Một ngày nữa, TP.HCM sẽ thu phí đường bộ cho xe máy

30/12/2014 16:49
Thế Phú
(GDVN) - Dù vẫn còn rất nhiều băn khoăn, thắc mắc của các đại biểu HĐND TP.HCM, TP.HCM vẫn quyết định thông qua, thu phí sử dụng đường bộ dành cho xe gắn máy từ 1/1.

Sáng ngày 30/12, HĐND TP.HCM khóa VII đã tổ chức kỳ họp bất thường, lần thứ 17 để thông qua một số tờ trình quan trọng của UBND TP.HCM.

Những băn khoăn, thắc mắc về việc thu phí sử dụng đường bộ

Phát biểu tại kỳ họp bất thường này, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM đã bày tỏ những băn khoăn của mình, về tờ trình của UBND TP.HCM xung quanh vấn đề thu phí sử dụng đường bộ.

Đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng, trước khi chủ trương này đi vào thực tế, cần cân nhắc đến chế tài xử phạt nếu vi phạm không đóng phí, miễn sao thuyết phục được người dân, cần nhìn vào kinh nghiệm của các tỉnh để rút ra bài học riêng cho TP.HCM.

Cũng liên quan đến vấn đề chế tài nếu vi phạm, đại biểu Lâm Thiếu Quân thì đề nghị cần phải có các quy định chi tiết hơn về việc này, để có các cơ sở xử phạt về sau này.

Đại biểu Huỳnh Quốc Cường cho biết, theo đúng quy định, HĐND cấp tỉnh, TP hoàn toàn có quyền quy định mức thu, tỷ lệ phân chia mức thu, Đại biểu Cường đề xuất, TP.HCM chỉ nên quy định có 2 mức thu là 50.000 đồng, 100.000 đồng, áp dụng cho các loại xe gắn máy có dung tích đến 100 phân khối, và từ 110 – 175 phân khối.

Một số các ý kiến được đưa ra tại kỳ họp đã đề nghị, nên nghiên cứu để lại 100% mức phí thu được dành cho các huyện ngoại thành, để duy tu, xây dựng đường sá. Chủ tịch UBND quận 12 – TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng đưa ra ví dụ: Toàn bộ Q.12 có khoảng 18.000 xe gắn máy các loại, nếu thu đủ thì hàng năm cũng được thêm vài chục tỷ đồng cho ngân sách của quận để duy tu cơ sở hạ tầng đô thị.

Dù còn nhiều băn khoăn, thắc mắc nhưng TP.HCM vẫn quyết định thu phí sử dụng đường bộ cho xe máy (Ảnh minh họa)
Dù còn nhiều băn khoăn, thắc mắc nhưng TP.HCM vẫn quyết định thu phí
sử dụng đường bộ cho xe máy (Ảnh minh họa)

Các ý kiến còn lại của đại biểu HĐND TP.HCM cho là nên bổ sung thêm nhiệm vụ cho Thanh tra Sở GTVT TP.HCM được phép kiểm tra thêm phí sử dụng đường bộ. Thế nhưng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Nguyễn Hữu Tín đã bác ý kiến này.

Giải thích của lãnh đạo TP.HCM cho thấy, giấy chứng nhận đã đóng phí sử dụng đường bộ không bắt buộc người dân phải mang theo khi đi ra đường, nên không thể bổ sung thêm chức năng cho lực lượng Thanh tra Sở GTVT TP.HCM.

Từ 1/1/2015, TP.HCM sẽ thu phí sử dụng đường bộ

Tại kỳ họp bất thường này, các đại biểu HĐND TP.HCM đã nhất trí thông qua tờ trình của UBND TP.HCM, thu phí sử dụng đường bộ áp dụng theo đầu phương tiện, đối với xe gắn máy trên địa bàn TP.HCM, bắt đầu từ ngày 1/1/2015.

Theo tờ trình của TP.HCM, mức đề xuất thu là 50.000 đồng/xe/năm áp dụng cho xe có dung tích xy lanh đến 100 phân khối, , xe có dung tích từ 110 đến 175 phân khối sẽ đóng 100.000 đồng/xe/năm, xe có dung tích trên 175 phân khối sẽ đóng 150.000 đồng/xe/năm.

Quy định việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ áp dụng cho xe gắn máy bắt đầu từ năm 2013, nhưng do đặc điểm và tình hình TP.HCM đã triển khai chậm nhất trên cả nước, nên UBND TP.HCM kiến nghị HĐND TP không cho truy thu, nộp phí của các năm 2013, 2014.

Đối tượng được miễn đóng phí này là các xe của: lực lượng quân đội, công an, chủ xe đứng tên trên giấy đăng ký là sinh viên – học sinh đang học tại các trường học đóng trên địa bàn TP.HCM, những người có công với cách mạng và thân nhân của người có công.

Mọi xe gắn máy đều phải đóng loại phí này, kể cả các loại xe có gắn biển số kiểm soát của TP.HCM, của các tỉnh, TP khác nhưng có tham gia lưu thông trên địa bàn TP.HCM. Xe nào đã đóng phí sử dụng đường bộ tại các tỉnh, TP khác, còn giữ lại chứng từ thì sẽ không phải đóng ở TP.HCM nữa.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.HCM phát biểu: Người dân và đại biểu HĐND TP.HCM đặc biệt quan tâm tới công tác tổ chức thu, làm sao cho công bằng, hợp lý, minh bạch, khoa học và tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để người dân nộp phí.

Song song đó, bà Tâm còn đề nghị các cơ quan chức năng của TP cần phải đảm bảo nguồn kinh phí đóng góp của người dân sử dụng đúng mục đích, phục vụ cho người dân. Cần phải nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ, tạo sự đồng thuận cao của người dân trong việc vận động thu, đồng thuận với các quy định của Nhà nước.

“Trong quá trình thực hiện, nếu có các phát sinh, vướng mắc cần phải báo cáo kịp thời để TP.HCM có kiến nghị lên Chính phủ điều chỉnh các đối tượng được miễn giảm. Vận động, giải thích, tuyên truyền sâu rộng trong người dân để nhận thức đúng về quyền hạn và nghĩa vụ của mình” – bà Tâm nhấn mạnh.

Thế Phú