Rất nhiều vụ nhập lậu thực phẩm bẩn vào Việt Nam có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng cách xử phạt đều rất nhẹ.
Mới đây nhất, ngày 13/8, Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra xe ô tô Biển kiểm soát 14L-6747 do Nguyễn Thanh Dũng (trú tại thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên) là lái xe kiêm chủ hàng, phát hiện chở trái phép 900kg bột làm trà sữa.
Thời điểm kiểm tra, xe ô tô đang đỗ ở Móng Cái, lái xe không xuất trình được hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc số hàng trên.
Tại cơ quan công an, Dũng khai mua số bột trà sữa trên từ Trung Quốc rồi đem về chợ trung tâm tại Thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) tiêu thụ.
Cùng ngày, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cũng bắt giữ ô tô 14C-244.90, do Hoàng Văn Huân (35 tuổi, là lái xe kiêm chủ hàng, ngụ xã Dực Yên, H.Đầm Hà, Quảng Ninh) đang vận chuyển hơn 1.900 hộp mỹ phẩm nhập lậu từ Trung Quốc.
Thực phẩm bẩn đang hoành hành do luật còn thiếu nghiêm minh? (Ảnh tổng hợp từ TTTXVN) |
Tất cả số hàng hóa nhập lậu trên đều bị tịch thu, tiêu hủy. Đồng thời mỗi chủ hàng còn bị phạt hơn 15 triệu đồng.
Trước đó, rất nhiều vụ thực phẩm bẩn nhập lậu vào thị trường Việt Nam đã khiến người tiêu dùng hoang mang.
Trước đó, ngày 13/7/2018, Đội Quản lý thị trường số 9 (Quản lý thị trường Lạng Sơn) phối hợp với công an địa phương kiểm tra xe ô tô tải loại 2,5 tấn, biển kiểm soát 12C- 057.01 do ông Lô Văn Chứ, địa chỉ Khối 10, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn vừa là người điều khiển phương tiện vừa là chủ hàng chở 13 loại mặt hàng thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc không có giấy tờ hợp lệ.
Ngày 2/6/2017, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an Hà Nội) đã phối hợp Đội Quản lý thị trường số 31, xử phạt hành chính 1 cơ sở chuyên thu gom nội tạng động vật, xương trâu, bò… không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo trình bày của chủ cơ sở, số xương, chân trâu bò, nội tạng động vật trên được mua gom từ các lò mổ, sau đó thuê người sơ chế rồi tiêu thụ ở các quán nhậu, cửa hàng bán bún, phở trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Những sản phẩm chưa tiêu thụ được thì lưu tại kho lạnh tự chế của cơ sở.
Trước đó, ngày 31/5/2017, tổ công tác liên ngành gồm: Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Đội Quản lý thị trường số 31 kiểm tra đột xuất cơ sở chuyên thu gom, buôn bán nội tạng động vật, xương trâu, bò của ông bà Nguyễn Thị Sen (49 tuổi, trú tại thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện, thu giữ hơn 1,1 tấn nội tạng động vật, xương, gân trâu, bò trong tình trạng bốc mùi hôi thối được đóng trong các bao tải, bịch nilon để trong kho lạnh.
Bà Sen khai nhận, toàn bộ số hàng kể trên được thu mua ở các lò mổ quanh vùng với giá khoảng 2.000 đồng/kg.
Sau khi sơ chế, chế biến, chủ cơ sở sẽ bán cho các quán ăn, quán nhậu… với giá hơn 20.000 đồng/kg.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 44 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 1.200 người mắc, 7 trường hợp tử vong.
Riêng trong tháng 6/2018, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 284 người mắc, 190 người phải nằm viện và 1 trường hợp tử vong.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh An toàn thực phẩm vừa diễn ra, Bộ Y tế đã công bố các thống kê cho thấy an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề đáng lo ngại.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, hơn 13.000 cơ sở trên toàn quốc bị phạt hành chính vì vi phạm an toàn thực phẩm với tổng số tiền là 35 tỉ đồng.
Đây chỉ là số ít trong tổng số gần 70.000 cơ sở vi phạm An toàn thực phẩm.
Điều này cho thấy thực phẩm bẩn tồn tại ở mọi nơi mọi lúc, đe dọa bất cứ ai trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đáng nói hơn là trong khi thực phẩm bẩn đang diễn biến hết sức phức tạp thì việc quản lý giám sát và cả chế tài xử lý lại hết sức bất cập.
Theo các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng là do chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Một phần trong câu chuyện này được cho rằng hệ thống văn bản pháp luật hiện hành đang bị chồng chéo.
Một phần dẫn đến thực phẩm bẩn do ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật (Ảnh: LC) |
Phát biểu trong buổi triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh An toàn thực phẩm vừa diễn ra, ông Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã cho rằng: “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm hiện nay chưa được hệ thống hóa với một số quy định thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể về phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành và địa phương, dẫn tới một thực tế là tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn khá phổ biến”.
Mặc dù Luật An toàn thực phẩm (2011) và nhiều quy định khác liên quan đến An toàn thực phẩm đã được ban hành, nhưng đa phần mới chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính.
Hệ sống pháp luật còn có nhiều vấn đề còn hạn chế. Lấy ngay ví dụ về Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn Vệ sinh An toàn thực phẩm, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng, bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, bị phạt tù từ 3 đến 10 năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bị phạt tù từ 7 đến 15 năm”.
Như vậy, dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm về Vệ sinh An toàn thực phẩm phải là “gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thế nhưng có thể thấy việc tác động của các chất gây hại hay thực phẩm bẩn vào cơ thể con người phát tác từ từ chứ không gây chết người ngay, nên rất khó làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự.
Nói về vấn đề này, bà Bùi Thị An, đại biểu quốc hội khóa 14 cho rằng: “Ở đây cần nhận thức rõ rằng vấn đề thực phẩm là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Các nhà làm luật cần phải cụ thể từng hành vi để xử lý không thể để nói “gây hậu quả nghiêm trọng” mới xử lý.
Vậy thế nào là rất nghiêm trọng? Việc này phải được lượng hóa trong luật, không thể chung chung như vậy được. Việc lượng hóa các mức xử phạt sẽ có tính dăn đe cao. Để thực phẩm tràn lan như hiện nay có thể nói ngoài việc tuyên truyền thì hệ thống luật hiện hành chưa đủ sức răn đe”.