"Buộc" bụng ngắm bình gốm tiền triệu và lãng phí... đúng quy trình

18/05/2017 06:12
THỤY DU
(GDVN) - Đã từng có nhận định rằng chi tiêu lãng phí ở ta thì khó có nước nào trên thế giớitheo kịp. Chuyện ở Công ty Nhiệt điện Phả Lại có thể là một ví dụ...

Câu chuyện Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (Hải Dương) chi gần 1,5 tỷ đồng tiền phúc lợi xã hội để mua bình gốm làm quà nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Công ty (26/4/1982 - 26/4/2017), Công đoàn Công ty (19/11/1982 - 19/11/2017) gây nên những phản ứng trái chiều trong dư luận.

Theo đó, vật phẩm dùng để tặng quà lưu niệm là Bình hoa Thiên Hương Gốm Chu Đậu vẽ vàng kim, mã CD05057 VV.

Đơn giá sản phẩm là 1 triệu đồng/1 chiếc. Tổng số tiền mua quà lưu niệm là 1.350.000.000 đồng (một tỷ ba trăm năm mươi triệu đồng chẵn).

Dư luận hoàn toàn có lý khi khi cho rằng việc công ty này trích tiền trong quỹ phúc lúc lợi của đơn vị để mua vật phẩm lưu niệm trên là chưa hợp lý, thậm chí đó là sự lãng phí.

Và đôi khi người được nhận những vật phẩm lưu niệm

"Buộc" bụng ngắm bình gốm tiền triệu và lãng phí... đúng quy trình ảnh 1

Công ty Nhiệt điện Phả Lại mạnh tay chi tiền tỷ mua bình gốm làm quà kỷ niệm

với trị giá lớn như vậy cũng chưa chắc cảm thấy hài lòng, thậm chí có cảm giác xót xa.

Bởi lẽ, khoản tiền phúc lợi đó là những đồng tiền do chính mồ hôi, nước mắt của những người lao động làm ra, đóng góp cho tập thể và cần được sử dụng vào mục đích có ý nghĩa, chứ không phải vung một đống tiền cho những việc làm cũng được, không làm cũng chẳng sao. 

Nếu việc ngắm bình gốm có thể làm người công nhân còn nhiều khó khăn nhịn ăn qua bữa và trở nên giàu có, thì chắc không ai dám phản đối, thậm chí phải khuyến khích mua bình gốm để... ngắm.

Nhưng khó ai có thể chấp nhận được việc phải "buộc" bụng, ngồi ngắm bình gốm trong khi cuộc sống thường nhật còn trăm thứ phải lo toan, tính toán cho tương lai, và trong ngành nhiệt điện còn rất nhiều việc phải làm như tăng lương, cải thiện đời sống cán bộ, công nhân viên.

Khi đó, việc người lao động đòi hỏi đồng tiền "thuế" của mình phải được sử dụng đúng mục đích cũng là điều hoàn toàn hợp lý. 

Xét cho cùng, quỹ phúc lợi xã hội dùng để đầu tư và mua sắm tài sản sử dụng vào hoạt động phúc lợi, trợ cấp khó khăn công nhân viên, nghỉ mát, hoạt động phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, ủng hộ thiên tai, từ thiện chứ không phải lấy tiền của mình mua bình gốm tặng lại… cho mình.

Như thế thì còn gì là ý nghĩa nữa.

Nếu hiểu theo cách tiền phúc lợi đó là một loại "thuế" do người lao động đóng góp nhằm dưới mọi hình thức vì mục đích vì sự tiến bộ của cộng đồng nói chung thì cũng chẳng sai.

Và nếu nói việc chi cả tỷ đồng để tặng quà lưu niệm là một sự lãng phí thì cũng không ngoa chút nào. Thậm chí đó là sự lãng phí rất... đúng quy trình.

Hay nói như cách nói của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế khi đề cập tới việc chi tiêu chi tiêu tùy tiện ở Việt Nam dưới các hình thức, tiếp khách, giao lưu, thực tế, học tập kinh nghiệm…:

"Việc chi tiêu lãng phí ở Việt Nam không nước nào trên thế giới có thể chấp nhận được".

Chiếc bình này được Công ty dùng tiền phúc lợi của người lao động mua để tặng chính người lao động với giá 1 triệu đồng. Ảnh do các công nhân phản ánh gửi.
Chiếc bình này được Công ty dùng tiền phúc lợi của người lao động mua để tặng chính người lao động với giá 1 triệu đồng. Ảnh do các công nhân phản ánh gửi.

Một câu chuyện cũng xót xa không kém từng xảy ra tại tỉnh này cách đây không lâu đó là việc Ủy ban Kiểm tra tỉnh Hải Dương phải ghi nợ hơn 310 triệu đồng tiền tiếp khách.

Theo đó, ông Bùi Hữu Uyển, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, thời gian vừa qua, do đột xuất có nhiều tỉnh đến thăm, trao đổi kinh nghiệm với Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Hải Dương, nên mặc dù đã cố gắng tiết kiệm để trang trải chi phí, nhưng do quá nhiều đoàn đến thăm vào một khoảng thời gian ngắn nên đơn vị không có đủ kinh phí đón tiếp.

"Dù đã cố gắng tiết kiệm, nhưng do quá nhiều đoàn đến thăm vào một khoảng thời gian ngắn, đơn vị không đủ kinh phí để đón tiếp. Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Hải Dương còn nợ số tiền là 310 triệu đồng mà không có nguồn để chi trả".

Người viết không bất ngờ về những cuộc trao đổi "kinh nghiệm" kiểu như thế này, bởi nó xảy ra từng ngày, từng giờ ở nhiều địa phương trên cả nước.

UBKT Hải Dương phải ghi nợ vì tiếp khách, Sở Xây dựng vẫn muốn làm giao lưu

Càng không lấy làm lạ chuyện một số nơi "quan" tiếp "quan" đến mức cạn kiệt kinh phí, ghi nợ, rồi “vác rá” xin tiền để trả nợ.

Bởi lẽ, có người coi chuyện tiếp khác là nhiệm vụ cần phải thực hiện, vì "có đi mới có lại".

Và cách chi, tiêu tiền bạt mạng đó cũng được xem là chuyện hết sức bình thường và rất... đúng quy trình?

Nhưng khi người ta chưa thấy kết quả, hiệu quả mang lại từ các cuộc trao đổi kinh nghiệm, thì việc thâm thủng ngân sách đã thấy rõ trước mắt.

Hậu quả là ngân sách lại phải chi để bù lỗ cho những khoản chi vô thưởng vô phạt, hoang phí đó.

Hai câu chuyện trên cho thấy những điểm chung về sự lãng phí trong việc sử dụng tiền thuế của dân hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Xét cho cùng, nhân dân - những người nộp thuế là đối tượng chịu thiệt thòi nhất từ sự lãng phí, chi tiêu vô tội vạ đó.

Và khi nào những đồng tiền thuế của dân không còn được xem là thứ tiền chùa, bình gốm không còn là vật ngắm để no, mang lại sự giàu có, thì mới có hy vọng chấm dứt được sự lãng phí...

THỤY DU