7 trường hợp được miễn lệ phí môn bài
Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 có hiệu lực từ 01/01/2017, trong đó quy định 7 trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:
1. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
2. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
4. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
5. Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
6. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.
7. Quỹ tín dụng nhân dân xã; hợp tác xã chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban dân tộc.
Quy định mới về phí môn bài có hiệu lực từ 1/1/2017. ảnh minh họa: tạp chí tài chính. |
Thu lệ phí trước bạ ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống
Theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP ngày10/10/2016 về lệ phí trước bạ có hiệu lực từ 01/01/2017, mức thu lệ phí trước bạ 2% đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự.
Riêng, ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%.
Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung.
Ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Một số cơ chế đặc thù đối với TP Đà Nẵng
Nghị định số144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng có hiệu lực từ 01/01/2017.
Cơ chế đặc thù này nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của Thành phố; tạo điều kiện để Thành phố phát huy được những lợi thế trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của miền Trung vào năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Nghị định số144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng. |
Theo đó, Đà Nẵng được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật.
Được vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho ngân sách địa phương vay lại.
Chính phủ ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách Trung ương cho ngân sách thành phố để tham gia thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) mang tính chất liên vùng trên địa bàn thành phố.
Chính phủ ưu tiên huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho thành phố để thực hiện những dự án đầu tư hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố. Việc bố trí vốn đối ứng trong nước cho các dự án này do ngân sách thành phố bảo đảm... Và nhiều chính sách khác.
Tăng phí dịch vụ môi trường rừng
Có hiệu lực từ 01/01/2017, Nghị định số 147/2016/NĐ-CP ngày 2/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).
Một trong những nội dung sửa đổi là điều chỉnh mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện và sản xuất nước sạch.
Theo sửa đổi, mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện tăng từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh và cơ sở sản xuất nước sạch từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3.
Bộ Công Thương tiếp nhận, rà soát đăng ký giá sữa
Có hiệu lực từ 1/1/2017, Nghị định 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, Bộ Công Thương tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng này.
Quản lý giá sữa là vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm. ảnh: tạp chí tài chính. |
Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
Có hiệu lực từ 01/01/2017, Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 quy định về đối tượng chịu phí, các trường hợp miễn phí, người nộp phí, mức thu, kê khai, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Nghị định quy định rõ mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Các loại chứng thư số được sử dụng để ký số trong hoạt động tài chính
Theo Nghị định 156/2016/NĐ-CP ngày 21/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/2/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính có hiệu lực từ 10/01/2017, các loại chứng thư số được sử dụng để ký số trong hoạt động tài chính giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính:
Chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;
Chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị;
Chứng thư số nước ngoài được công nhận;
Chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam; chứng thư số nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế.
Điều kiện thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản có hiệu lực từ 15/01/2017 quy định rõ điều kiện của hộ kinh doanh được thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Cụ thể, hộ kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật khoáng sản được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Được UBND cấp tỉnh lựa chọn theo quy định tại Điều 15 Nghị định này; có hợp đồng với tổ chức có đủ điều kiện hành nghề thăm dò khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật khoáng sản để thực hiện đề án thăm dò;
Có đề án thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định và phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có khoáng sản;
Diện tích khu vực đề nghị thăm dò không quá 1 ha.
Quy định chi tiết một số điều của Luật ngân sách nhà nước
Có hiệu lực từ ngày 1/01/2017, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước về lập dự toán ngân sách; thu nộp ngân sách; kiểm soát, thanh toán chi ngân sách.
Quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; quyết toán ngân sách; nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, sử dụng dự phòng ngân sách; sử dụng quỹ dự trữ tài chính; công khai ngân sách nhà nước, giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng và một số nội dung khác theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.