Ông Dương Trung Quốc: “Cán bộ trong sạch chưa đủ mà phải biết xấu hổ”

24/05/2018 06:50
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đó là nhấn mạnh của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc tại nghị trường hôm 22/5.

Nghị quyết số 26-NQ/TW Trung ương 7 khoá 12 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đang nhận sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Một trong những giải pháp được đề cập trong Nghị quyết là xây dựng văn hóa từ chức, nâng cao lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền.

Đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, Nghị quyết đã đề cập đến một yếu tố rất truyền thống của quan chức. Đó chính là tính “liêm sỉ” của cán bộ.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, cán bộ có chữ "liêm" chưa đủ mà phải có "sỉ". Ảnh: Đỗ Thơm
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, cán bộ có chữ "liêm" chưa đủ mà phải có "sỉ". Ảnh: Đỗ Thơm

“Trong giáo dục giáo cán bộ của bộ máy công quyền, chúng ta đang thiếu một yếu tố rất truyền thống. Đó là “liêm sỉ”. Điều này được các cụ ngày xưa rất coi trọng khi làm quan.

Chúng ta hiện nay mới coi trọng chữ “liêm” (trong sạch) nhưng chữ “sỉ” (biết nhục, xấu hổ, ngượng) chưa được chú ý.

Người cán bộ phải tự điều chỉnh hành vi của họ trên cơ sở chuẩn mực xã hội, hệ thống giá trị chuẩn.

Nói như vậy là các chuẩn mực xã hội phải chuẩn”, đại biểu Quốc đề cập.

Đại biểu Dương Trung Quốc dẫn chứng: “Tôi ví dụ như ngày xưa có cả hệ thống giá trị cho việc từ chức một cách đàng hoàng. Quan ngày xưa từ chức không phải là xấu mà đó là sự tự trọng.

Họ cảm thấy làm không tốt, có lỗi dù không bị truy cứu nhưng quan thấy phải tự xử mình, họ cũng từ chức. Có trường hợp, họ có nghĩa vụ gia đình, làm tròn đạo hiếu kính, bố mẹ ốm hoặc mất phải chịu tang, họ cũng từ chức”.

Phác thảo chân dung những kẻ “hại nước, hại dân” (2)

Còn hiện nay thì quan niệm hoàn toàn khác hẳn. Ai cũng coi từ chức là khi bị đuổi khỏi cơ quan, từ chức là xấu xa.

“Yếu tố “liêm sỉ” của cán bộ là rất quan trọng nhưng giờ, chúng ta ít quan tâm. Cán bộ rất thực dụng chỉ mong leo thật cao”, đại biểu Dương Trung Quốc nhận xét.

Việc chạy chức, chạy quyền theo ông cũng vậy.

Cán bộ có liêm sỉ là làm đúng cương vị, đúng chức trách, biết xấu hổ khi chạy chọt, luồn cúi.

“Khi xã hội đã có một chuẩn mực giá trị, cán bộ tự làm theo, tự thấy xấu hổ khi chạy chức chạy quyền.

Nhưng đáng buồn, nhiều người giờ bảo một số cán bộ “đứt dây thần kinh xấu hổ” rồi!”, đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ.

Theo ông, việc nâng cao lòng tự trọng và danh dự cá nhân để hình thành văn hóa không chạy chức chạy quyền là giải pháp đúng. Muốn làm được, cán bộ phải được đào luyện. Thứ hai là phải nêu cao tính gương mẫu của người lãnh đạo.

“Người ở trên phải gương mẫu, có năng lực, trách nhiêm, biết lo cho dân”, đại biểu Quốc nhấn mạnh.

Ông Dương Trung Quốc: “Cán bộ trong sạch chưa đủ mà phải biết xấu hổ” ảnh 2Cán bộ không còn uy tín với Đảng, với nhân dân thì nên từ chức cho dân được nhờ

Theo ông, việc chạy chức, chạy quyền “mua quan bán chức” là có trong đời sống xã hội.

“Khó là ai phát hiện chạy chức, chạy quyền. Đây là hoạt động “đi đêm”. Đã là hoạt động "đi đêm" thì chỉ có ánh sáng ban ngày mới làm rõ được.

Chúng ta phải tin vào dân, tin vào sự giám sát của dân. Tạo điều kiện cho người dân giám sát tốt bao nhiêu thì càng có xã hội tốt bấy nhiều”, ông Quốc khẳng định.

Đồng quan điểm ủng các giải pháp được nêu ra trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình khẳng định: “Vừa rồi, Trung ương Đảng đã nói rất nhiều đến việc kiểm soát quyền lực chống chạy chức chạy quyền.

Đây là việc làm được nhân dân đồng tình rất cao, đây cũng chính là bước đột phá đối với Ban Tổ chức Trung ương về vấn đề thiết lập, hình thành đội ngũ cán bộ trong thời gian tới để hạn chế vấn đề chạy chức chạy quyền.

Từ đó, hạn chế bổ nhiệm cán bộ không đúng và hạn chế được vấn đề cục bộ, bè phái, bổ nhiệm người nhà mà không bổ nhiệm người tài”.

Theo ông, đây cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng thể chế, một khung sắt trong quá trình bổ nhiệm cán bộ đúng thực chất.

Đỗ Thơm