"Nhiều cơ quan báo chí đang là gánh nặng cho ngân sách nhà nước"

04/11/2015 09:43
GS.Nguyễn Minh Thuyết
(GDVN) - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nhận định: "Đây là hậu quả của chính sách bao cấp tràn lan, thiếu quy hoạch hợp lý trong một thời gian dài, cần sớm được khắc phục"

LTS: Theo dự kiến chương trình kỳ họp, chiều nay Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Để góp phần hoàn thiện Luật Báo chí (sửa đổi), Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết, góp ý của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Chủ động trong quản lý báo chí hơn là thụ động

Quyền tự do báo chí là một trong những quyền công dân mà Hiến pháp ghi nhận tại Điều 25 cũng phải được điều chỉnh theo các quy định trên.

Tuy nhiên, theo Điều 16 dự thảo Luật, đối tượng được thành lập cơ quan báo chí chỉ là “cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp” và “các tổ chức khác của Nhà nước do Chính phủ quy định”.

Khó có thể nói rằng việc hạn chế đối tượng được thành lập cơ quan báo chí chỉ trong phạm vi các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan Nhà nước và các tổ chức “của Nhà nước” là phù hợp với cam kết “công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm” quyền con người, quyền công dân tại Điều 14 và “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” tại Điều 16 của Hiến pháp.

Như vậy, chỉ có thể hiểu rằng việc hạn chế xuất phát từ các lý do quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

GS.Nguyễn Minh Thuyết nhận định, việc phát triển ồ ạt báo chí trong những năm qua trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước. ảnh: Ngọc Quang.
GS.Nguyễn Minh Thuyết nhận định, việc phát triển ồ ạt báo chí trong những năm qua trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước. ảnh: Ngọc Quang.

Ở Việt Nam thực ra cũng không phải chỉ có một loại hình duy nhất là báo chí thuộc các cơ quan, tổ chức “của Nhà nước”.

Chính dự thảo luật cũng thừa nhận thực tế này tại khoản 2 Điều 27 khi quy định về tiêu chuẩn người đứng đầu cơ quan báo chí của “các tổ chức tôn giáo, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học cơ bản chuyên ngành và những trường hợp đặc biệt khác” và tại khoản 6 Điều 21 khi quy định về thủ tục cấp giấy phép hoạt động cho trang thông tin điện tử tổng hợp của doanh nghiệp.  

Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi, hiện nay, trong các tổ chức tôn giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tổ chức thành viên, trực thuộc có 1 đài truyền hình (Truyền hình An Viên), 4 tạp chí (Tạp chí Nghiên cứu Phật học và Tạp chí văn hóa Phật học của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập năm 1990; Tạp chí Khuông Việt của Học viện Phật Giáo Việt Nam; Tạp chí Thế giới Phật giáo của Thành hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh) và các báo Giác Ngộ Online (thành lập năm 1996), Nguyệt san Giác Ngộ (phụ trương của Giác Ngộ Online) của Thành hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, hiện có hơn 80 trường đại học tư thục, trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài và hàng chục viện, trung tâm nghiên cứu ngoài công lập.

Các đơn vị này đều có nhu cầu ra tạp chí, tập san để thông tin về hoạt động của mình, công bố và trao đổi về kết quả nghiên cứu của mình, và trên thực tế, nhiều tạp chí, tập san của các đơn vị đã ra đời.

Trong các doanh nghiệp, Công ty Phát triển và Đầu tư công nghệ (FPT) là một doanh nghiệp tư nhân đã thành lập báo điện tử VnExpress từ năm 2001.

Tờ báo này kịp trở thành báo điện tử hàng đầu của Việt Nam và nằm trong top 500 báo điện tử có nhiều độc giả nhất thế giới trước khi Thủ tướng Chính phủ giao nó cho Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý vào năm 2008.

Một số tên tuổi khác trong báo giới Việt Nam như báo điện tử VietNamNet, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC do các doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam VNPT, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC) thành lập. Khi các doanh nghiệp này được cổ phần hóa, đài và báo của họ không còn là của doanh nghiệp nhà nước nữa.

