Luật còn nhiều sơ hở
ĐB Nguyễn Ngọc Bảo nhận định, trong bộ máy điều hành của nhà nước đang tồn tại nhiều bất ổn, bộ máy cồng kềnh, hiệu quả thì thấp, dẫn đến tham nhũng lãng phí rất rộng, nhất là ở cấp cơ sở, ngày càng làm mất lòng tin của người dân.
“Chúng ta đã nói nhiều tới định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền, phải được xây dựng trên nền pháp luật minh bạch, nhưng thực tế là luật của ta lại quá nhiều sơ hở, cho nên ở điểm này cần phải nghiêm túc xem lại. Cứ nhìn vào một đất nước mà có nhiều tham nhũng thì mặc nhiên hệ thống pháp luật của nước ấy còn nhiều kẽ hở…
Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, các dự án sử dụng vốn nhà nước thì khó quy được trách nhiệm, điển hình là các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài ngành, lỗ lớn mà cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm. Thí dụ như vụ Vinashin, thất thoát hàng nghìn tỷ nhưng bây giờ không thu hồi được. Tôi thấy lạ là tiền thì từ chỗ này ra chỗ khác chứ có biến mất được đi đâu mà lại không truy ra được?”, ông Bảo cho hay.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo. |
Cũng theo ông Bảo, bây giờ nói đến cơ quan công quyền là người dân cảm thấy mất lòng tin, điều đó cũng phản ánh việc chống tham nhũng còn rất nhiều điều phải bàn.
“Tôi cho là chúng ta chống tham nhũng nhưng chưa thật căn cơ, chưa thật quyết liệt, và đa số các vụ đã tìm ra chỉ là tham nhũng vặt, còn lại những vụ lớn thì chỉ khi nào báo chí điểm mặt chỉ tên rõ lắm rồi thì mới bị xử lý, điều đó cho thấy trong cả một thời gian dài những đơn vị, cá nhân có chức quyền sai phạm mà cơ quan quản lý không tìm ra (hoặc lờ đi).
Bên cạnh đó, tôi thấy có những việc làm rất hình thức, như kê khai tài sản. Tôi mong việc kê khai tài sản này phải có cơ quan nào đó chịu trách nhiệm thẩm định đưa vào hồ sơ, như vậy thì mới có hiệu quả được. Kê khai như hiện nay là làm ngược, cấp dưới điều tra cấp trên là không được”.
Đồng tình với những phát biểu của ĐB Nguyễn Ngọc Bảo, ĐB Trần Quang Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, rất khó triệt hạ hoàn toàn được tham nhũng, nhưng nếu làm tốt thì sẽ hạn chế tối đa vấn nạn này. Từ đó, ĐB Tuấn nêu ra 6 vấn đề cần thực hiện:
Thứ nhất, thực hiện tốt công tác kê khai tài sản: Thời gian qua làm công tác kê khai tài sản mang tính hình thức, qua tiếp xúc với một số bản kê khai tài sản thì chúng tôi thấy không thật. Theo tôi, nên xây dựng luật kê khai tài sản, đầu tiên áp dụng với cán bộ ở những vị trí quan trọng có thể xảy ra tham nhũng, sau đó nhân rộng ra.
Thứ hai, cần đẩy nhanh việc cấp mã số định danh, ở nhiều nước đã làm vấn đề này rất tốt như Thái Lan, Singapore… mỗi công dân có một mã số định danh và họ quản lý rất tốt thu nhập. Chỉ cần nhập vào mã số định danh là người ta biết anh có bao nhiêu tiền, thu nhập hiện nay bao nhiêu, và do đó người cán bộ sẽ không dám nhận khoản tiền không rõ ràng.
Thứ ba, hạn chế việc sử dụng quá nhiều tiền mặt như hiện nay, vì sử dụng tiền mặt nhiều thì dẫn tới né thuế, trốn thuế và nhiều khoản chi phí không rõ ràng.
