Chất lượng bữa ăn công nhân hiện nay rất thấp, khẩu phần ăn chỉ đáp ứng 90% nhu cầu dinh dưỡng, năng lượng cho lao động nam, 70% cho lao động nữ.
Theo số liệu của Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết có đến 70% vụ ngộ độc của công nhân tại các khu công nghiệp có liên quan đến suất ăn công nghiệp giá rẻ.
Vừa ăn vừa cầu trời
Bên cạnh đó các vụ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể liên tiếp xảy ra khiến hàng nghìn công nhân lao động phải nhập viện, gây ảnh hưởng lớn đến việc tái tạo sức lao động.
Người công nhân với những nỗi lo lắng vì đồng lương không đủ sống, sinh hoạt thiếu thốn mọi bề nay lại phải đối mặt với chuyện bữa ăn ca của mình không an toàn.
Chưa bao giờ bữa cơm của công nhân lại mong manh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc đến thế.
Mới đây, chiều 19/10/2017, Trung tâm y tế thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận hàng trăm công nhân có dấu hiệu nghi bị ngộ độc thức ăn sau bữa ăn trưa tại công ty.
Số công nhân này nhanh chóng được đưa đi cấp cứu sau khi dùng bữa ăn trưa. Trung tâm y tế thị xã Tân Uyên đã bị quá tải, nhiều ca ngộ độc nặng phải chuyển lên Bệnh viện tỉnh Bình Dương.
Trước đó, sáng ngày 16/9/2017, Công ty TNHH Sungjin Vĩnh Long Vina tổ chức lễ khánh thành và đưa vào hoạt động nhà xưởng của công ty.
Công nhân phải đối mặt với nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm bất cứ lúc nào (Ảnh: CAND) |
Sau buổi lễ, 516 người là Công nhân và nhân viên của công ty được sắp xếp ăn trưa, thức ăn đặt tại Cơ sở cách công ty khoảng 150m.
Đến khoảng hơn 12h trưa cùng ngày, 49 người đã bị ngộ độc thực phẩm. Kết quả kiểm tra mẫu cho thấy, các món ăn gồm cari chay, cari vịt, cơm trắng đều bị nhiễm vi sinh Coliforms.
Khoảng 13h ngày 26/7/2017, sau bữa ăn trưa với món gà nấu cà ri và bánh mì, nhiều công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Wondo Vina bị các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như: nhức đầu, nôn ói… số công nhân bị ngộ độc đã được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Chợ Gạo.
Cuối tháng 5/2017, 37 công nhân của Công ty LG-Display (Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, Hải Phòng) bị ngộ độc thực phẩm khi bếp ăn chưa được cấp phép.
Theo thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong 3 ngày cuối tháng 6, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 500 công nhân của 2 công ty phải vào viện do ngộ độc thực phẩm gây ra.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, hai đơn vị cung cấp suất ăn gây ra 2 vụ ngộ độc trên đã mua thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, nhiễm khuẩn trong khi điều kiện nấu ăn rất dơ bẩn là nguyên nhân gây ngộ độc.
Các vụ ngộ độc bếp ăn tập thể diễn ra khắp cả nước, không từ một địa phương nào.
Cơm độc cho công nhân vì giá rẻ?
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng ngàn công nhân đã phải vào viện sau bữa ăn tại công ty. Đây chính là hồi chuông cảnh báo đối với các ngành, các cấp quản lý về an toàn thực phẩm.
Chất lượng bữa ăn công nhân từ lâu đã được nói đến khi những vụ việc ngộ độc liên tiếp xảy ra. Tuy nhiên, câu hỏi đó dường như bị đưa vào vòng luẩn quẩn khi bữa cơm công nhân phải bị cắt xén qua quá nhiều khâu trung gian.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, tính đến hết ngày 30/6, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.592 người mắc, 1.483 trường hợp nhập viện và 16 trường hợp tử vong.
Nhiều bếp ăn công nghiệp tồn tại nguy cơ mất an toàn thực phẩm (Ảnh: Báo Bình Dương) |
Báo cáo cũng chỉ rõ, nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể vẫn còn rất cao.
Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong chế biến ngày càng phức tạp, việc xử lý dứt điểm còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân.
Phần lớn thực phẩm tươi sống chưa có nhãn mác, thông tin sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Trả lời báo chí, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện công nhân công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm 2014 đã có quy định bữa ăn công nhân hiện nay thấp nhất là 15.000 đồng, nếu chủ doanh nghiệp không tổ chức được thì công nhân và tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp đó.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương, số liệu được thu thập từ 24 khu chế xuất, khu công nghiệp ở tỉnh này cho thấy, đa số các công ty đặt suất ăn của công nhân với giá 8.000-10.000 đồng nhưng đến khi suất cơm đến miệng công nhân chỉ còn lại 5.000-6.000 đồng.
Cục An toàn thực phẩm họp đề xuất sửa đổi quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm |
Cũng theo số liệu khảo sát, đánh giá của Công đoàn các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, trung bình mỗi bữa ăn ca của công nhân trên địa bàn tỉnh này chỉ có giá khoảng 12.000 đồng/người/bữa.
Đơn vị có mức ăn ca cao nhất là 25.000 đồng/người/bữa, thường là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; đơn vị có mức ăn ca thấp nhất là 10.000 đồng/ người/bữa.
Với mức ăn quá thấp, chỉ 10.000 đồng/suất thì việc lựa chọn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn mất an toàn là điều dễ hiểu.
Theo thống kê của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc tập thể trong mùa hè có xu hướng gia tăng. Có tới 70% vụ ngộ độc là do suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến, giá trị một bữa ăn ca của công nhân tại nhiều nhà máy chỉ khoảng 11.000-12.000 đồng/suất.
Đã vậy, bữa cơm trước khi đến miệng của công nhân cũng đã phải trải qua hàng loạt khâu trung gian, khâu nào cũng đòi triết khấu, hoa hồng, người ở công ty ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn, nên bữa cơm vốn đã teo tóp càng bị bóp hơn.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến những vụ ngộ độc tập thể trong các bếp ăn công nhân do thực phẩm quá hạn sử dụng, có vi khuẩn độc hại; chứa hóa chất vượt ngưỡng cho phép.
Bên cạnh đó, giá trị khẩu phần ăn của công nhân còn thấp khiến thực phẩm không bảo đảm chất lượng vẫn có “cớ” để tuồn vào các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp.
Một điều khá lạ là dù hàng chục vụ ngộ độc, hàng ngàn công nhân phải nhập viện cấp cứu trong một thời gian ngắn nhưng cho đến nay việc xử lý các cá nhân, đơn vị có liên quan vô cùng hạn chế.