh này bị đe dọa nghiêm trọng do sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng cường, nhất là tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Philippines ngày càng gay gắt.

Trong tình hình này, Mỹ cần phải áp dụng các biện pháp có hiệu quả để thực hiện cam kết của các hiệp ước, duy trì hệ thống an ninh châu Á-Thái Bình Dương do mình lãnh đạo.

Đối với Mỹ, Trung Quốc không tuân thủ kết quả phán quyết của PCA là một hành vi không tuân thủ quy tắc quốc tế, là thách thức trực tiếp đối với hệ thống an ninh châu Á-Thái Bình Dương được xây dựng dựa trên lấy tuân thủ quy tắc làm cốt lõi.

Vì vậy, chờ tới sau khi chính thức có kết quả trọng tài, Mỹ chắc chắn sẽ ra sức làm nổi bật hình ảnh một Trung Quốc không tuân thủ quy tắc quốc tế, đồng thời nhấn mạnh tới hậu quả nghiêm trọng từ việc làm này của Trung Quốc cho các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương.

Đặc biệt là, Mỹ sẽ nhấn mạnh đến mối đe dọa gây ra đối với hệ thống an ninh châu Á-Thái Bình Dương được xây dựng dựa trên các quy tắc quốc tế. Mỹ sẽ tích cực khuyến khích các nước liên quan tiếp tục phát triển hệ thống an ninh châu Á-Thái Bình Dương do họ lãnh đạo.

Đối với Trung Quốc, giai đoạn đầu sau khi tòa trọng tài chính thức công bố kết quả phán quyết sẽ là một giai đoạn "giày vò" cực kỳ khó khăn. Cuộc chiến tấn công dư luận, cuộc chiến răn đe quân sự và cuộc chiến liên minh, liên kết của Mỹ đều sẽ khiến cho Trung Quốc phải đối phó một cách hết sức mệt mỏi.

Vì vậy nhiều khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng chiêu bài im lặng trước áp lực từ công luận hậu phán quyết của PCA. Với các hoạt động răn đe quân sự của Mỹ, một mặt Trung Quốc cần tiếp tục tăng cường triển khai (bất hợp pháp) lực lượng quân sự ở các đảo để đối phó. Mặt khác, Trung Quốc sẽ không hấp tấp trong việc gây bất đồng và xung đột với Quân đội Mỹ.

Ngoài ra, Trung Quốc cần tìm kiếm xây dựng cơ chế quản lý, kiểm soát các xung đột tiềm tàng với Mỹ. Đối với các đồng minh và đối tác chủ chốt của Mỹ trong khu vực như Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc khó mà phân hóa, chia rẽ.

Nhưng, đối với các “đồng minh tiềm tàng” mà Mỹ đang tích cực tìm kiếm, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng mọi thủ đoạn để chia rẽ, lôi kéo thông qua các phương thức như tích cực đến thăm, "giải thích" lập trường và ý đồ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, tăng cường hợp tác kinh tế hòng làm mất sự tập trung, chú ý vào hành vi quân sự hóa Biển Đông và các mối đe dọa an ninh mà Bắc Kinh đang tạo ra.

Đông Bình