Âm vang lời kêu gọi bầu cử của Bác

20/05/2016 10:03
Theo Đại biểu Nhân dân
(GDVN) - Bác Hồ nhấn mạnh, bộ máy nhà nước phải đòi hỏi những người có tài, có đức để gánh vác việc nước đặc biệt là phải vì dân.

Hướng tới ngày hội lớn của cả nước- ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp 22/5/2016, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chia sẻ về tư tưởng của Bác trong xây dựng Nhà nước pháp quyền và lãnh đạo tài tình thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, 6.1.1946
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, 6.1.1946

Tuần báo Cứu quốc số 130 ngày 31/12/1945, Bác viết, “Tổng tuyển cử là dịp toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà…”. Thưa ông, lời căn dặn của Bác về quyền bầu cử, ứng cử của công dân, góp phần giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là bài học còn vẹn nguyên giá trị?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Bầu cử Quốc hội Khóa I, tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 phải đạt được ba mục đích quan trọng: thứ nhất, khẳng định nền dân chủ và quyền làm chủ của người dân Việt Nam là một nước độc lập sau thắng lợi của cuộc các mạng tháng Tám.

Mục đích của Nhà nước ta lúc đó mà Bác đã xác định rất rõ là Nhà nước phục vụ dân chứ không phải Nhà nước để cai trị dân.

Lựa chọn những người tài, đức là tư tưởng xuyên suốt và sau này trong xây dựng Nhà nước của ta cho đến bây giờ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử QH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp.

Đồng thời, vẫn phải bảo đảm cơ cấu, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu.

Có như vậy, Nhà nước pháp quyền của ta sẽ có đủ sức mạnh cần thiết để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới của đất nước hiện nay.

Do đó, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Thứ hai, cuộc tổng tuyển cử ấy khẳng định cơ sở thực tế, cơ sở pháp lý của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong hoạt động đối nội cũng như đối ngoại.

Thứ ba, cuộc tổng tuyển cử ấy bắt đầu một định hướng rất quan trọng về nội dung và phương thức để xây dựng nhà nước pháp quyền của Việt Nam.

Tư tưởng của Nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nêu ra từ năm 1919 và đến sau cách mạng tháng Tám thì đã thúc đẩy quá trình đó có ý nghĩa cho đến ngày hôm nay.

Trở lại câu nói mà Bác viết trên báo Cứu quốc ngày 31.12.1945, trước thềm của cuộc tổng tuyển cử, Bác nói “đây là cuộc tổng tuyển cử lần đầu tiên diễn ra trên đất nước của chúng ta mà trước đây chưa hề có”.

Trong hoàn cảnh lịch sử của nước ta lúc đó là phải tiến hành hai nhiệm vụ đó là kháng chiến và kiến quốc (kháng chiến là phải chống sự quay trở lại xâm lược của thực dân pháp vào Nam bộ; kiến quốc tức là xây dựng và phát triển đất nước theo đường lối của Đảng và Chính phủ lâm thời, vạch ra trong nhiệm vụ kiến quốc).

Khi bám sát vào hai nhiệm vụ ấy, Nhà nước Cách mạng này phải phát huy dân chủ và muốn phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ thì phải lựa chọn các đại biểu có tài, có đức vào bộ máy Nhà nước.

Bộ máy nhà nước ấy lúc đó đã định hình và sẽ phải bầu cử QH để có cơ quan lập pháp, củng cố Chính phủ, chính quyền các cấp là các cơ quan hành pháp và củng cố các toà án để giữ gìn kỷ cương phép nước.

Từ đó, đòi hỏi phải lựa chọn đại biểu vào QH mà theo Bác là lựa chọn người có tài, có đức để gánh vác việc nước; bảo vệ cho được độc lập dân tộc của mình lúc đó và đặc biệt các ĐBQH phải vì lợi ích của đồng bào mình.

Không chỉ có bài báo đó mà trong lời kêu gọi toàn dân đi bầu cử Bác cũng nhấn mạnh, bộ máy nhà nước phải đòi hỏi những người có tài, có đức để gánh vác việc nước đặc biệt là phải vì dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lá phiếu bầu cử QH và HĐND Khóa II ngày 8.5.1960
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lá phiếu bầu cử QH và HĐND Khóa II ngày 8.5.1960

70 năm trước, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Những lời kêu gọi thiết tha của Người vẫn như đang âm vang trong cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 hôm nay, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Lời kêu gọi của Bác “toàn dân đi bỏ phiếu ngày 5.1.1946”, tuy ngắn gọn nhưng đã nêu lên được mấy ý rất quan trọng: thứ nhất, bầu cử là để thực thi chế độ dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Thứ hai, bầu cử là chính thể cộng hòa dân chủ, một Nhà nước dân chủ thì tất cả mọi người dân đều có quyền ứng cử và tham gia bầu cử QH của nước Việt Nam mới và những người tham gia bầu cử thì phải mang hết tinh thần, trách nhiệm của mình để xây dựng Nhà nước, xây dựng QH.

Âm vang lời kêu gọi bầu cử của Bác ảnh 3

"Động cơ là phải vì nước vì dân, phương pháp là phải công khai, minh bạch"

Bác nói, mỗi người phải tự tay cầm lá phiếu của mình đi bỏ phiếu để bầu ra những đại biểu của mình.

Còn những người được bầu thì Bác cũng nói rất rõ “cũng có thể vì số lượng đại biểu có hạn thôi mà số người ứng cử thì nhiều cho nên chắc chắn sẽ có người trúng cử và có người không trúng cử”.

Đối với những người trúng cử thì phải đem hết sức mình ra để phụng sự, phục vụ tổ quốc, bảo vệ nền độc lập của tổ quốc, đồng thời mang lại lợi ích cho nhân dân và luôn luôn phải đặt lợi ích của công lên trên lợi ích riêng của mỗi con người.

