Những câu chuyện chưa kể về cô dâu bị hủy hôn ở Cần Thơ

20/03/2012 06:51
Trường Xuân/Hôn nhân thứ 7
Sau đêm tân hôn mà người chồng không thấy có “dấu vết” gì trên tấm thảm giường màu trắng, cô đã đón nhận sự ghẻ lạnh từ gia đình nhà chồng.
Chú rể Duy và cô dâu Thùy. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Chú rể Duy và cô dâu Thùy. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Cô đúng là nguyên mẫu “con gái Cần Thơ” (còn gọi là “người đẹp Tây Đô”): da trắng tóc đen và dài, lông mày đậm, dáng thon thả, vẻ mặt hiền, chân quê...Khi cô mặc chiếc áo bà ba, chèo xuồng trên Sông Hậu, nhiều chàng trai phải cất lên tiếng hát: “Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm. Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh. Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ. Hậu Giang em vẫn đẹp ngàn đời. Nhớ chiếc xuồng xưa năm nào trên bến cũ. Thương lắm câu hò réo gọi khách sang sông. Áo trắng xuồng đưa mắt cười em khẽ gọi. Người thương ơi em vẫn đợi chờ...”. (Chiếc áo bà ba – Trần Thiện Thanh).

Để rồi cô cũng phải chịu cái quy luật khắc nghiệt của muôn đời: Hồng nhan đa truân. Chưa đủ 18 tuổi cô đã về làm dâu trong gia đình của một “đại gia” do hứa hẹn của người lớn hơn là tình yêu của đôi lứa. Sau đêm tân hôn mà người chồng không thấy có “dấu vết” gì trên tấm thảm giường màu trắng, cô đã đón nhận sự ghẻ lạnh từ gia đình nhà chồng.

Để rồi, khi trên một clip sex vu vơ nào đó phát tán trên mạng, thấp thoáng hình ảnh một cô gái giống cô, “người đẹp Tây Đô” đã đón nhận sự phũ phàng: bị gia đình chồng hủy hôn!

Người đẹp Tây Đô

Cô tên là Nguyễn Đặng Xuân Thùy, sinh năm 1993 trên vùng đất Cái Răng (thành phố Cần Thơ) nổi tiếng “gạo trắng nước trong”. Dòng sông Hậu mênh mông nước ngọt quanh năm luôn chở nặng phù sa đã giúp cho đất đai hai bên bờ phì nhiêu, màu mỡ, tạo nên những “miệt vườn” cây ngon trái ngọt bốn mùa và những cánh đồng trồng lúa mỗi năm 2 – 3 vụ đạt năng suất cao.

Con gái “miệt vườn” nhờ sống dưới bóng mát của cây trái, nhờ tắm dòng nước sông Hậu ngọt lành, nhờ ăn cơm gạo trắng... mà trắng trẻo, xinh đẹp, tính nết lại dịu dàng. Khi nói về vẻ đẹp của con gái Cần Thơ, người ta dùng cụm từ “người đẹp Tây Đô”. Bộ phim “Người đẹp Tây Đô” từng dựa theo nguyên mẫu của một cô gái đẹp đất Cần Thơ, đó là Lâm Thị Phấn. Thủa ấy, vào những năm trước Cách mạng Tháng Tám, khi mới lớn lên, lúc đang đi học, “người đẹp Tây Đô” đã được gia đình vì mê cái mã giàu sang của ông hội đồng ở đất Bạc Liêu mà gả bà về làm dâu.

Cô gái (do diễn viên Việt Trinh đóng trong phim) đã sống khổ nhục, ê chề như người ăn kẻ ở trong cảnh giàu sang của nhà chồng và trong sự đối xử tàn tệ của chồng. Và cô đã quyết định rời bỏ cảnh “chim lồng cá chậu” để dấn thân vào cuộc đấu tranh của dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm.
“Người đẹp Tây Đô” ngày nay gần có số phần gần giống như người đẹp Tây Đô trong phim. Nguyễn Đặng Xuân Thùy khi mới học lớp 10 thì số phận đã được định đoạt bởi sự sắp đặt của người lớn. Cô gái không phải về làm dâu của ông hội đồng có ruộng đất cò bay thẳng cánh mà về làm dâu trong một gia đình “đại gia” ở trung tâm thành phố Cần Thơ, bên bến Ninh Kiều. Cứ ngỡ “người đẹp Tây Đô” Xuân Thùy sẽ sống sung sướng cuộc sống giàu sang nhung lụa bên chồng.

