"Động cơ là phải vì nước vì dân, phương pháp là phải công khai, minh bạch"

20/05/2016 07:32
Ngọc Quang
(GDVN) - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, phải tìm bằng được những đại biểu hết lòng vì dân.

Ngày 22/5, nhân dân cả nước sẽ thực hiện quyền bầu cử của mình, lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng với nước, với dân.
 
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, để lựa chọn được đại biểu xứng đáng với dân là vô cùng khó khăn.
 
Ông Hùng chia sẻ: “Các phương tiện thông tin đại chúng cũng có đề cập về các ứng viên, nhưng thông tin chưa thật chi tiết.

Ở các khu dân cư như chỗ tôi thì cũng có họp và phổ biến một số điều về luật bầu cử, nhưng dù bằng hình thức nào thì điều mà người dân quan tâm vẫn là có chọn được ra đại biểu xứng đáng đúng với nguyện vọng, mong muốn của người dân không?
 
Ở các cuộc tiếp xúc của đại biểu tại tổ dân phố, tôi đi dự đều lắng nghe và có rất nhiều suy nghĩ.

Tôi suy nghĩ là những người đại diện cho dân có thực sự do dân tuyển chọn không?

Chúng ta có nhiều cách tuyển chọn, nhưng đã thật sự giải đáp hết thắc mắc của người dân chưa?
 
Tôi đã dự cuộc tiếp xúc ở quận, mặt trận tổ quốc đại diện đọc lý lịch của từng đồng chí rồi từng đồng chí đứng lên phát biểu.

Một số cử tri đại diện đứng lên phát biểu và đều theo hướng đánh giá tốt, rồi chỉ còn chọn thôi.

Nhưng tôi cho rằng làm như vậy cũng còn chung chung, cho nên tôi mong rằng sau kỳ bầu cử này cần tổng kết và đổi mới cách làm, tìm ra người đại biểu thực sự hết lòng vì nhân dân”.

Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, cần đổi mới hơn nữa trong công tác bầu cử, phải tìm bằng được những đại biểu hết lòng vì dân. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, cần đổi mới hơn nữa trong công tác bầu cử, phải tìm bằng được những đại biểu hết lòng vì dân. ảnh: Ngọc Quang.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, thông tin về các ứng cử viên cần được cập nhật tới người dân, tới từng gia đình nhanh hơn, vì nếu chỉ đặt ở bảng thông báo tại một nơi nào đó thì có thể nhiều người dân không nắm được.
 
“Một trong những vấn đề rất cần thiết là người ứng cử đại biểu quốc hội nên công khai tài sản, đấy là việc hoàn toàn bình thường , vì đây là đại biểu của dân. Tuy nhiên, công khai rồi cũng phải có giám sát, còn nếu không kiểm tra, giám sát thì lại trở thành hình thức.

"Động cơ là phải vì nước vì dân, phương pháp là phải công khai, minh bạch" ảnh 2

5 tiêu chuẩn quan trọng để lựa chọn Đại biểu Quốc hội

Tôi cũng mong rằng, nước ta sẽ đổi mới, tiến tới Đại biểu Quốc hội có điều kiện tranh cử trực tiếp.

Qua đó, cử tri sẽ biết trình độ của người ứng cử thế nào, tính cách ra sao, và khi bỏ phiếu rồi thì họ cũng có điều kiện giám sát chặt chẽ lời hứa của đại biểu.
 
Cử tri thấy được khả năng thực sự của từng ứng viên để đưa ra lựa chọn chính xác.

Dù làm gì cũng vậy, tôi cho rằng động cơ là phải vì nước vì dân, còn phương pháp là tất cả đều phải dân chủ, công khai, minh bạch. Đấy là những khuôn mẫu mà tất cả mọi người phải đi qua.

Vừa bầu cử, vừa giám sát bầu cử
 

Ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc  hội (Ủy viên Tiểu ban Văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền, Hội đồng bầu cử quốc gia) cho biết, cử tri không những trực tiếp thực hiện quyền bầu cử của mình mà còn tham gia giám sát công tác bầu cử để bảo đảm cho cuộc bầu cử dân chủ, công bằng, bình đẳng và đúng pháp luật.

“Nếu có những hành vi vi phạm quyền dân chủ của cử tri trong bầu cử thì cử tri có quyền yêu cầu những cán bộ tham gia công tác bầu cử phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bầu cử.

Ví dụ nếu có hành vi ép cử tri phải bỏ cho ứng cử viên này, gạch ứng cử viên khác thì cử tri có quyền nhắc nhở cán bộ thực hiện công tác bầu cử, đồng thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền như: Ủy ban bầu cử địa phương, Hội đồng bầu cử quốc gia để có những hình thức xử lý đúng pháp luật”, ông Tiến nói.

Ông Lê Như Tiến cho hay, nếu phát hiện có gian dối trong bầu cử cần báo ngay cho Hội đồng bầu cử địa phương, Hội đồng bầu cử quốc gia. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Lê Như Tiến cho hay, nếu phát hiện có gian dối trong bầu cử cần báo ngay cho Hội đồng bầu cử địa phương, Hội đồng bầu cử quốc gia. ảnh: Ngọc Quang.

Cũng theo ông Lê Như Tiến, trong thực tế cuộc sống, không tránh khỏi những bức xúc, những va chạm, thậm chí là những tranh chấp giữa công dân với nhau, giữa công dân với chính quyền như vấn đề đất đai, vấn đề môi trường, vấn đề quản lý xây dựng, đô thị...

Tuy nhiên, đến ngày bầu cử, cử tri cần gác lại những vẫn đề chưa hài lòng để tập trung vào nhiệm vụ lớn hơn, đó cũng là thể hiện trách nhiệm công dân trong việc xây dựng chính quyền.
 
“Cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 có ý nghĩa và tầm quan trọng rất to lớn. Đây là cơ hội để cử tri trực tiếp lựa chọn những người xứng đáng, thay mặt mình tham gia vào cơ quan quyền lực các cấp từ trung ương đến địa phương.

Nếu cử tri không đi bầu là tự mình tước đi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền.

Vì thế, tôi đề nghị cử tri cả nước hăng hái đi bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Đặc biệt, tôi muốn nhắn nhủ tới các cử tri trẻ, các cử tri lần đầu tiên trong cuộc đời được vinh dự cầm lá phiếu lựa chọn những người đủ đức, đủ tài vào các cơ quan trong bộ máy nhà nước, không những các bạn trực tiếp đi bầu mà cần vận động, tuyên truyền sâu rộng tới các bạn trẻ khác cùng tham gia bầu cử như mình”, ông Tiến nói.

Ngọc Quang