Những vụ án làm chấn động dư luận năm vừa qua

02/01/2015 06:00
Diệu Linh (Tổng hợp)
(GDVN) - Mua bán trẻ em ở Chùa Bồ Đề; Nguyễn Mạnh Tường ném xác nạn nhân xuống sông Hồng... là những vụ án dư luận đặc biệt quan tâm năm 2014.

Vụ án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề

Liên quan tới vụ việc mua bán trẻ diễn ra tại chùa Bồ Đề (tổ 2, phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội), chiều ngày 4/8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Thanh Trang (36 tuổi), là quản lý khu nhà mở (trông nom trẻ) chùa Bồ Đề và Phạm Thị Nguyệt (35 tuổi, quê quán xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).

Ngày 12/8, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt về hành vi “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”.

Qua điều tra xác định, Trang là người liên hệ bán cháu Công cho Nguyệt với giá 35 triệu đồng. Tuy nhiên sau một thời gian nuôi dưỡng, đến tháng 6.2014, Nguyệt báo tin cháu Cù Nguyên Công bị bệnh sởi và tử vong sau đó.

Hai đối tượng Nguyệt và Trang.
Hai đối tượng Nguyệt và Trang.

Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an xác minh được 11 cháu bé đã được nhận làm con nuôi ở nhiều địa phương khác nhau, tuy nhiên vì lý do không muốn làm xáo trộn cuộc sống của các cháu nên cơ quan chức năng không công bố cụ thể những cháu bé này đang sống ở đâu.

Tại một buổi giao ban báo chí, ông Phan Đăng Long - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, thời gian vừa qua nhiều tờ báo đăng tải thông tin không chính xác về vụ việc ở chùa Bồ Đề, quy chụp, suy diễn, tạo ra tâm lý rất nặng nề cho các cơ sở chăm sóc trẻ em, gây bức xúc cho xã hội.

Ngoài ra, ông Long cũng lý giải thêm về việc mua bán cháu Cù Nguyên Công: “Bản chất vụ này không đúng như báo chí thông tin. Cô Trang có sai, sai ở chỗ là mua bán trẻ em, lợi dụng sự lỏng lẻo của nhà chùa. Nhưng mà trên thực tế cô Trang không giống như các đối tượng mua bán trẻ em với mục đích này, mục đích khác khác, mà đây là có nhu cầu từ một người phụ nữ vô sinh muốn nuôi con và chị đáp ứng, chỉ có điều là tham một chút lợi lộc… nhưng mà chị cũng rất đàng hoàng, liên hệ với mẹ đẻ. Bản chất của vụ mua bán trẻ em này thực ra cũng là đáp ứng nhu cầu của người phụ nữ khác là cần có một đứa con, chứ không phải là mua bán như chúng ta vẫn thấy ở xã hội là để làm việc thất đức”.

Xét xử bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường: Tuyên phạt 19 năm tù

Chiều 5/12, Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Mạnh Tường 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khám bênh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”; 5 năm tù về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Tổng hợp hình phạt đối với Nguyễn Mạnh Tường là 19 năm tù.

Bị cáo Đào Quang Khánh bị tuyên phạt 24 tháng tù về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”; 9 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Tổng hợp hình phạt là 33 tháng tù.

Ngoài ra, Tường phải bồi thường hơn 585 triệu đồng chi phí tổn thất tinh thần, mai táng cho gia đình nạn nhân và có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chị Huyền 1 triệu đồng/tháng/cháu cho đến khi đủ 18 tuổi.

Bị cáo Tường cũng bị cấm hành nghề 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh tại phiên xét xử. Ảnh: TTO.
Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh tại phiên xét xử. Ảnh: TTO.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi phạm tội của Tường đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với xã hội và gia đình nạn nhân, gây phẫn nộ trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh người thầy thuốc và uy tín của ngành Y tế; gây tổn thất, thiệt hại to lớn về tinh thần, vật chất đối với gia đình nạn nhân và cơ quan Nhà nước trong quá trình điều tra vụ án, tìm kiếm thi thể nạn nhân. Đối với Đào Quang Khánh, hành vi phạm tội khi chưa thành niên nên khi lượng hình xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Trước đó, sáng ngày 19/10, chị Huyền đến Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường để làm các thủ tục, đến khoảng 12h anh Tường cùng 3 nhân viên của trung tâm là Vân, Hoa và Thư đều là y tá tại trung tâm tiến hành gây mê, sau đó hút toàn bộ mỡ ở bụng và nâng ngực.