Mãi đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ mới giao VietNamNet và Đài truyền hình VTC cho Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý (từ tháng 5/2015, VTC trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam).

"Nhiều cơ quan báo chí đang là gánh nặng cho ngân sách nhà nước" ảnh 2

Xót xa, tự ái dân tộc vì năm 2069 Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan

Ngoài ra, do thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, một số cơ quan cấp tổng cục đã chuyển thành tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Thí dụ như Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Hàng không dân dụng Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam… Các doanh nghiệp này này cho đến nay vẫn tiếp tục xuất bản những ấn phẩm báo chí chuyên ngành của cơ quan nhà nước trước đây.

Bên cạnh sự tồn tại các “cơ quan báo chí” độc lập của tổ chức tôn giáo, trường đại học và viện nghiên cứu ngoài công lập, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, còn có một thực tế đáng quan tâm đang diễn ra hiện nay là ngày càng có nhiều cơ quan báo chí liên kết với tổ chức, cá nhân ra các ấn phẩm phụ của báo in, sản xuất các chương trình, kênh giải trí trên đài phát thanh, truyền hình.

Điều 46 dự thảo Luật Báo chí sửa đổi đã thừa nhận sự liên kết này bằng quy định: “Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật sau khi được sự đồng ý của cơ quan chủ quản”.

Sự tham gia của tư nhân vào hoạt động báo chí đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của báo chí, làm cho báo chí đa dạng hơn, sinh động hơn, hấp dẫn hơn.

Tuy vậy, thời gian qua, không ít lần Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải xử phạt các hành vi vi phạm Luật Báo chí, chủ yếu xảy ra ở hoạt động liên kết.

Theo chúng tôi, những hành vi vi phạm này xảy ra là do đối tác liên kết của cơ quan báo chí nhà nước không phải chịu trách nhiệm chủ yếu về sản phẩm báo chí liên kết.

Nếu họ không phải “núp bóng” cơ quan báo chí nhà nước mà được đứng ra tổ chức báo của mình thì hẳn là ý thức trách nhiệm sẽ cao hơn.

Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, ở các nước này, báo chí chủ yếu là của tư nhân, tuy rất đa dạng về quan điểm, phong cách nhưng đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật, trước hết là quy định của các bộ luật hình sự, dân sự.

Những hành vi đưa tin sai sự thật, xúc phạm tổ chức, cá nhân, tiết lộ bí mật quốc gia, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác có thể dẫn đến những án phạt rất nặng, thậm chí dẫn đến phá sản là điều mà không một chủ báo nào không sợ.

Về cơ sở pháp lý, thực ra, việc thừa nhận báo chí tư nhân không chỉ phù hợp với Hiến pháp mà còn phù hợp với quy định của Luật Báo chí hiện hành và của chính Điều 1 dự thảo Luật Báo chí sửa đổi: “Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là diễn đàn của nhân dân”.

Với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp và trong Luật Báo chí, công dân có quyền lập diễn đàn của mình dưới nhiều hình thức – hoặc tham gia trao đổi các vấn đề kinh tế - xã hội trên các cơ quan ngôn luận “của Nhà nước” hoặc thành lập diễn đàn của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của diễn đàn.

Trước một việc sớm muộn cũng diễn ra, chủ động nghiên cứu, ban hành quy phạm pháp luật để điều chỉnh sẽ tốt hơn là ứng phó một cách thụ động.

Theo chúng tôi, về đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, tốt nhất nên quy định: “Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí là cơ quan nhà nước Việt Nam và các tổ chức hợp pháp của Việt Nam. Chính phủ quy định việc xuất bản, phát hành ấn phẩm của cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam”.

Quá nhiều báo chí đang là gánh nặng cho ngân sách

Trong khi giữ thái độ dè dặt, chỉ chấp nhận sự tham gia của tư nhân vào hoạt động báo chí dưới hình thức liên kết với cơ quan báo chí “nhà nước”, dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lại mở cửa khá rộng với cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội các cấp.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tới nay, cả nước đã có trên 800 cơ quan báo chí, với gần 1.500 ấn phẩm, 68 đài phát thanh, truyền hình. Thậm chí, một số địa phương còn tổ chức đài phát thanh - truyền hình cấp huyện.

