Thu hồi quyết định bắt cấp dưới báo cáo án của Tòa án nhân dân Hà Nội

23/09/2014 12:23
Ngọc Quang
(GDVN) - Đó là thông tin được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết trong phiên họp sáng nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cho ý kiến về Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sáng nay tại Thường Vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ: “Hiện nay, Chánh tòa, tòa án nhân dân Hà Nội đang bắt tất cả thẩm phán phải báo cáo lên Chánh án TAND Thành phố, thế thì vi phạm rất nặng rồi”.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, quyền độc lập của điều tra, quyền độc lập truy tố, quyền của Viện kiểm sát, quyền xét xử kiểm soát của tòa án phải được đảm bảo…. từ đó mới ra được chuyện tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm… trách nhiệm là phải hỏi đúng người chứ không phải hỏi chung chung.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ quyết định của Chánh án TAND TP Hà Nội là vi phạm rất nặng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ quyết định của Chánh án TAND TP Hà Nội là vi phạm rất nặng.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: "Thí dụ trong trường hợp xét xử, ông Chánh án chẳng liên can gì cả vì ông không chỉ đạo. Chánh án thành phố chẳng liên can gì cả. Chánh án tối cao cũng không liên can. Nếu có liên can thì là ở chỗ khác chứ không phải phiên tòa, thí dụ như bổ nhiệm không đúng quy trình, đưa một anh vớ vẩn lên đây để ngồi chủ tọa chẳng hạn. 

Còn phiên tòa được độc lập xét xử, trong luật đã nói rõ độc lập xét xử thì ông đó phải chịu trách nhiệm... Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã kiểm tra kỹ để đảm bảo nguyên tắc này chưa. Nếu phát hiện có vấn đề vi phạm thì các đồng chí xử lý sao?".

Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, ông Trương Hòa Bình cũng cho biết, sau khi có nhiều thông tin về sự việc Chánh án TAND TP Hà Nội ra quyết định 13 (Ban hành quyết định báo cáo nghiệp vụ xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự, và các khiếu kiện hành chính với Chánh án TAND thành phố Hà Nội – PV), Chánh án TAND Tối cao đã chỉ đạo kiểm tra rà soát trên tất cả các tỉnh, thành và sẽ có báo cáo kết quả cụ thể.

Ông Trương Hòa Bình cho biết đang chỉ đạo rà soát lại trên cả nước sau sự việc Chánh án TAND TP Hà Nội ra quyết định 13.
Ông Trương Hòa Bình cho biết đang chỉ đạo rà soát lại trên cả nước sau sự việc Chánh án TAND TP Hà Nội ra quyết định 13.

Ông Trương Hòa Bình cho biết thêm, vấn đề đảm bảo nguyên tắc tranh tụng sẽ được cụ thể hóa trong các luật tố tụng hình sự, dân sự, kinh tế. Đầu tiên phải đảm bảo thẩm quyền của bộ máy, phải đảm bảo trong Luật tổ chức tòa án để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng theo đúng tinh thần Hiến pháp.

“Về vấn đề độc lập của thẩm phán, đây là nguyên tắc Hiến định. Hiến pháp 2013 đã quy định rõ và dự thảo luật đã thể hiện rõ. Dù vậy vẫn có nguyên tắc tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong nguyên tắc xét xử, chúng tôi sẽ chấp hành nguyên tắc này”, ông Bình nói.

Trước đó tại buổi làm việc của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ quyết định số 13/QĐ-CA ngày 23/1/2013 của Chánh án TAND TP Hà Nội là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc độc lập xét xử quy định trong Hiến pháp, Luật.

Trước sự việc này, Tiến sĩ Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao) chia sẻ: "Đây là một quyết định lạ, Ủy ban Tư pháp cần yêu cầu Chánh án TAND Tối cao rà soát toàn quốc và có báo cáo với Quốc hội về vấn đề này. 

Ủy ban Tư pháp cũng cần rà soát lại xem trong thời gian quyết định đó ban hành thì có những vụ án nào mà các cấp tòa phải báo cáo xin chỉ đạo của Chánh án TAND TP Hà Nội, trong số đó thì có những vụ nào quan điểm xét xử khác nhau và gây hậu quả không? Từ đó phải truy lại trách nhiệm cụ thể và chấn chỉnh việc ban hành văn bản như vậy".

Ông Khiển cũng thẳng thắn cho biết, văn bản này gây ảnh hưởng tới nguyên tắc xét xử độc lập của tòa án.

"Bản chất của quyết định này quy định cơ chế duyệt án. Làm như vậy thì tất cả các thẩm phán, những người nghiên cứu hồ sơ vụ án chỉ là tham mưu cho Chánh án. Tất cả mọi việc do Chánh án quyết định hết, vậy thì hội đồng xét xử không còn tính độc lập nữa. Khi đã báo cáo xin hướng chỉ đạo xét xử rồi thì tòa mặc nhiên tiến hành xét xử theo chỉ đạo. Trong trường hợp bị cáo kêu oan thì cấp phúc thẩm khó giải quyết vì đã chỉ đạo từ đầu rồi, cho nên rất có thể dẫn tới oan sai", ông Khiển phân tích.

Ngọc Quang