Nhưng không, hầu như không một ngày nào được an hưởng cảm giác “tiểu thư đài các”, để rồi chỉ hơn 10 ngày sau cái đêm “tân hôn oan nghiệt”, cô phải sống trong sự ghẻ lạnh của chồng và cả gia đình chồng. Để rồi sau đó cô phải âm thầm lặng lẽ, tay không trở về nhà cha mẹ ruột với một bản án khủng khiếp bị phía gia đình chồng kết tội: cô đã không còn trinh trước khi về làm vợ, làm dâu; cô đã từng là “diễn viên” đóng một đoạn phim sex bị tung lên mạng (!) Bến nước Ninh Kiều bên bờ sông Hậu là nơi chứng kiến những mối tình thơ mộng của những cô gái Cần Thơ xinh đẹp và hiền dịu.

Nhưng đối với Xuân Thùy thì bến Ninh Kiều như là huyệt mộ chôn vùi tuổi xuân của cô khi mà cuộc hôn nhân ở tuổi mới lớn chỉ kéo dài được vài tuần và đổ vỡ trong ê chề, tủi nhục. Người ta không cần nghe sự thanh minh của cô, người ta cũng không cần nhờ đến cơ quan có trách nhiệm để giám định xem nhân vật trong đoạn phim sex kia có phải là cô hay không..., mọi chuyện đã kết thúc một cách chóng vánh trong đau buồn giống như khi người ta cũng nhanh chóng tác hợp một cuộc hôn nhân chưa đủ độ chín cho một cô gái chưa đủ tuổi!
Nếu như “người đẹp Tây Đô” ngày xưa sau khi thoát khỏi cảnh địa ngục trong gia đình chồng đã tìm thấy con đường rộng thênh thang ở phía trước trong khi không khí hào hùng của dân tộc đánh đuổi ngoại xâm, thì “người đẹp Tây Đô” sau này sau khi rời khỏi nhà chồng đã rơi vào cảnh bế tắc, không người thông cảm, an ủi, ngoài cha mẹ cô cũng ngậm ngùi, tức tưởi.

Với bản án không cần xét xử “mất trinh trước khi có chồng” và “đóng phim sex”, cô gái đã tự giải nỗi oan nghiệt bằng một liều thuốc ngủ để tìm đến cái chết, nhưng gia đình đã kịp thời phát hiện đưa đi bệnh viện cứu chữa. Nhưng rồi cô sẽ phải sống ra sao trong cuộc đời còn lại khi mà “bản án” thì quá nặng, quá oan nghiệt, trong khi cô thì “chân yếu tay mềm”, chưa quen chịu đựng giông bão cuộc đời!

Hôn nhân như tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh

Câu chuyện của Xuân Thùy khiến người ta nhớ lại những cuộc hôn nhân trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Tiểu thuyết gia lừng danh đất Nam Kỳ vốn là một quan huyện Hồ Biểu Chánh thường bắt đầu cuốn tiểu thuyết của mình bằng một cuộc hôn nhân, một cuộc gả ép hoặc cưỡng bức tình cảm nào đó mà nạn nhân là cô gái miệt vườn mới lớn, ngây thơ. Cứ tưởng chuyện cưới gả chỉ theo lời hứa của người lớn, thậm chí theo ánh hào quang của kim tiền, chứ không phải xuất phát từ sự rung động của hai trái tim, chỉ có ở thời của Hồ Biểu Chánh cách đây gần một thế kỷ.

Vậy mà câu chuyện “đời xưa” ấy lại vẫn xảy ra ở thời công nghệ thông tin ngay giữa đất Tây Đô. Cách đây gần ba năm, vào năm 2009, Xuân Thùy mới 16 tuổi, đang học lớp 10. Như bao nữ sinh khác trong trường PTTH Cái Răng, hàng ngày Thùy đến trường trong chiếc áo dài trắng tinh khôi, cùng những ước mơ tươi sáng sẽ được trở thành cô giáo hay y sĩ, những nghề mà cô rất thích.