Theo lời khai, Nguyễn Mạnh Tường khai đã dùng ống bơm kim tiêm hút khoảng 50cc, hút khoảng 11 ống mỡ ở bụng chị Huyền, sau đó dùng các ống bơm tiêm này bơm mỡ vào hai bên ngực chị Huyền. Đến khoảng 16h thì xong phẫu thuật. Khoảng 30 phút sau, chị Huyền có các biểu hiện co giật chân tay, sùi bọt mép… ông Tường đã tiêm thuốc và chị Huyền không còn các biểu hiện trên. Nhưng đến khoảng 17h45, nhân viên trung tâm phát hiện chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, đã thông báo cho anh Tường biết. Tường hướng dẫn cho các nhân viên truyền dịch chống sốc, cho thở oxy, đồng thời  quay về trung tâm làm các biện pháp cấp cứu khác cho chị Huyền.

Tường nhận thấy chị Huyền đã chết lâm sàng, do sợ trách nhiệm nên đã cho một số nhân viên nghỉ, rồi cùng một số nhân viên khác thu dọn đồ đạc, sổ sách, máy tính đưa đi nơi khác cất giấu, nhằm xóa các dấu vết. Sau đó, Tường cùng bảo vệ là Đào Quang Khánh đưa xác chị Huyền ra sông Hồng phi tang.

Xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng: Y án tử hình

Chiều 7/5/2014, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND Tối cao đã tuyên y án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc về 2 tội tham ô tài sản và cố ý làm trái.

Một số bị cáo khác như: Trần Hải Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines lĩnh án 22 năm tù giam; Trần Hữu Chiều - nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines - 19 năm tù giam; Mai Văn Khang - nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines - 7 năm tù giam; Lê Văn Dương - nguyên Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam - 7 năm tù giam; Huỳnh Hữu Đức - nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa - 6 năm tù giam; Lê Văn Lừng - nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa - 6 năm tù giam; Lê Ngọc Triện – nguyên Đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa - 6 năm tù giam.

Dương Chí Dũng bị tuyên phạt tử hình vào chiều 7/5/2014.
Dương Chí Dũng bị tuyên phạt tử hình vào chiều 7/5/2014.

Theo bản án sơ thẩm, từ đầu năm 2007 đến cuối năm 2008, Vinalines triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và quyết định việc mua ụ nổi 83M - một hạng mục quan trọng trong dự án - gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng, tham ô hơn 28 tỷ đồng.

Dương Chí Dũng và các đồng phạm biết rõ chiếc ụ nổi này hư hỏng nhiều, không hoạt động được, không đủ điều kiện để lưu hành nhưng vẫn tìm cách móc nối với nhau để hợp thức hóa thủ tục đưa ụ nổi từ Nga về Việt Nam.

Dương Chí Dũng đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, với vai trò là chủ mưu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước.

Ngoài ra, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn đã cùng nhau tham ô hơn 28 tỷ đồng.

Ông Mai Văn Phúc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò cầm đầu, đã ký tờ trình đề nghị phê duyệt đầu tư Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ký hợp đồng, ký thanh toán tiền hợp đồng mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước. 

Xét xử Nguyễn Đức Kiên: Tuyên phạt 30 năm tù giam

Chiều 15/12, Hội đồng xét xử TAND Tối cao tuyên giữ nguyên hình phạt với bị cáo Nguyễn Đức Kiên và 4 cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB. Duy nhất, cựu phó chủ tịch HĐQT Lê Vũ Kỳ được giảm một năm tù.

