Cảnh báo về tâm lý hoài nghi, gây rối loạn trong Đảng

23/02/2015 08:02
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: "Nếu không tỉnh táo thì dân ta vô tình gián tiếp trở thành chỗ tiếp tay cho kẻ xấu".

Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội để tiến tới Đại hội Đảng 12. Trước sự kiện trọng đại này, chia sẻ với độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu IV cảnh báo về những hành động phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ Đảng viên với quần chúng.

Đấu tranh với sai trái trong Đảng, không đấu tranh với Đảng

Thưa ông, thời gian gần đây rộ lên khá nhiều thông tin xoay quanh một số quan chức cấp cao (trong đó chủ yếu liên quan tới tài sản). Ông nghĩ sao khi những thông tin này được tung ra đúng vào thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng 12?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Ở nước ta hay bất kỳ nước nào khác trên thế giới cũng sẽ có lúc xảy ra những chuyện như vậy, cho nên chúng ta cần thấy đấy là điều hết sức bình thường để tỉnh táo ứng xử cho phù hợp.

Ở đây, tôi không bàn đến tính chính xác của thông tin ấy tới đâu, mà tôi chỉ muốn nói về động cơ ấy rõ ràng là không nhằm xây dựng cho Đảng và Nhà nước, mà đó là hành vi có tính chất phá hoại sự đoàn kết trong nội bộ Đảng, là hành vi chia rẽ cán bộ Đảng viên với quần chúng nhân dân.

Tại sao tôi nói như vậy? Trước hết, chúng ta cần phải ý thức được rằng, đấu tranh vạch trần những sai lầm tiêu cực trong Đảng, chứ không phải đấu tranh với Đảng. Nếu không tỉnh táo thì dân ta vô tình gián tiếp trở thành chỗ tiếp tay cho kẻ xấu gây ra tâm lý hoài nghi, đấy là điều nguy hiểm nhất, dẫn tới mất ổn định chính trị.

Vì vậy, nhân dân ta cần hết sức tỉnh táo trước động cơ ấy, bởi vì cán bộ thuộc sự quản lý của Đảng, cũng là vì mục tiêu chân chính phục vụ lợi ích của nhân dân, còn ai làm sai, ai vi phạm pháp luật thì sẽ phải bị nghiêm trị.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Chúng ta đấu tranh với sai trái, tiêu cực trong Đảng, chứ không đấu tranh với Đảng. Ảnh: Ngọc Quang.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Chúng ta đấu tranh với sai trái, tiêu cực trong Đảng, chứ không đấu tranh với Đảng. Ảnh: Ngọc Quang.

Chúng ta cũng thấy rằng, gần đây nhiều vụ việc tiêu cực liên quan tới những cán bộ Đảng viên có chức, có quyền đã bị phanh phui và xử lý nghiêm khắc, như vụ Dương Chí Dũng hay vụ cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền dù đã nghỉ hưu nhưng cũng bị xử lý, phải trả lại tài sản cho nhà nước.

Điều đó cho thấy, Đảng ta quyết tâm làm trong sạch bộ máy, quyết tâm chống tham nhũng, chống sự nhũng nhiễu… dù kết quả đạt được mới chỉ ở bước đầu, chưa đúng với mong muốn của nhân dân. Để chống tham nhũng thành công thì không thể chỉ hô khẩu hiệu, ra nghị quyết là xong, mà cần phải có những giải pháp hết sức cụ thể.

Vậy theo ông, những phương cách nào sẽ ngăn chặn đà suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ Đảng viên?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trước hết nói về Đảng, từ khi thành lập cho tới nay Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân lao động giành độc lập dân tộc và vượt lên trong hoàn cảnh đất nước nghèo đói, lạc hậu sau chiến tranh. Đấy là mặt thành công mà chúng ta cần phải ghi nhận.

Tuy nhiên, trong khoảng 1 thập kỷ qua, cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường thì đã xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực có liên quan tới những cán bộ có chức có quyền, đó cũng là những Đảng viên, khiến cho niềm tin trong nhân dân bị suy giảm. Từ thực tế ấy, chúng ta có Nghị quyết Trung ương 4 nhằm chấn chỉnh những việc chưa đúng theo đường lối quan điểm của Đảng. Nghị quyết cũng nói rõ, một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống… vậy cái bộ phận không nhỏ ấy gồm những ai, rất cần phải làm cho rõ, để giữ gìn uy tín của Đảng, cũng là giữ vững vai trò lãnh đạo trước nhân dân.

Cán bộ phục vụ Đảng, nhưng Đảng phục vụ nhân dân, tổ quốc, không có lợi ích gì khác. Cán bộ phải phải vì lợi ích chung của nhân dân, đặt đại cục lên trên lợi ích cá nhân của mình. Ngày trước, Bác Hồ cũng đã dạy rằng cán bộ phải “cần – kiệm – liêm – chính – chí – công – vô – tư”, phải biết “phê bình và tự phê bình”.