Thế nhưng, ba của Thùy là ông Nguyễn Văn Ba (nhà ở khu vực Yên Hạ, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) đã hứa gả con cho anh Nguyễn Phúc Duy (27 tuổi) là con ông Nguyễn Hoàng Năm, ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều – là một đại gia nổi tiếng giàu có ở thành phố Cần Thơ. Ông Ba vì mến mộ tài làm ăn của ông chủ hãng nước đá lớn nhất nhì Cần Thơ mà hứa gả con, mà cũng vì ông muốn con gái mình sẽ có được tương lai tươi sáng khi về làm dâu nhà khá giả.

Còn ông Năm cũng hứa hẹn cuộc hôn nhân vì mến tính cách chân thật của người bạn, với lại ông cũng từng có dịp nhìn thấy cô gái Xuân Thùy vừa đẹp người, đẹp nết. Trong khi đó, do là “công tử” trong một gia đình giàu có ở trung tâm thành phố, Nguyễn Phúc Duy đã sớm va chạm với cuộc đời, nhưng cái cảm giác cưới vợ theo sự sắp đặt của người lớn cũng không kém phần thú vị, nên chàng trai không chối từ. Mọi chuyện càng thuận lời hơn khi lần đầu tiên gặp Xuân Thùy, Phúc Duy như bị hớp hồn khỏi vẻ đẹp trẻ trung, dịu dàng của cô gái còn đang tuổi cắp sách đến trường.
Do Xuân Thùy chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, với lại cô gái cũng còn đang đi học, nên hai gia đình chỉ tổ chức lễ hỏi cho Xuân Thùy và Phúc Duy, còn đám cưới sẽ đợi khi nào cô gái được 18 tuổi. Sau lễ hỏi không kém phần rình rang, cô nữ sinh mới qua tuổi dậy thì vẫn được tiếp tục đến trường trong sự trêu chọc của bạn bè.

Chuyện học đối với Thùy bây giờ không còn quan trọng nữa, vì cô chỉ còn đợi thời gian qua đi để đến năm 18 tuổi là bắt đầu làm vợ, làm mẹ. Xuân Thùy và người chồng chưa cưới thỉnh thoảng cũng có những lần đi chơi vào cuối tuần, nhưng quan hệ giữa họ vẫn có khoảng cách cần thiết, một phần do cô gái còn quá ngây thơ, chân chất, một phần do chàng trai là người từng trải muốn giữ sự “thánh thiện” trong hôn nhân cho tới ngày đám cưới chính thức.

Cứ thể, gần hai năm chờ đợi rồi cũng trôi qua một cách bình thường, gia đình hai bên đã chính thức nhìn nhận cô dâu, con rể. Người lớn cũng không quá khắt khe trong chuyện “tiền hôn nhân” như cái thời nhà văn Hồ Biểu Chánh viết tiểu thuyết, vậy mà đôi bạn trẻ vẫn “tự giác” cư xử giống như ông bà họ ngày xưa.
Ngày 14.3.2011, bến sông Ninh Kiều thành phố Cần Thơ chứng kiến một lễ cưới rình rang. Đoàn xe đón dâu hàng chục chiếc kết hoa tươi sặc sỡ từ quận Cái Răng chạy về hướng trung tâm thành phố, làm sôi động đất Tây Đô yên tĩnh, hiền hòa. Ông chủ hãng nước đá đã mời cả ngàn khách tới chung vui tiệc cưới của con mình chứng tỏ gia đình ông hài lòng, hãnh diện về cuộc hôn nhân này. Gia đình sui trai thuộc loại giàu có ở Cần Thơ, họ không cần “môn đăng hộ đối” theo cách của người xưa, họ nghĩ rằng họ không cần bên nhà gái cũng thuộc hàng “đại gia”, mà điều họ hãnh diện là cưới được người con dâu đẹp, tính tình thùy mị dịu dàng.

Trong lễ cưới, trong khi chú rể chứng tỏ sự lịch lãm, từng trải thì cô dâu không dấu được vẻ ngây thơ, chân quê. Lễ cưới diễn ra lúc Xuân Thùy đang học giữa học kỳ 2 năm lớp 12, nên gia đình bên cho cô tiếp tục đi học cho đến khi tốt nghiệp rồi mới tính sẽ tiếp tục cho đi học tiếp hay ở nhà làm vợ và quán xuyến việc nhà. Theo lời kể của cô gái, sau ngày cưới cô nghe mẹ chồng gợi ý bằng câu nói: “Hồi trước đám cưới xong chị ba của con cũng gửi hết nữ trang cho mẹ”, vì vậy nên Thùy mới mang 3,6 lượng vàng 24k gửi bà mẹ chồng.