Phiên tòa phúc thẩm được mở bắt đầu từ ngày 28/11 căn cứ theo kháng cáo kêu oan của cựu phó chủ tịch ACB Nguyễn Đức Kiên cùng cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải, cấp phó Huỳnh Quang Tuấn và 3 cựu phó chủ tịch HĐQT Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang.

Nguyễn Đức Kiên lĩnh án 30 năm tù.
Nguyễn Đức Kiên lĩnh án 30 năm tù.

Quá trình thẩm vấn, bị cáo Kiên cho rằng bị oan khi cấp sơ thẩm tuyên phạt mình 30 năm tù về 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải đề nghị được Hội đồng xét xử xem xét, nếu có tội thì giảm một phần hình phạt. Bị cáo cho rằng có công đem lại lợi nhuận cho ACB và không phải là chủ thể ra chủ trương uỷ thác nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, hành vi bị quy kết làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế với mức án sơ thẩm là 8 năm tù.

Các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn, Trịnh Kim Quang (bị án sơ thẩm tuyên phạt 2-5 năm tù) khai trong quá trình bị bắt đã nhận thức được sai phạm khi uỷ thác cho nhân viên đi gửi tiền và đầu tư cổ phiếu ACB, gây thiệt hại theo cáo buộc hơn 1.000 tỷ đồng. Cả 4 bị cáo này đều cho rằng không cố ý làm trái các quy định của nhà nước.

Sau nhiều ngày tranh tụng, đại diện VKSND Tối cao giữ nguyên quan điểm buộc tội, khẳng định việc kết án bị cáo Nguyễn Đức Kiên là có cơ sở. Cơ quan công tố cũng bác quan điểm bào chữa của 5 bị cáo còn lại cùng các luật sư, cho rằng không có căn cứ để xác định lại tội danh.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên y án bị cáo Nguyễn Đức Kiên 20 tháng tù về tội Kinh doanh trái phép; 6 năm 6 tháng tù tội Trốn thuế (nộp phạt 75 tỷ đồng); 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (phạt 100 triệu đồng), 18 năm tù do Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.

Tòa không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hải, tuyên phạt 8 năm tù về tội Cố ý làm trái, cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng trong 5 năm.

Cùng tội danh, bị cáo Trịnh Kim Quang lĩnh 4 năm tù, bị cáo Phạm Trung Cang lĩnh án 3 năm tù, bị cáo Huỳnh Quang Tuấn lĩnh án 2 năm tù.

Riêng bị cáo Lê Vũ Kỳ được chấp nhận một phần kháng cáo, giảm từ 5 năm xuống còn 4 năm tù.

Bắt tạm giam ông Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank

Ngày 24/10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) để điều tra về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo điều 179 Bộ luật Hình sự. Trước khi ông Hà Văn Thắm bị bắt, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị OceanBank đối với ông này.

Ông Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương.
Ông Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương.

Ông Hà Văn Thắm sinh năm 1972 tại Bắc Giang, có bằng thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Columbia Commonwealth, Mỹ và bảo vệ Tiến sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Công nghệ Paramount, Mỹ.

Ngoài chức danh Chủ tịch HĐQT Ocean Bank, ông Hà Văn Thắm còn là Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OCH).

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/11, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình thực hiện việc giám sát, thanh tra đối với các tổ chức tín dụng nói chung và OceanBank nói riêng đã phát hiện một số sai phạm trong hoạt động tín dụng của ngân hàng này và cá nhân ông Hà Văn Thắm. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu OCeanbank khắc phục sau thanh tra.

Tiếp đó, trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, năm 2013 Ngân hàng Nhà nước đã phê chuẩn đề án tái cơ cấu của OceanBank, yêu cầu ngân hàng này thực hiện phương án đó. Tuy nhiên, quá trình thanh tra tái cơ cơ cấu, thanh tra Ngân hàng Nhà nước nhận thấy ngân hàng này chưa khắc phục được sai phạm, lại phát sinh sai phạm khác có yếu tố cần phải xử lý hình sự.

Diệu Linh (Tổng hợp)