Nữ nhà giáo tiêu biểu toàn quốc: “Làm nghề phải yêu lấy nghề”

25/11/2024 07:18
Khánh Hòa
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Bằng tình yêu, sự tận tâm với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Chuyên (tỉnh Điện Biên) là 1 trong 251 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc được vinh danh năm 2024.

Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên (sinh năm 1986), hiện đang giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là một trong 40 nhà giáo đại diện cho khối giáo dục tiểu học được vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.

Cô Chuyên tâm sự, vì tình yêu với nghề, vì tương lai của những đứa trẻ vùng biên, tôi đã học tiếng bản địa, tìm hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương và áp dụng vào công tác giảng dạy. Ảnh: M.T.

Cô Chuyên tâm sự, vì tình yêu với nghề, vì tương lai của những đứa trẻ vùng biên, tôi đã học tiếng bản địa, tìm hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương và áp dụng vào công tác giảng dạy. Ảnh: M.T.

Bó hoa chuối rừng từ sớm tinh mơ giữa ngày 20/11 trời mưa tầm tã

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Phú Thọ, sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm tại Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), cô Chuyên đã nộp hồ sơ xin việc lên mảnh đất Điện Biên - nơi cực Tây Tổ quốc.

Được sự phân công, cô giáo Nguyễn Thị Chuyên về nhận nhiệm vụ tại Trường Tiểu học Mường Toong số 1 (nay là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1), nằm ở huyện Mường Nhé - vốn là huyện biên giới khó khăn, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ gần 200km.

Cô Chuyên nhớ lại: “Lần đầu tiên khi lên xe khách đến với Mường Nhé, tôi đã phải đi mất cả một ngày dài, đường đất quanh co, bụi bặm. Điều ấn tượng và níu giữ những giáo viên miền xuôi như chúng tôi ở lại, chính là con người nơi đây. Khi đặt chân đến các điểm trường lẻ, chúng tôi được bà con trân trọng, học sinh vô cùng quý mến.

Công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như Mường Nhé, tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, động viên từ đồng nghiệp đi trước, các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của bà con địa phương”.

Cô Nguyễn Thị Chuyên (ngoài cùng, bên trái) đạt giải giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2024. Ảnh NVCC.

Cô Nguyễn Thị Chuyên (ngoài cùng, bên trái) đạt giải giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2024. Ảnh NVCC.

Chia sẻ về khó khăn trong những ngày đầu mới bước vào nghề, cô Chuyên tâm sự: “Thời gian đầu, do sự bất đồng về ngôn ngữ với các em học sinh vùng cao, nên tôi cảm thấy vô cùng “bất lực”. Nhưng vì tình yêu với nghề, vì tương lai của những đứa trẻ vùng biên, tôi đã học tiếng bản địa, tìm hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương và áp dụng vào công tác giảng dạy”.

Nữ giáo viên chia sẻ, quá trình dạy học ở vùng cao đã mang đến cho cô nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt khi mới bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại Điện Biên và nhận được những món quà bất ngờ từ các em học sinh.

Cô Chuyên luôn dành tình cảm đặc biệt với các em học sinh vùng cao. Ảnh NVCC.

Cô Chuyên luôn dành tình cảm đặc biệt với các em học sinh vùng cao. Ảnh NVCC.

Khi được hỏi về một kỉ niệm ấn tượng với ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Chuyên bộc bạch: “Trong suốt những năm tháng gắn bó với nền giáo dục vùng cao, tôi có rất nhiều kỉ niệm vui, buồn. Kỉ niệm khiến tôi nhớ nhất, có lẽ là vào năm 2007, khi tôi được phân công giảng dạy tại điểm trường lẻ cách điểm trường trung tâm khoảng 10km. Do đường đi lại khó khăn, nên giáo viên sẽ ở lại bản cùng bà con.

Sáng sớm tinh mơ ngày 20/11 năm đó, trời mưa tầm tã. Khi cô giáo vẫn còn đang say ngủ, đã nghe thấy tiếng gọi í ới của các em học sinh mang quà đến tặng. Món quà đơn sơ chỉ là những bó hoa rừng đã hái từ chiều hôm trước, ở giữa có cài một bông chuối đỏ tươi.

