Nhiều thanh niên sẵn sàng làm sai, vi phạm pháp luật

04/08/2015 10:59
Ngọc Quang
(GDVN) - 41% thanh niên Việt Nam sẵn sàng nói dối để bảo vệ thu nhập gia đình; 20% sẵn sàng vi phạm pháp luật để giúp đỡ gia đình, bạn bè.

Những con số này được công bố sau cuộc khảo sát Liêm chính trong Thanh niên năm 2014 (gọi tắt là YIS 2014), do tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) – cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) phối hợp cùng một số tổ chức thực hiện.

Cuộc khảo sát được thực hiện ở 11 tỉnh khác nhau, với 1.110 thanh niên Việt Nam (trong độ tuổi 15 - 30) và 432 người lớn tuổi (nhóm đối tượng kiểm chứng, trên 30 tuổi).

Tiêu chí áp dụng định nghĩa liêm chính của tổ chức Minh bạch Quốc tế được hiểu là “những hành vi và hành động phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức, được các cá nhân cũng như tổ chức chấp nhận, tạo nên rào cản đối với tham nhũng.

Nhiều thanh niên sẵn sàng làm sai, vi phạm pháp luật

Kết quả khảo sát cho thấy, thanh niên Việt Nam đề cao các giá trị gắn liền với liêm chính. Tuy nhiên, họ có xu hướng “nới lỏng” các giá trị này khi đặt chúng bên cạnh vấn đề liên quan đến lợi ích của gia đình hay tình cảm với bạn bè và người thân.

Thanh niên vẫn nhận thức rất rõ về những điều đúng, sai. 94% cho rằng, trung thực quan trọng hơn giàu có. 82% cho rằng, tuân thủ pháp luật và liêm chính quan trọng hơn giàu có. 89% đồng ý rằng, một người liêm chính không gian lận và 95% cho rằng một người liêm chính không nhận hay đưa hối lộ.

Khoảng 85% cho rằng thiếu liêm chính rất nguy hại cho đất nước, gia đình và bản thân họ. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn trong mức độ nhận thức về tầm quan trọng của liêm chính, đặc biệt là giữa nhóm thanh niên có trình độ học vấn thấp (tới bậc tiểu học) và cao (trên bậc trung học phổ thông), trong đó nhóm thanh niên có trình độ học vấn cao có mức độ hiểu biết và sẵn sàng tham gia phỏng vấn, chống tham nhũng cao hơn.

Tuy nhiên, so với kết quả khảo sát năm 2011 ở điều kiện kinh tế và trinh độ học vấn, thanh niên hiện nay có xu hướng đặt vấn đề tăng thu nhập gia đình và sự giàu có cao hơn liêm chính.

Thanh niên cũng dễ dàng thỏa hiệp quan điểm về liêm chính khi thu nhập của gia đình hay tình cảm với bạn bè và người thân bị ảnh hưởng. Cụ thể, số thanh niên cho rằng có thể chấp nhận nói dối hay gian lận trong những tình huống như vậy đã tăng từ 35% (2011) lên 41% (2014), trong đó tỷ lệ gia tăng rõ nhất là ở nhóm thanh niên có trình độ học vấn thấp.

Kết quả khảo sát liêm chính trong thanh niên Việt Nam được công bố sáng nay (4/8). ảnh: Ngọc Quang.
Kết quả khảo sát liêm chính trong thanh niên Việt Nam được công bố sáng nay (4/8). ảnh: Ngọc Quang.

Tuy nhiên, ở nhóm thanh niên có trình độ học vấn cao hơn, mức độ sẵn lòng nhận hối lộ nhỏ có xu hướng giảm.

Thanh niên đánh giá nhiều dịch vụ công "rất kém"

Nhưng điều đáng buồn là khi đề cập tới một số dịch vụ công như y tế, thủ tục hành chính, cảnh sát giao thông, giáo dục công… có hơn 1/3 thanh niên tham gia khảo sát cho biết đã gặp hiện tượng tham nhũng khi làm việc với cảnh sát giao thông, gần ¼ đã gặp tham nhũng trong lĩnh vực y tế và 1/5 đã gặp tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.

Đối với những đơn vị cung cấp dịch vụ công, cơ quan hành chính trung ương/địa phương; Cảnh sát giao thông; Giáo dục công; Y tế công

So với năm 2011, đánh giá của thanh niên về tính liêm chính của các cơ quan cung cấp dịch vụ công năm 2014 có xu hướng xấu đi. Chỉ có tối đa 6 - 8% đánh giá “rất tốt” về mức độ liêm chính của các cơ quan này, tức là chỉ bằng ½ của năm 2011.

Nhiều thanh niên sẵn sàng làm sai, vi phạm pháp luật ảnh 2

 Ngành giáo dục còn nhiều dang dở, Bộ trưởng Luận sẽ làm gì?

Tỷ lệ đánh giá “rất tốt” của thanh niên về cơ quan hành chính địa phương và trung ương cũng như về các lĩnh vực y tế, cảnh sát giao thông, giáo dục công thì đều giảm, trong khi đó tỷ lệ đánh giá “rất kém” lại tăng ở tất cả các lĩnh vực, trừ giáo dục công.

Khi được đề nghị lựa chọn các tình huống cụ thể, mức độ sẵn sàng đưa ra những quyết định vi phạm đạo đức của thanh niên đã tăng so với năm 2011.

Nhiều thanh niên được hỏi đều sẵn sàng thỏa hiệp giá trị liêm chính để đổi lấy việc đỗ một kỳ thi, xin được một loại giấy tờ nào đó, vào được một trường tốt hay một công ty tốt.

Từ những con số khảo sát, tổ chức hướng tới minh bạch đưa ra nhiều khuyến nghị khác nhau, trong đó đáng chú ý đối với các cơ quan phòng chống tham nhũng, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và các cơ sở giáo dục:

Mở rộng phạm vi, nội dung và tăng cường hiệu quả công tác giáo dục về phòng, chống tham nhũng và liêm chính cho thanh niên.

Tích cực hỗ trợ các hoạt động về tăng cường liêm chính trong thanh niên do các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội dân sự hay cơ sở giáo dục thực hiện.

Tập trung các nỗ lực phòng, chống tham nhũng vào những lĩnh vực mà thanh niên dễ gặp phải hiện tượng tham nhũng như giáo dục, y tế.

Khuyến khích sự tham gia của giáo viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh và quá trình thảo luận và đẩy mạnh thực hiện các ý tưởng về liêm chính và một nền giáo dục sạch.

Xây dựng các hệ thống và quy trình phù hợp nhằm đảm bảo liêm chính trong nhà trường và lớp học.

Ngọc Quang