Cái gọi là chính quyền thị trấn Vĩnh Hưng, thành phố Tam Sa mà Trung Quốc dựng lên ở đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép. |
Theo tờ Nhân Dân nhật báo ngày 26/7, cái gọi là "chính quyền thành phố Tam Sa" mà Trung Quốc lập ra phục vụ mưu đồ độc chiếm, kiểm soát Biển Đông hôm Thứ Bảy đã tuyên bố thành lập bộ máy chính quyền cấp thị trấn trên đảo Phú Lâm để thực hiện cái gọi là "quản lý nhà nước" đối với đảo Phú Lâm, đảo Đá (thuộc nhóm An Vĩnh, nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) và các vùng biển phụ cận.
Chức năng của bộ máy chính quyền mới cấp cơ sở mà Trung Quốc dựng lên (trái phép) trên đảo Phú Lâm là đại diện cho cái gọi là "thành phố Tam Sa" để "quản lý" hành chính, thực thi pháp luật, bảo vệ môi trường, ứng cứu khẩn cấp, phòng chống thiên tai, đảm bảo hậu cần cho ngư dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức và quản lý dân binh.
Đáo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng là nơi Trung Quốc đang đặt trái phép trụ sở cái gọi là "thành phố Tam Sa". Hiện tại bộ máy cấp chính quyền cơ sở ở đây được gọi là Công ủy, Ủy ban quản lý đảo và chỉ trong vài năm tới Trung Quốc sẽ chính thức nâng cấp thành Ủy ban Thị trấn.
Cũng trong sáng 26/7, Trung Quốc khánh thành kho lạnh đầu tiên xây dựng (trái phép) trên đảo Phú Lâm. Kho lạnh này có thể tích 375 mét khối, có thể dự trữ rau quả, đồ khô đảm bảo lương thực thực phẩm cho 800 người trên đảo ăn trong vòng 20 ngày, vừa đủ đảm bảo nhu cầu trong khoảng thời gian 2 chuyến tàu cung cấp từ Hải Nam ra Hoàng Sa.
Ngoài việc xâm lược, chiếm đóng phi pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thì những động thái của Trung Quốc cải tạo các đảo ở Hoàng Sa để tiếp tục đòi yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế đang là mục tiêu tiếp theo của Bắc Kinh hòng độc chiếm Biển Đông.
Nhưng chính cái kho lạnh Trung Quốc vừa xây dựng chỉ đủ tạm trữ thức ăn cho 800 người trên các đảo mà họ chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa đã vạch trần âm mưu này. Quần đảo Hoàng Sa không có điều kiện đời sống kinh tế riêng độc lập với đất liền, nên không có chuyện yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế - PV.
Điều này cũng góp phần vạch trần ngụy biện của Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ 2/5 đến 15/7 mà Bắc Kinh vẫn gọi là "vùng biển Tây Sa vì nó nằm trong khoảng 200 hải lý tính từ đảo Trung Kiến", tức đảo Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - PV.