Tạm dừng sáp nhập Sở là đúng, nên chờ Chính phủ để tránh hợp nhất tùy tiện

11/12/2018 06:55
Đỗ Thơm
(GDVN) - “Nếu cứ để các tỉnh chủ động sáp nhập có thể tùy tiện, thậm chí mang động cơ cá nhân chứ chưa nói đến là làm tốt hay chưa tốt”, đại biểu Ngọc Phương nói.

Bộ Nội vụ đã chính thức có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đề nghị các tỉnh, thành tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; dừng việc sáp nhập một số sở ngành, phòng ban.

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: “Có ý kiến của Bộ Nội vụ đề nghị tạm dừng việc sáp nhập các Sở, ngành chuyên môn, tôi cho là đúng”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - đoàn Quảng Bình. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - đoàn Quảng Bình. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết, ngay khi có thảo luận sáp nhập các cơ quan chuyên môn, ông đã phát biểu giữa nghị trường Quốc hội rằng tinh giản biên chế ngay trong nội bộ các ngành, đơn vị sáp nhập thì nên làm.

Còn sáp nhập các đơn vị lớn, có tính chất ổn định hệ thống từ lâu phải làm thí điểm rút kinh nghiệm chắc chắn rồi mới làm.

“Tôi đã dẫn chứng bài học chúng ta từng nhập tỉnh rồi tách tỉnh. Tôi đã kiến nghị chuyện này.

Vì vậy, tôi tán thành việc Bộ Nội vụ đề nghị tạm dừng sáp nhập”, đại biểu Phương nói.

Theo ông, chúng ta phải làm thí điểm, phải rõ chức năng nhiệm vụ, có văn bản pháp lý thống nhất từ Trung ương sẽ thuận lợi khi triển khai tổ chức thực hiện ở địa phương.

Vị Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Bình nhấn mạnh lại, ông hết sức ủng hộ chủ trương tinh giản biên chế và Quốc hội cũng đã thống nhất việc này.

“Nhưng tinh giản như thế nào, tinh giản từ đâu phải làm từ từ. Đặc biệt là sáp nhập các tổ chức chuyên môn.

Bài học chúng ta đã có rồi. Phải có chủ trương, làm thí điểm để biết là nên sáp nhập ngành nào với ngành nào.

Nếu cứ để các tỉnh chủ động sáp nhập có thể dẫn đến làm tùy tiện. Thậm chí nó có thể mang động cơ cá nhân chứ chưa nói đến là làm tốt hay chưa tốt.

Hơn nữa, như địa phương sáp nhập Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải trong khi Trung ương không sáp nhập, vậy chỉ đạo ngành dọc, Sở mới sau khi sáp nhập sẽ chịu sự chỉ đạo từ Bộ Xây dựng hay Bộ Giao thông vận tải?”, đại biểu Phương băn khoăn.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đối với các tỉnh đã tiến hành sáp nhập Sở nếu được Chính phủ, các Bộ liên quan nhất trí thì tiếp tục. Đó cũng có thể coi là mô hình thí điểm để rút kinh nghiệm.

Tạm dừng sáp nhập Sở là đúng, nên chờ Chính phủ để tránh hợp nhất tùy tiện ảnh 2Hợp nhất Sở Giáo dục với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu

Còn nếu tỉnh nào sáp nhập Sở ngành chưa được Chính phủ nhất trí thì theo ông nên tạm dừng lại.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc sáp nhập các sở ngành là để tinh gọn bộ máy, để hoạt động hiệu quả.

Hiện nay chúng ta đang thực hiện sắp xếp lại bộ máy chính trị nhằm giảm nhẹ biên chế. Chính vì vậy, bây giờ phải tìm ra một mô hình để thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

“Nếu bây giờ mở cơ chế tỉnh nào làm theo cơ chế hay chính sách của tỉnh đó thì dẫn đến không đồng bộ và không thống nhất về bộ máy.

Như vậy không đảm bảo được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước”, ông Hòa nêu quan điểm.

Cũng theo ông Hòa, hợp nhất là phải có khung số lượng các sở ngành sau sáp nhập, tiêu chuẩn và không nên cơ học. Phải có sự tập trung thống nhất cho bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

“Cán bộ cũng cần phải ý thức nâng cao trách nhiệm, nâng cao trình độ để lo cho dân. Không phải làm theo xu hướng, thời vụ, tức thời được.

Việc có văn bản tạm thời ngừng hợp nhất, tách sáp nhập sở ngành là hợp lý. Tinh gọn, sáp nhập để hiệu quả chứ không phải là sáp nhập một cách cơ học”, ông Hòa khẳng định.

Được biết, Bộ Nội vụ đã xây dựng 2 dự thảo liên quan, gồm: dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Cả 2 dự thảo này đã trình Chính phủ và báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến một số nội dung liên quan đến khung số lượng cơ quan chuyên môn, tiêu chí thành lập tổ chức, biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của một tổ chức hành chính ở địa phương.

Đã có 2 tỉnh tiến hành sáp nhập Sở

Trên cả nước hiện có 2 địa phương tiến hành sáp nhập, hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

Vào tháng 7/2018, tỉnh Lào Cai công bố thông tin hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải – Xây dựng. 

Tiếp đó, vào tháng 11, tỉnh Bạc Liêu cũng công bố hợp nhất Sở Thông tin - Truyền thông với Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch thành Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch.

Hợp nhất Sở Khoa học - Công nghệ với Sở Giáo dục và Đào tạo thành Sở Giáo dục - Khoa học và Công nghệ.

Đỗ Thơm