Dù đã trải qua bao nhiêu năm, nhưng bó hoa rừng ấy là món quà đầu tiên trong sự nghiệp dạy học của tôi. Mỗi lần nhớ lại, tôi đều không khỏi xúc động. Thực sự, đây chính là động lực để tôi yêu nghề hơn, thương các em và phấn đấu nhiều hơn nữa vì sự nghiệp giáo dục, vì tương lai của các em nhỏ nơi vùng núi khó khăn”.

Cô Nguyễn Thị Chuyên cùng các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Ảnh NVCC.

Cô Nguyễn Thị Chuyên cùng các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Ảnh NVCC.

“Làm nghề phải yêu lấy nghề”

Cô giáo Chuyên luôn tâm niệm: “Làm nghề phải yêu lấy nghề, phải có tình yêu với con trẻ và muốn được cống hiến cho nghề. Với sự đam mê, nhiệt huyết, tận tâm, nghề giáo luôn là nghề được xã hội trân trọng”.

Khi dạy học ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, không chỉ bản thân cô Chuyên mà những đồng nghiệp khác luôn cố gắng tận dụng mọi nguồn lực để đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất cho các em học sinh.

3. Cô Nguyễn Thị Chuyên 4.JPG
Cô Chuyên luôn gần gũi, chăm sóc học trò từng bữa ăn, giấc ngủ. Ảnh: M.T.

Cô Chuyên tâm sự: “Tôi luôn dành cho các em học sinh tình cảm đặc biệt để các em cảm thấy được yêu thương, quan tâm. Tôi muốn các em biết, dù bố mẹ các em bận bịu với công việc để lo cơm áo gạo tiền, thì ở trường, vẫn còn các thầy cô luôn sẵn sàng giúp đỡ, yêu thương các em vô điều kiện. Không chỉ là giáo viên đứng lớp, chúng tôi còn là cha mẹ, là bạn đồng hành của các em”.

Với vai trò chủ nhiệm của các lớp với tỉ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%, cô giáo Nguyễn Thị Chuyên cho biết, việc duy trì sĩ số vẫn luôn là một trong những thách thức của nhiều thầy cô. Tuy nhiên, lớp cô Chuyên chủ nhiệm luôn đạt tỉ lệ 100% học sinh ra lớp, không có hiện tượng học sinh bỏ học hay nghỉ học sau những kì nghỉ lễ. Đó là một trong những “thành tựu” đầy ấn tượng đối với các thầy cô “bám bản” suốt nhiều năm qua.

3. Cô Nguyễn Thị Chuyên 3.JPG
Cô Chuyên hướng dẫn học sinh dọn dẹp vệ sinh sau khi ăn bán trú tại trường. Ảnh: M.T.

Bên cạnh đó, nữ giáo viên còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội, cộng đồng. Cô Chuyên luôn hăng hái tham gia các hoạt động do tổ chức công đoàn phát động và giao nhiệm vụ; nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, động viên thăm hỏi đồng nghiệp. Tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ, quyên góp từ thiện do các tổ chức trong và ngoài cơ quan phát động...

Suốt hành trình gắn bó với giáo dục vùng khó, cô giáo Nguyễn Thị Chuyên cũng đã có một số danh hiệu và thành tích nổi bật: Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen năm học 2020-2021; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm học 2022-2023; danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong các năm học 2012-2013, 2016-2017, 2019-2020 và năm học 2023-2024. Có 5 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả ở cấp trường, huyện.

Chia sẻ thêm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Chuyên bày tỏ: “Khi biết bản thân được nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Đây không chỉ là kết quả cố gắng của riêng cá nhân tôi, mà còn đại diện cho rất nhiều thầy, cô giáo, cán bộ công nhân viên đang công tác trong ngành giáo dục của tỉnh Điện Biên. Đối với tôi, đây giống như một nguồn động lực cũng như sự ghi nhận sau 18 năm gắn bó với nghề”.

Khánh Hòa