Sự phát triển của báo chí thể hiện tác động tích cực của Luật Báo chí trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong khi vẫn duy trì chế độ bao cấp về xuất bản và phát hành đang đặt ra những vấn đề cần được điều chỉnh kịp thời.

Đại bộ phận báo, đài hiện nay vẫn được Nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần về nhân sự, trụ sở, trang thiết bị, chi phí in ấn và được phát hành tới các đơn vị hành chính, các tổ chức chính trị, xã hội cũng bằng ngân sách nhà nước.

Số cơ quan báo chí tự cân đối thu chi một cách thực sự chỉ vào khoảng trên dưới 10 đơn vị và cũng chỉ đối với khoảng vài chục ấn phẩm báo chí; chỉ một vài đài phát thanh - truyền hình có thính giả, khán giả thường xuyên.

Một số cơ quan báo chí còn đồng thời sở hữu nhiều loại hình báo chí, như Thông tấn xã Việt Nam có bản tin, báo in, báo điện tử và kênh truyền hình riêng; Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có báo in, báo điện tử và kênh truyền hình.

Báo chí sẽ được thu hẹp số lượng để nâng cao chất lượng. ảnh: Báo Thanh Niên
Báo chí sẽ được thu hẹp số lượng để nâng cao chất lượng. ảnh: Báo Thanh Niên

Bên cạnh đó, một số ngành cũng thành lập riêng các đài truyền hình của mình. Sắp tới một kênh truyền hình cũng được thành lập ở Báo Nhân Dân. Có thể nói đây là hậu quả của chính sách bao cấp tràn lan, thiếu quy hoạch hợp lý trong một thời gian dài, gây lãng phí lớn về thời gian, công sức và tiền của, cần sớm được khắc phục.

Đáng tiếc là dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này không những không đưa ra được quy định điều chỉnh tình trạng nói trên mà còn tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và chi phí xã hội bằng quy định tại Điều 7 về việc lập Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí với nguồn “hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác”.

"Nhiều cơ quan báo chí đang là gánh nặng cho ngân sách nhà nước" ảnh 4

Điểm nào cũng đỗ đại học thì chỉ nghèo thêm

Theo tôi, để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời nâng cao chất lượng báo chí, Luật Báo chí cần quy định rõ các mô hình tổ chức báo chí, cụ thể là 3 mô hình sau:

Thứ nhất, mô hình “cơ quan nhà nước”, chỉ bao gồm cơ quan báo chí của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ (Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Đại biểu nhân dân).

Các đơn vị này được ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn toàn về trụ sở, phương tiện làm việc, lương và công tác phí; nhưng việc phát hành, đơn vị phải tự lo.

Thứ hai, mô hình “đơn vị sự nghiệp có thu”, bao gồm cơ quan báo chí của các bộ ngành; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức chính trị,  tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương. Cơ quan chủ quản có trách nhiệm đảm bảo cung cấp trụ sở, phương tiện làm việc khi thành lập đơn vị; còn toàn bộ hoạt động của đơn vị theo nguyên tắc tự cân đối thu chi.

Thứ ba, mô hình “doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện”, bao gồm báo chí của tổ chức khác, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa.

Trên cơ sở quy định này, Chính phủ sẽ xác định lộ trình để các bộ, ngành, địa phương, tổ chức sắp xếp lại cơ quan báo chí của mình phù hợp với yêu cầu phát triển và khả năng của nền kinh tế.

Đối với hoạt động phát thanh - truyền hình, cần tách tổ chức truyền dẫn, phát sóng khỏi các đài phát thanh - truyền hình, thu gọn đầu mối để tránh tình trạng lãng phí do các đài chồng lấn sóng nhau và đài nào cũng phải liên tục nâng cấp trang thiết bị như hiện nay.

GS.Nguyễn Minh Thuyết