Cần xây dựng tiêu chí để đánh giá chất lượng Đại biểu Quốc hội

23/03/2016 06:52
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Có ý kiến cho rằng, cần xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá chất lượng Đại biểu Quốc hội, tránh trường hợp dân biểu cả nhiệm kỳ không phát biểu...

Cần có tiêu chí đánh giá Đại biểu Quốc hội

Trong những kỳ họp gần đây xảy ra khá nhiều chuyện đáng tiếc liên quan tới việc Đại biểu Quốc hội “bấm nút hộ” hoặc vắng mặt trong các phiên họp tại hội trường. Đặc biệt có đại biểu cả nhiệm kỳ không phát biểu.

Đó là những nội dung được cử tri hết sức quan tâm, bởi lẽ những “căn bệnh” trên ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của Quốc hội. 

Minh chứng cụ thể nhất, hôm 14/11, khi tham gia biểu quyết toàn văn Nghị quyết về ngân sách trung ương năm 2016, số Đại biểu Quốc hội vắng tới hơn 100 người (Báo Thanh niên hôm 14/11/2015).

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa (ảnh: QUỐC TOẢN).
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa (ảnh: QUỐC TOẢN).

Trước đó, trả trước báo giới, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, do Đại biểu kiêm nhiệm, nên việc phân bổ hài hòa, hợp lý giữa công việc riêng của Đại biểu tại địa phương và tham dự các phiên họp của Quốc hội là khá khó khăn (infonet.vn hôm 28/11/2014).

Một số nhận định khác thì cho rằng, việc Đại biểu vắng họp, ít thảo luận... vì ngại đụng chạm.

Hôm 22/3/2016, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho ràng, đây là biểu hiện sự thiếu trách nhiệm của Đại biểu đối với cử tri, trước những quyết sách quan trọng của đất nước.

Do đó, để chấn chỉnh tình trạng trên, cần xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá kết quả chất lượng hoạt động của Đại biểu Quốc hội trong từng khóa họp, nhiệm kỳ.

Ông Cuông đặt vấn đề: "Công chức, viên chức, cán bộ Đảng viên hằng năm vẫn có đánh giá, phân loại, xếp loại Đại biểu.

Thế tại sao Đại biểu Quốc hội, những người đại diện cho cử tri lại không được đánh giá chất lượng hoạt động,

Cần xây dựng tiêu chí để đánh giá chất lượng Đại biểu Quốc hội ảnh 2

Bầu cử bình đẳng, người tự ứng cử dù không trúng cũng phải tâm phục, khẩu phục

dù dư luận từng kêu ca, phàn nàn về những “ông nghị gật”, rồi tình trạng “bấm nút hộ”, Đại biểu không tích cực trong hoạt động nghị trường?

Nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa nêu giải pháp để khắc phục những tồn tại nêu trên.

“Cần chấm điểm Đại biểu dựa trên cơ sở thời gian họ tham gia hoạt động ở nghị trường, hoạt động tại đoàn Đại biểu địa phương trong việc thực hiện công tác giám sát, thảo luận). 

Mặt khác, phải đánh giá chất lượng ý kiến phát biểu, đóng góp thảo luận của Đại biểu Quốc hội tại mỗi kỳ họp. Những ý kiến đó có phù hợp không? Có được dư luận đồng tình ủng hộ hay không? 

Mức độ, tầm ảnh hưởng của các ý kiến đóng góp đó trong việc hoàn thiện các dự án luật, làm lợi cho xã hội đất nước như thế nào? Từ đó để đưa ra thang điểm đánh giá cho từng Đại biểu.

Tiếp đó cũng cần quan tâm tới số lượng các câu hỏi chất vấn đối với các thành viên chính phủ… Đây là cách để cử tri đánh giá sự tâm huyết, sự cống hiến của Đại biểu Quốc hội trước những vấn đề cử tri quan tâm.

Đối với những Đại biểu hoạt động có hiệu quả, cần được biểu dương, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực để họ hăng hái tham gia đóng góp ý kiến, cống hiến vì lợi ích chung.

Ngược lại, những người hoạt động không tích cực thì lấy căn cứ đó (thang đánh giá đại biểu) để nhắc nhở, khiển trách, để Đại biểu tự điều chỉnh, hoàn thiện mình", ông Cuông nêu quan điểm.

Ông Lê Văn Cuông lưu ý thêm, nếu không thực hiện được việc đánh giá Đại biểu Quốc hội, vô hình chung sẽ đánh đồng người hoạt động tích cực cũng như chưa tích cực.

"Nếu cứ chung chung thì người hoạt động tích cực sẽ không được động viên tinh thần để phát huy năng lực, còn người không hoạt động thì cũng không bị nhắc nhở. Trong khi đó chế độ thì nhận như nhau. Làm như vậy là không công bằng.

Công khai để cử tri giám sát Đại biểu Quốc hội

Trong khi đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, trước hết cần chọn được Đại biểu có chất lượng.

Mặt khác, việc giám sát Đại biểu Quốc hội là việc của nhân dân. Đại biểu đó phải chịu trách nhiệm với nhân dân thông qua lá phiếu tín nhiệm của cử tri.

TS. Hoàng Ngọc Giao (ảnh: Hoàng Lưc/giaoduc.net.vn).
TS. Hoàng Ngọc Giao (ảnh: Hoàng Lưc/giaoduc.net.vn).

“Vấn đề là người ta ngồi vào cái ghế đó có phải là lá phiếu thực sự của cử tri bầu ra hay không? 

Do đó, chất lượng Đại biểu chỉ được quyết định bằng lá phiếu tín nhiệm của cử tri. Khi đó, họ mới có tinh thần trách nhiệm đối với cử tri và vị trí họ đang ngồi.

Còn nếu đưa ra tiêu chí để đánh giá Đại biểu thì nó lại giống như việc kiểm điểm hành chính", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao nhận định.

Tiến sĩ Giao góp ý thêm: "Hiện tại, nếu cứ áp dụng hình thức biểu quyết bằng việc bấm nút là không ổn. Làm như vậy cử tri cũng không biết rõ ai phản đối hay đồng tình nếu cứ phụ thuộc vào cái "nút" ấy.

Ở các nước khác, khi thực hiện biểu quyết, họ thường biểu quyết bằng việc giơ tay hoặc không giơ tay.

Khi đó, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, cử tri mới thực sự được thực hiện quyền giám sát Đại biểu Quốc hội. Qua đó họ có thể nắm được thái độ, lập trường của Đại biểu do mình bầu ra. 

Theo tôi, điều này cũng cần phải thay đổi để tạo ra sự minh bạch hơn trong quá trình hoạt động của Quốc hội", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cho biết.

QUỐC TOẢN