TS Khuất Việt Hùng:

TS Khuất Việt Hùng 'mổ sẻ' 3 nguyên nhân từ các vụ tai nạn thảm khốc

11/06/2013 07:04
Ngọc Quang
(GDVN) - "Những vụ tai nạn giao thông thảm khốc này nếu phân tích ra thì sẽ thấy nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có một điểm chung nổi lên ở đây đó là hành vi chạy xe với tốc độ quá cao". TS Khuất Việt Hùng nhận định

Liên tiếp các vụ tai nạn thảm khốc

Thời gian vừa qua, nhiều địa bàn trên cả nước tiếp tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông thương tâm, làm chết và bị thương nhiều người. Chỉ từ ngày 7-9/6 vừa qua, đã có 3 vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng: Ngày 7/6 trên tuyến đường đèo nối Nha Trang – Đà Lạt, chiếc xe khách chở 32 người đã đâm vào vách núi tại tỉnh Khánh Hòa khiến 7 người chết và 21 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xe bị mất phanh trong khi đổ dốc và lái xe buộc phải đâm vào núi, bởi nếu chạy thêm khoảng 100m nữa thì xe sẽ lao xuống vực.

Vụ tai nạn thảm khốc ở Khánh Hòa
Vụ tai nạn thảm khốc ở Khánh Hòa

Tới ngày 9/6, trên Quốc lộ 1A (đoạn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã xảy ra vụ lật xe làm 3 người chết và 27 người bị thương. Thông tin ban đầu cho biết, xe khách của hãng Mai Linh đã đâm vào lan can, lao ra khỏi đường, và nguyên nhân đã được làm rõ là bộ phận định vị của trục trước không an toàn.

Cũng trong ngày 9/6, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng, đó là một xe tải đông lạnh khi đang vượt một xe tải đi cùng chiều thì gặp 2 xe máy đi ngược chiều. Lái xe đã phanh gấp, và do tốc độ xe đang chạy cao cộng thêm với trời mưa đường trơn nên đuôi xe tải bị văng ngược về trước khiến cho 6 người đi trên 2 xe máy tử vong, trong đó có một gia đình gồm bố mẹ và cháu bé 10 tháng tuổi.

Trước tình hình giao thông ngày ngày diễn biến phức tạp, TS Khuất Việt Hùng – Quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đã có cuộc trả lời phỏng vấn trên VTV, ông Hùng nhận định: “Những vụ tai nạn giao thông thảm khốc này nếu phân tích ra thì sẽ thấy nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có một điểm chung nổi lên ở đây đó là hành vi chạy xe với tốc độ quá cao.

Thí dụ như vụ tai nạn ở đèo thì theo quy định khi đổ đèo chỉ được phép đi 30km/giờ, nhưng rõ ràng lái xe đã có hành vi đổ đèo mà không sử dụng số, cho nên tốc độ xe rất lớn. Thêm vào đó, lái xe rà phanh liên tục, dẫn đến cháy phanh và quyết định buộc phải đâm vào vách núi.

Khi đâm vào vách núi với vận tốc xe khác nhau thì hậu quả cũng sẽ khác nhau. Thí dụ như vụ xe lật ở Quảng Nam, trước khi bị lật thì lái xe chạy với tốc độ 77km/giờ (quá tốc độ cho phép 7km/giờ), và đoạn này là đường cong, mà về nguyên tắc gặp đường cong thì phải giảm tốc độ; rồi vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở Bà Rịa – Vũng Tàu… tất cả đều xuất phát từ việc lái xe chạy quá tốc độ”.

Ông Khuất Việt Hùng - Quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT.
Ông Khuất Việt Hùng - Quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT.

Đúng là thực tế hiện nay, vấn đề lái xe chạy quá tốc độ cho phép đang là một trong năm nguyên nhân chính dẫn tới những vụ tai nạn giao thông thương tâm. Thống kê từ các vụ tai nạn cho thấy một con số khiến cho nhiều người “dựng tóc gáy”, đó là: Tốc độ tăng 5% thì số vụ tai nạn tăng 10% và số người chết tăng 20%.

3 nguyên nhân chính đối với lái xe gây tai nạn

Có ba nguyên nhân chính đối với lái xe gây ra tai nạn: Thứ nhất là do tâm lý chủ quan, quá tự tin vào tay lái của mình (90% lái xe tin rằng có khả năng lái xe trên tốc độ trung bình); Thứ hai là do áp lực chạy xe để đạt được hiệu suất công việc; Thứ ba là lượng xe cộ ngày càng tăng dày đặc trên các tuyến đường.

"Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phải vào cuộc, từ thanh tra cấp Bộ đến thanh tra Sở vào cuộc siết chặt lại điều kiện quản lý kinh doanh, yêu cầu các doanh nghiệp, các đơn vị vận tải phải thực hiện nghiêm tất cả các quy định liên quan đến đảm bảo sức khỏe, đảm bảo quyền lợi, giảm áp lực kinh doanh lên vai người lái xe”, ông Hùng nói.

Như vậy là sau vấn đề chân ga của người lái xe thì còn nhiều vấn đề khác, vậy làm thế nào để giảm bớt áp lực cho người lái xe yên tâm hơn trên đường, trong đó có áp lực kinh tế? Theo TS Khuất Việt Hùng, thực tế ở đây áp lực khách quan khiến cho người lái xe phải hoạt động quá thời gian quy định, chạy xe quá tốc độ cho phép, chạy xe để tranh giành khách… xuất phát từ lợi ích kinh tế.

“Một số đơn vị thực hiện rất nghiêm túc công tác quản lý lái xe, nhưng đa số chủ xe khoán trắng cho lái xe. Lái xe vừa phải làm kinh doanh, vừa phải kiếm tiền, vừa phải chịu tất cả mọi áp lực trong quá trình tham gia giao thông. Vì vậy, họ buộc phải chạy quá tốc độ để cố gắng về bến sớm để đón được nhiều khác.

Lái xe cũng thường chạy quá thời gian quy định. Theo quy định thì lái xe không được phép chạy liên tục quá 4 giờ và một ngày không được chạy quá 10 giờ, nhưng đa số các lái xe trong các vụ tai nạn đều rơi vào tình trạng lái quá thời gian quy định”.

Vụ lật xe ở tỉnh Quảng Nam các đây 3 ngày đã khiến 3 người chết, 27 người bị thương.
Vụ lật xe ở tỉnh Quảng Nam các đây 3 ngày đã khiến 3 người chết, 27 người bị thương.

Ông Hùng nhận định, đảm bảo an toàn giao thông là một sự nghiệp không bao giờ kết thúc, khi mà chúng ta vẫn còn phải hoạt động tham gia giao thông.

“Trong thời gian tới đây, đặc biệt là trong tháng 6 và 7, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có kế hoạch đẩy mạnh cao điểm về kiểm soát tốc độ. Trước tiên, chúng tôi sẽ áp dụng Nghị định 91, sử dụng thiết bị giám sát hành trình về Ủy ban ATGT Quốc gia, theo dõi, báo cáo về các phương tiện phải được theo dõi. Đến cuối ngày sẽ tổng kết và công bố vào ngày hôm sau trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai những doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phải vào cuộc, từ thanh tra cấp Bộ đến thanh tra Sở vào cuộc siết chặt lại điều kiện quản lý kinh doanh, yêu cầu các doanh nghiệp, các đơn vị vận tải phải thực hiện nghiêm tất cả các quy định liên quan đến đảm bảo sức khỏe, đảm bảo quyền lợi, giảm áp lực kinh doanh lên vai người lái xe”, ông Hùng nói.

Ngọc Quang