Để rồi sau đó khi bắt buộc phải rời khỏi nhà chồng trong tủi nhục, cô gái không mang theo bất cứ tài sản gì trong cuộc sống vợ chồng. Đây là hình ảnh thường gặp trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, cô gái bị ruồng bỏ phải rời khỏi nhà chồng bao giờ cũng bị lột hết nữ trang, chỉ được về nhà cha mẹ ruột tay không. Thế nhưng, cô gái trẻ trong câu chuyện này sinh ra ở một thời đại khác, vì vậy mà cô biết đòi hỏi, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Cô đã lên tiếng yêu cầu nhà chồng trả lại những gì chính đáng thuộc về cô theo quy định của pháp luật. Vì vậy mà câu chuyện của “người đẹp Tây Đô” Xuân Thùy tuy cũng kết thúc trong nỗi tủi nhục của cô gái, nhưng nó buộc người lớn hai gia đình phải có trách nhiệm, phải xem xét trả lại sự công bằng cho cô gái. Thậm chí, những cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc để đòi lại sự công bằng cho người phụ nữ trẻ.

Máu đào đêm tân hôn 

Chuyện tình của Xuân Thùy và người chồng tên là Phúc Duy xảy ra sau những câu chuyện tình trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh gần 1 thế kỷ. Ngày nay mọi thứ đã thay đổi rất nhiều so với thời phong kiến – Pháp thuộc, thế nhưng câu chuyện “máu đào đêm tân hôn” thì vẫn như không chút thay đổi. Đã có một thời ông bà ta vì chưa tiếp cận với ánh sáng văn minh mà tự hành hạ mình trong quan niệm “trinh tiết”. Đã có biết bao người đàn bà người dì đã phải đau khổ, tủi nhục, thậm chí tìm đến cái chết khi đêm tân hôn không diễn ra theo sự chờ đợi của nhà trai, người ta không tìm thấy dấu vết để bảo chứng cho sự trong trắng của cô dâu.

Để rồi ngày hôm sau, người con gái bị bêu xấu, bị trả về cho cha mẹ ruột, thậm chí còn bị cạo đầu, bôi vôi, mặc dù cái sự “khiếm khuyết” kia nếu có là do hàng trăm nguyên nhân, chứ không phải là “ăn cơm trước kẻng”. Theo sự phát triển của xã hội, theo đà văn minh, câu chuyện trinh tiết cô dâu cũng dần nhạt nhòa, càng ở đô thị thì càng nhạt nhòa sớm, các vùng nông thôn xa xôi chịu sự chi phối của quan niệm ấy dai dẳng hơn. Và nó đã trở thành nguồn gốc của sự đổ vỡ trong cuộc hôn nhân rất đẹp trên bến Ninh Kiều, là bàn tay nghiệt ngã đã xô đẩy “người đẹp Tây Đô” Xuân Thùy xuống vực thẳm bất hạnh.
Người chồng tên là Phúc Duy không giấu giếm kể rằng anh đã biết chuyện ấy (chuyện vợ anh là Xuân Thùy không còn trinh trắng) ngay từ lần quan hệ đầu tiên với Thùy trước khi làm đám cưới khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, với lòng vị tha tôi đã cưới và rước Thùy về nhà làm dâu trong sự yêu thương của mọi người trong nhà.

Thế nhưng, người con gái lại cho rằng trong lần gần gũi lần đầu tiên với người chồng chưa cưới ở nhà anh bên đường Tầm Vu, dấu hiệu về sự trinh trắng của cô là quá rõ ràng, chỉ vì người chồng không quan tâm nên đã không nhận ra. Người chồng bẻ lại: nếu thấy máu đào trên drap giường thì đúng ra cả hai phải để lại nhằm chứng minh cho mẹ là vợ con còn trinh trắng, chứ không phải mang đi giặt để làm mất dấu tích. Cho rằng vợ đã mất “cái ngàn vàng” nên trước ngày cưới Duy đã đem chuyện này nói ra với mẹ và chị ruột để nghe lời khuyên của mọi người.