Thứ tư, phát huy vai trò của các tổ chức Đảng. Chẳng hạn như Ban Nội Chính Tư CÓ THỂ kiểm tra được… han chế được các vụ án tham nhũng. Khi có dấu hiệu thì chỉnh đốn, nhắc nhở ngay để mang tính ngăn chặn.
Thứ năm, hoàn thiện hệ thống pháp luật, không có kẽ hở, tăng nặng hình thức xử các vụ án, áp dụng theo một số nước đã làm là khi phát hiện có tham nhũng thì tịch thu tài sản để xung quỹ.
Thứ sáu, hoàn thiện hệ thống tiền lương, làm sao để mức lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu.
Đã tìm được giải pháp, vì sao tham nhũng không giảm?
Đây là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM). Bà Tâm đánh giá, tác hại của tham nhũng rất lớn, không chỉ làm trì trệ sự phát triển nền kinh tế mà còn làm sụt giảm niềm tin của nhân dân với hệ thống các cơ quan công quyền.
“Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã chỉ rõ, qua phòng chống tham nhũng thấy rằng, còn có một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo suy thoái đạo đức, tư tưởng, lối sống. Về mặt thực tiễn, theo tôi trước hết phải xem lại cơ chế quản lý nhà nước. Vì sao có thể tham nhũng được? Đã định dạng được tham nhũng, giải pháp có rồi, nhưng tại sao tham nhũng không giảm?
Từ đó, chúng ta cần xem lại cơ chế quản lý. Một trong những vấn đề mà tôi suy nghĩ là nếu còn cơ chế xin cho thì tham nhũng không giảm được. Ngoài giảm cơ chế xin cho thì phải minh bạch trong chính sách, minh bạch trong thủ tục. Chúng ta đã nói nhiều về cải cách thủ tục hành chính, nhưng thực tế vẫn còn quá nhiều bất cập”.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Luật (ĐBQH đoàn Kiên Giang) - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội thì băn khoăn, mỗi năm các cơ quan chức năng tiến hành hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra mà chỉ phát hiện được vài vụ tham nhũng nhỏ, không tương xứng với những thất thoát lãng phí mà ngân sách đang phải gánh.
"Vấn đề nằm ở nghịch lý, hoạt động của thanh tra nhiều trường hợp gần như giúp hợp pháp hóa các sai phạm bộc lộ của đơn vị được thanh tra. Đáng ra, khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng khi thanh tra, cơ quan thanh tra cần gửi ngay báo cáo đến CQĐT (trong vòng 5 ngày) nhưng thực tế nhiều nơi không làm vậy. Thường trước đó, phát hiện vấn đề, thanh tra lại báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính địa phương (ví dụ Chủ tịch tỉnh) xin ý kiến, nếu được sự đồng ý mới gửi báo cáo tới CQĐT. Việc này, rõ ràng giúp hợp pháp hóa sai phạm", ông Luật nêu thực trạng.
Còn ĐBQH Lê Đông Phong (đoàn TP.HCM) thống nhất với báo cáo của Chính phủ là các ngành chưa thường xuyên quan tâm tới công tác chống tham nhũng, đồng thời cũng chỉ rõ những mặt còn hạn chế.
“Theo tôi, trong những nguyên nhân nêu ra vẫn chưa làm được những mặt còn tồn tại, chưa chỉ rõ những việc cụ thể dẫn tới phát sinh, thí dụ như tài chính ngân hàng xoay quanh nó là rất phức tạp, chỉ khi đưa ra khởi tố mới tập trung nói về nó. Nhưng trong quá trình quản lý thường xuyên, giám sát ra sao, kiểm tra thế nào thì chưa được sâu, chẳng hạn như vụ án Nguyễn Đức Kiên và một số vụ án lớn gần đây, khi phát hiện ra thấy đủ vấn đề thì mới đi giải quyết hậu quả mới nói về nó, còn không nói tới giải pháp ngăn ngừa để xảy ra”, ông Phong nói.