Có người nói với tôi rằng, sự suy thoái của cán bộ Đảng viên đã đi xuống đáy rồi, nhưng theo tôi thì nghĩ dù sao Đảng cũng đã nhìn ra được khuyết điểm, lúc này rất cần sự đoàn kết để mỗi cán bộ lãnh đạo trong bộ máy công quyền thực sự là tinh hoa của đất nước.

Tôi ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là phải công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan công quyền, chỉ có như vậy thì mới giữ được niềm tin trong nhân dân. Đồng thời khi công khai minh bạch thì người dân mới biết mà giám sát cán bộ.

Ngoài ra, liên quan tới chức quyền của cán bộ Đảng viên bao giờ cũng là lợi ích. Vậy thì phải công khai tài sản của cán bộ lãnh đạo để dân được biết chứ có gì mà phải dấu. Tôi nghĩ rằng kê khai mà không công khai là không đạt yêu cầu. Đảng cần phải chỉ đạo công khai để qua đó thấy được những ai chưa đúng thì sửa, cũng giống như lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng hay ở Quốc hội, rồi ở các cấp tỉnh là để đánh giá lại cán bộ lãnh đạo và giúp cán bộ lãnh đạo nhận ra những thiếu sót của mình mà sửa chữa, còn ai chưa phù hợp thì điều chỉnh, chứ không phải là nhằm hạ bệ ai đó. Chúng ta phải nghĩ như vậy và hướng tới mục tiêu tốt đẹp như vậy thì sẽ có đủ quyết tâm làm tới cùng.

Phải chấm dứt tình trạng "ngồi nhầm ghế"

Ông có lo lắng về chất lượng cán bộ lãnh đạo hiện nay không?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Qua mỗi thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta thấy có rất nhiều cán bộ tài năng, tâm huyết với đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó cũng có những cán bộ thiếu tài năng, chưa quyết liệt trong điều hành, dẫn tới mặt này mặt khác còn yếu kém, nhân dân không hài lòng. Rồi chuyện chạy chức chạy quyền, bè phái, quyền lợi nhóm cũng đã xảy ra trong thực tế. Đảng ta vốn cũng đã nhìn thấy những mặt còn hạn chế ấy, nhưng để khắc phục được thì cần phải có thêm thời gian. Tôi tin rằng, những người lãnh đạo đứng đầu đất nước khi đã thống nhất đồng lòng thì dù khó khăn đến mấy cũng sẽ có cách vượt qua.

Tôi cho rằng, Đảng phải siết chặt lại công tác tuyển chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ vốn là vấn đề then chốt có liên quan trực tiếp tới vai trò lãnh đạo của Đảng, nói rộng hơn là liên quan trực tiếp tới sự tồn vong của chế độ, đời sống hòa bình của nhân dân ta. Cán bộ phải giỏi thì mới đủ sức đưa nền kinh tế vượt lên, nền kinh tế có mạnh thì chúng ta mới tránh được sự lệ thuộc, mới có đủ tiềm lực bảo vệ độc lập chủ quyền. Dứt khoát phải chấm dứt được tình trạng ngồi nhầm ghế, chấm dứt tình trạng thậm chí năng lực hạn chế mà vẫn cứ ngồi hết khóa.

Ông nghĩ sao khi có nhiều cán bộ là những người tốt nhưng khi được bổ nhiệm, đề bạt giữ những vị trí lãnh đạo thì họ không giữ được mình?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đấy là những người thiếu thiếu sự tu dưỡng, lại thiếu bản lĩnh, do đó khi được đặt vào những vị trí có quyền thì dễ bị mua chuộc. Con người ta ai cũng có mặt tốt và xấu, ranh giới ấy mong manh lắm, chỉ có sự rèn luyện tu dưỡng nghiêm túc thì người cán bộ Đảng viên mới không bị xa ngã. Bác Hồ đã nói rằng “Khi ngủ ai cũng như lương thiện/ Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền/ Hiền dữ đâu phải là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Tuy nhiên, người cán bộ lãnh đạo cũng giống như mọi người dân bình thường khác. Họ phải có cuộc sống của họ, của gia đình họ, cho nên để giúp cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lại không bị vướng vào sai phạm thì Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ tốt, công khai, minh bạch.

Trong tình hình hiện nay, Đảng ta cần chú trọng mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp. Nói thẳng ra đó là một dạng tham nhũng, dễ biến tướng dẫn tới nhóm lợi ích, tạo ra môi trường kinh doanh thiếu sự lành mạnh, kéo tụt sự phát triển của đất nước.

Ngọc Quang (Thực hiện)