Thật đáng trân trọng những người phụ nữ trong cuộc (mẹ và chị của Phúc Duy)là chỗ phụ nữ với nhau, họ đã rất thông cảm và hiểu biết vấn đề, họ động viên Duy hãy xem nhẹ chuyện đó để đi đến hôn nhân và hạnh phúc với Xuân Thùy. Họ khuyên rằng, điều quan trọng là hai người sống với nhau như thế nào sau ngày cưới, có hạnh phúc không mới đáng quan tâm, còn chuyện gì đã xảy ra trước không quan trọng. Với lại, người phụ nữ có thể bị rách “cái ngàn vàng” vì hàng chục nguyên nhân chứ không chỉ vì “chuyện ấy”.

Theo lời của Phúc Duy, anh đã nghe lời khuyên của mẹ và chị, với lại anh cũng là người từng trải trong cuộc sống, nên bỏ qua mọi chuyện, tổ chức lễ cưới đúng như dự định và tôn trọng, yêu thương người vợ trẻ như không có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng, lòng “vị tha” ấy chỉ như bong bóng xà phòng, chỉ cần một cớ nhỏ là nó sẽ vỡ tung.

Không phải em trên phim! 

Theo lời kể của Phúc Duy, hơn 10 ngày sau đám cưới, bạn bè anh đã rỉ tai nhau chuyện thấy một cô gái là nhân vật chính trong clip sex có khuôn mặt rất giống vợ của Duy. Sau khi xem đoạn phim, Duy càng hoang mang và khẳng định người con gái trong phim chính là vợ mình vì “thân thể cô ấy tôi biết rõ hơn ai hết”. Cùng lúc, bạn bè Duy liên tục nhắn tin dè bỉu, chê cười. Cùng lúc đó, các nữ sinh là bạn học của Thùy cũng liên tục nhắn tin tới máy cô với nôi dung “mày có tin tao in hình mày trong phim sex ra dán trước cổng trường không?”.

Còn theo lời kể của Xuân Thùy, thời gian đầu về nhà chồng, được chồng và gia đình bên chồng rất mực thương yêu, đối xử tốt. Ông Năm cha chồng tỏ ra rất mực thương con dâu nên không để Thùy làm việc nhà sợ ảnh hưởng việc học. Khoảng hai tuần sau đám cưới, một lần Duy đi làm về bất ngờ hỏi vợ: “Khi đi học môn thể dục, em thường mặc áo màu gì?”.

Không biết điều gì xảy ra, Thùy trả lời bình thường, mà không cần cô trả lời Duy cũng thừa biết vì không ít lần Thùy được chồng đưa đón trong những lần học thể dục, học sinh các trường đều mặc giống nhau, quanh quẩn cũng chỉ màu đỏ, màu xanh dương, màu xanh lá cây... Vì vậy mà cô nữ sinh nào mặc đồ thể dục cũng giống cô nữ sinh nào. Đến lúc đó, người chồng mới chìa ra băng ghi hình một đoạn clip sex quay cảnh cô gái mặc bộ đồ thể dục, bắt Thùy phải xem và hỏi: “Có phải em không?”. Thùy sững sờ cam đoan người con gái trong phim không phải là mình.
Thế nhưng, Phúc Duy không cần nghe lời phân trần, giải thích của vợ. Rồi cả gia đình chồng ai cũng biết chuyện, họ tìm xem đoạn phim sex kia, xong nhìn Thùy đầy vẻ soi mói. Ông Năm cha chồng của Thùy có lẽ là người bình tĩnh hơn cả trong gia đình. Ông không thèm xem đoạn phim, nhưng ông cũng không thể giữ được bình tĩnh khi một người quen gọi điện thoại tới mỉa mai: “Đoạn phim sex đang lan truyền trên mạng giống con dâu ông như hai giọt nước”.

Kể từ hôm đó, gia đình Duy đối xử khác hẳn với cô dâu mới. Thùy muốn giải thích, kêu oan, nhưng không ai sẵn sàng nghe lời cô trình bày. Theo Xuân Thùy, hơn ai hết, cô biết rằng đó chỉ là chuyện người giống người. Cô hoàn toàn có thể chỉ ra những điểm khác biệt giữa cô với người con gái trong phim. Từ hôm đó, Duy tỏ ra rất buồn và hay bỏ đi nhậu tới khuya.

Trong hoàn cảnh đó, không ai nghĩ đến chuyện đăng ký kết hôn. Xuân Thùy khẳng định ngoài chồng của cô ra, cô chưa từng quan hệ tình cảm với bất kỳ ai khác. Còn chuyện clip sex mà người con gái trong đó có nhiều nét giống cô, đó chỉ là chuyện ngẫu nhiên, cô hoàn toàn vô can. Trở về lại nhà cha mẹ ruột, một mặt tiếp tục minh oan, một mặt gửi clip mà cô bị quy kết là nhân vật chính nhờ công an địa phương xác minh. Theo kết luận ban đầu của công an, clip có nguồn gốc từ nước ngoài. 

