Việt Nam trở thành… "bãi rác của thế giới"?

31/05/2014 08:27
Ngọc Quang
(GDVN) - Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra rất gay gắt và đề nghị loại bỏ quy định nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, vì có thể gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Giải trình về vấn đề trên, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết: “Vấn đề nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ đang còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành việc giao Chính phủ cho phép nhập khẩu một số loại tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ vì mục đích kinh tế và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, cần phải có quy định nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường. Loại ý kiến thứ hai: Băn khoăn và chưa thực sự đồng tình với quy định đối với tàu biển đã qua sử dụng, giao Chính phủ quy định cụ thể, vì việc phá dỡ tàu cũ có thể gây ô nhiễm môi trường không nhỏ, nếu không được quản lý chặt chẽ”.

Cũng theo ông Dũng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học công nghệ, và môi trường của Quốc hội cùng Ban soạn thảo bổ sung quy định việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và giao Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã đề nghị bỏ quy định này ra khỏi luật, bởi việc phá dỡ tàu cũ có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, các phế liệu có nhiều chất gây ung thư có thể ngấm xuống lòng đất, nước.

Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) đã nêu thí dụ "còn hàng ngàn container nhập khẩu phế liệu không có chủ đang nằm ở bến cảng gây ô nhiễm" và nhận định: “Nhập khẩu phế liệu lợi ít, hại nhiều. Xu hướng phá dỡ tàu cũ từ các nước phát triển đến nay đã dịch chuyển sang các nước đang nước triển. Những nước phát triển hiện đã không còn làm nữa, bởi yếu tố phế thải từ việc phá dỡ có nhiều chất độc hại, gây ung thư. Vì vậy cần bỏ quy định này ra khỏi Luật".

Nhiều đại biểu quốc hội cảnh báo, Việt Nam có thể bị biến thành bãi rác của thế giới. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Nhiều đại biểu quốc hội cảnh báo, Việt Nam có thể bị biến thành bãi rác của thế giới. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Quan điểm của đại biểu Hoàng nhận được sự ủng hộ của một loạt đại biểu khác từ đoàn Quảng Ninh, Ninh Thuận, Bình Định… Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) đã nói rất thẳng thắn: "Chúng ta đưa lý do nhập tàu cũ về phá dỡ để tạo công ăn việc làm cho người lao động là chưa thuyết phục. Chưa lường hết quá trình, giữ mặt lợi kinh tế và mặt hại. Nếu cho phép thì trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ là bãi rác lớn nhất thế giới về phá dỡ tàu cũ. Tàu cũ luôn có máy móc hóa chất kèm theo. Nếu phá dỡ sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân. Một lần nữa tôi đề nghị không cho phép".

Liên quan đến quy định "về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất", nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng khi đề nghị rà soát, bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ hơn; bổ sung quy định về hàng rào kỹ thuật đối với phế liệu được phép nhập khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để nhập chất thải vào Việt Nam. Đồng thời, nghiêm cấm việc mua bán phế liệu đã nhập khẩu vào trong nước, quy định việc cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu, thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu.

đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (đoàn Bạc Liêu) cho rằng: “Luật chưa cụ thể hóa vấn đề mọi người được sống trong môi trường trong lành mà Hiến pháp mới đã quy định. Vì vậy, cần quy định rõ những loại nào thì được phép nhập khẩu. Nếu không chặt chẽ Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của thế giới".

Trong khi đó, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị, cần quy định đậm nét quy hoạch bảo vệ môi trường phải gắn với quy hoạch chung phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, và phát triển vùng kinh tế.

“Việc luật không đề cập đến việc bảo vệ, phát triển rừng là một bước lùi. Phải dựa trên quy định phát triển rừng. Không thể để quy hoạch thủy điện tràn lan như trong thời gian vừa qua, khi chặt phá đất rừng tự nhiên, vườn quốc gia nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm", đại biểu Vở nói.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thì dẫn ra một loạt các thí dụ gây ô nhiễm của VeDan (tại Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, TP.HCM) hay Thái Thanh (tại Thanh Hóa) và nhấn mạnh: “Có hàng trăm người dân bị thiệt hại nhưng không có quyền gửi đơn tập thể, mà chỉ có quyền cá nhân gửi đơn gây khó khăn cho người dân, cũng như cơ quan chức năng. Vì vậy, cần có quy định về cơ quan tổ chức có trách nhiệm khởi kiện khi cả khu dân cư bị thiệt hại”.

Ngọc Quang