Còn đối với những người không trúng cử, cũng đừng vì thế mà buồn, nản chí mà sẽ cố gắng công việc và góp sức của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Như thế rất hài hòa, trong cuộc bầu cử sẽ có người trúng cử, người không trúng cử.

Từ đó, ta cũng cần suy nghĩ cho cuộc bầu cử hiện nay cũng không nên quá nặng nề về việc trúng cử hay không trúng cử thì cũng đều mang hết tinh thần, trách nhiệm để xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Còn một ý nữa trong lời kêu gọi của Bác nêu, những người muốn làm quan cách mạng, thông qua bầu cử để ngoi lên làm quan cách mạng thì ta không nên bầu mà phải bầu những người thực sự vì dân, vì nước.

Hiện nay, các ĐBQH có điểm mới hơn ngày xưa là có lời hứa hẹn trước cử tri, theo tôi mỗi đại biểu ở mỗi cương vị, công việc khác nhau, nhưng phải có những lời hứa thiết thực và mang lại lợi ích cụ thể cho số cử tri người ta đã tin cậy bỏ phiếu cho mình.

Việc hứa hẹn cao nhất hiện nay của tất cả các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp là hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thật sự vì nước vì dân; là đại biểu của nhân và nói không với tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Từ đó mới đi đến những lời hứa cụ thể trên từng lĩnh vực của mình.

Bầu cử là dịp nhân dân tham gia trực tiếp xây dựng chính quyền; đồng thời những người trúng cử sẽ phải ra sức phục vụ nhân dân. Đây cũng chính là tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền dân chủ, xã hội chủ nghĩa, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Hiện nay, chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Ta phải nắm vững quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền. Sau cách mạng tháng Tám vừa mới tuyên bố độc lập ngày 2/9/1945, thì ngày 3/9 phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Bác đã nêu ra yêu cầu phải tổng tuyển cử, phải soạn thảo Hiến pháp. Đây chính là sự thúc đẩy xây dựng nhà nước pháp quyền.

Âm vang lời kêu gọi bầu cử của Bác ảnh 4

5 tiêu chuẩn quan trọng để lựa chọn Đại biểu Quốc hội

Trong lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu, Bác đều nhấn mạnh trách nhiệm của các đại biểu và toàn bộ hệ thống chính quyền.

Điều này liên quan đến bức thư của Bác ngày 17/10/1945 gửi cho UBND các cấp Bác nói “Chính phủ của chúng ta từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân” có nghĩa là để gánh việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như thời Pháp – Nhật.

Chính phủ của ta không phải để cai trị dân mà Chính phủ để phục vụ dân. Từ đó, chúng ta suy tưởng cho Nhà nước của ta hiện nay là Chính phủ phục vụ dân.

Hiện nay, mình cần phải nắm vững những nội dung cơ bản của một nhà nước pháp quyền, mỗi một lần bầu cử là mỗi một lần để chúng ta nói cho toàn dân biết. Nhiều người chưa hiểu rõ nhà nước pháp quyền là thế nào đâu, thậm chí cả cán bộ đảng viển chứ không chỉ người dân đâu.

Hiện nay cần tuyên truyền việc kết nối giữa tổng tuyển cử đầu tiên từ Hiến pháp 1946 cho đến Hiến pháp 2013 và nhận thức về nhà nước pháp quyền để nhân dân hiểu rõ bản chất và sẽ đi bầu với tất cả trách nhiệm của công dân về xây dựng Nhà nước ta, QH ta tốt hơn.

Bác Hồ tham gia bầu cử HĐND thành phố Hà Nội ngày 27.4.1969.
Bác Hồ tham gia bầu cử HĐND thành phố Hà Nội ngày 27.4.1969.

Ôn lại những câu chuyện về Bác với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, chúng ta càng thấy rõ hơn tư tưởng vĩ đại, tính thực tiễn sâu sắc và sự lãnh đạo tài tình. Người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho một Nhà nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, xây dựng một Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi trong bầu cử lần này ta phải thấy rằng Bác của chúng ta có tầm nhìn chiến lược, tầm nhìn về xây dựng Nhà nước, vì nước ta từ nhà nước thuộc địa, phong kiến quân chủ khi dân mình không được hưởng quyền tự do.

Cho nên, ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945 Bác đã đặt vấn đề là phải bầu cử, phải tổng tuyển cử càng sớm càng tốt và phải soạn thảo hiến pháp.

Chúng ta phải có một bản hiến pháp dân chủ, đây là yêu cầu bức thiết của xây dựng nhà nước cũng là xây dựng chế độ mới của chúng ta.

Sự sâu xa của Bác là phát huy cho được dân chủ mà đây là quyền thiêng liêng của người dân Việt Nam “Độc lập – Tự do  - Hạnh phúc”.  Đi vào cụ thể, mặc dù ngày 3/9 mới họp thì ngày 29/9 đã có sắc lệnh số 34 để lập ra Ủy ban soạn thảo hiến pháp.

Đến 17/10, Bác đã ký sắc lệnh số 51 về tổ chức cuộc tổng tuyển cử và quy định những thể lệ bầu cử rất rõ.

Sau này bác lại có Sắc lệnh 76 ngày 18/12 là hoãn ngày bầu cử mà lẽ ra là bầu cử ngày 23/12 nhưng vì để phát huy dân chủ tốt hơn, để chuẩn bị chu đáo hơn, để cho mọi người ứng cử có điều kiện thời gian để nộp đơn xin ứng cử.

Vì thế mà Bác mới quyết định để ngày 6/1/1946 mới bầu. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đại biểu Nhân dân