Con đường nào cho em?

Không cần xác minh làm rõ chuyện “clip sex”, cùng với ác cảm trước đó do nghi ngờ cô không còn trong trắng khi về nhà chồng, gia đình Phúc Duy tuy không ra mặt xua đuổi Xuân Thùy, nhưng thái độ ghẻ lạnh của họ cùng với những lời đàm tiếu đã là lời xua đuổi cay nghiệt.

Đến tháng 8.2011, Thùy bị bệnh viêm xoang được mẹ ruột đón về nhà để trị bệnh. Đó cũng là cái cớ để cuộc hôn nhân đầy tai tiếng kia đặt dấu chấm hết. Theo lời cô gái, cô vẫn cố nhẫn nhục để mong cứu vãn cuộc hôn nhân, vì đời cô gái một lần lên xe hoa là coi như đã hết duyên, thế nhưng từ khi cô về nhà mẹ ruột trị bệnh, rồi được bác sĩ chỉ định mổ, chồng không một lần điện thoại hoặc đến thăm. Để rồi, đùng một cái cô nhận được tin chồng mình đi hỏi vợ khác.

Cô định im lặng bỏ mặc cho số phận, cho cuộc đời đưa đẩy ra sao thì ra, nhưng tội cho cha mẹ mình, cho bản thân mình, nên nửa tháng trước khi chồng cô cưới vợ mới Xuân Thùy đã làm đơn khiếu nại gửi chính quyền địa phương nơi vợ mới của chồng cư ngụ. Hiện chính quyền ra quyết định tạm thu hồi giấy chứng nhận kết hôn của chồng Thùy với vợ mới để chờ giải quyết sự vụ. Xuân Thùy cho biết, cô không kỳ vọng cuộc hôn nhân đầy tai tiếng của cô sẽ được hàn gắn trở lại, nhưng cô mong muốn mọi chuyện thật minh bạch, công bằng, ít nhất cũng để cứu vớt cuộc đời còn lại của cô khỏi những điều oan nghiệt mà cô không có lỗi.
Mới 19 tuổi đã phải qua một lần đò, trên một dòng sông sóng to, gió lớn. Bây giờ “người đẹp Tây Đô” tuy vẫn đẹp như ngày nào, nhưng đôi mắt đã chất đầy u uẩn chứ không ngây thơ, yêu đời như ngày nào. Không thể tự hành hạ mình bằng cách nằm vùi trong buồng hết ngày này qua ngày khác, Xuân Thùy đã đứng dậy và tiếp tục đi học (cô đang học một trường trung cấp y tê ở Cần Thơ), mặc cho những ánh mắt dè bỉu có, thương cảm có hướng về phía cô trên suốt đoạn đường từ nhà đến trường và cả trong lớp học.

Xuân Thùy cho biết cô sẽ nỗ lực để vượt qua tất cả, cùng với việc phải làm rõ vụ việc, để trả lại sự công bằng cho cô. Xuân Thùy cũng tha thiết gửi gắm đến những cô gái trẻ ở thôn quê như cô, hãy nỗ lực học tập, sau khi có nghề nghiệp rồi hãy tính chuyện gia đình. Khi ấy người con gái cũng đã đủ lớn khôn để quyết định chuyện đời mình. “Hãy tìm đến hôn nhân bằng sự mách bảo của trái tim, chứ đừng theo bất cứ con đường nào khác”, cô gái nhắn nhủ với giọng rất buồn!

Điểm nóng:
Chùm ảnh: Độc đáo lễ rước dâu bằng "siêu xe trâu"

Sự thật về vụ nữ sinh trở dạ trong giờ học

"Kỳ án hiếp dâm": "Chúng tôi sống trong hoảng loạn" Bạn trai nữ sinh đau đẻ trên lớp: Chỉ quen cho vui?!

Từ 1/6, ôtô xe máy phải đóng phí bảo trì đường

Cụ rùa hồ Gươm lại nổi gần 1 giờ
Bút tích "độc" bằng tranh của Bác Hồ (P1)

Trường Xuân/Hôn nhân thứ 7